Ngành cá tra chinh phục thị trường EU nhờ nâng cao chất lượng sản phẩm
Thời gian qua, nhờ sự đầu tư đúng đắn về chất lượng sản phẩm, nhiều doanh nghiệp cá tra Việt Nam đang chinh phục khá tốt thị trường châu Âu.
Theo nhận định từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thời gian qua, nhờ sự đầu tư đúng đắn về chất lượng sản phẩm, nhiều doanh nghiệp cá tra Việt Nam đang chinh phục khá tốt thị trường châu Âu.
EU luôn được biết đến là một trong những thị trường xuất khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam. Kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã tạo ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường EU nhờ hàng loạt cam kết ưu đãi thuế quan. Theo EVFTA, có khoảng 220 số dòng thuế các sản phẩm thủy sản có thuế suất cơ sở từ 0-22%, số dòng thuế còn lại sẽ được cắt giảm về 0% theo lộ trình từ 3-7 năm, góp phần cho thủy sản Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh về giá so các sản phẩm cùng ngành ở các nước khác.
Số liệu thống kê chỉ ra, 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 2,4 tỷ USD, tăng 40% so năm 2021. Riêng thị trường EU sau 2 năm liên tiếp xuất khẩu giảm sút, 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra sang EU đạt 28 triệu USD, tăng gần 76%, tôm xuất khẩu đạt 159 triệu USD, tăng 66% so cùng kỳ năm 2021. Trong số đó, xuất khẩu đơn lẻ sang 3 thị trường chính là Hà Lan, Đức, Bỉ tăng lần lượt là 77%, 59% và 82%.
Riêng với thị trường Bắc Âu, cá tra Việt Nam được đánh giá rất cao. Chia sẻ về nhu cầu của thị trường, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại tại Thụy Điển, kiêm nhiệm Bắc Âu cho hay, mặc dù Bắc Âu có mức tiêu thụ tính bình quân trên đầu người cao nhưng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này không đáng kể cho thấy dư địa còn rất lớn.
Các siêu thị Bắc Âu được định hướng phát triển bền vững và ưa chuộng cá tra được chứng nhận ASC. Ngày càng có nhiều thị trường cho các sản phẩm cá tra đã rã đông và/hoặc tẩm ướp. “Đây sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu nếu có thể cung cấp cho bên chế biến một sản phẩm được tiêu chuẩn hóa và dễ dàng gia công, chế biến hoặc cung cấp các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn cho thị trường”, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy cũng lưu ý, dịch Covid-19 khiến người tiêu dùng chú trọng hơn đến sức khỏe và ngày càng quan tâm đến nguồn gốc thực phẩm. Do đó, các cơ chế bảo đảm về quy trình sản xuất và xuất xứ của thủy sản ngày càng trở nên quan trọng. Việc truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thủy sản đang trở thành một cơ chế bảo đảm phổ biến trong ngành thủy sản và người mua ngày càng yêu cầu nhiều hơn.
Vì vậy, để xuất khẩu sang thị trường Bắc Âu nói riêng và châu Âu nói chung đạt hiệu quả cao, bà Thúy khuyến nghị doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định bắt buộc của thị trường cũng như đáp ứng các nhu cầu bổ sung. Đồng thời, doanh nghiệp phải dán nhãn với các thông tin chính xác và xây dựng thương hiệu, kể chuyện về sản phẩm đi kèm với nghiên cứu phát triển sản phẩm theo xu hướng tiêu dùng.
Thanh Tùng