0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ ba, 12/07/2022 15:10 (GMT+7)

Ngân hàng Nhà nước rút ròng gần 100.000 tỷ đồng khỏi thị trường

Ngân hàng Nhà nước đang tăng cường hút ròng tiền đồng khỏi thị trường, cả về khối lượng lẫn kỳ hạn.

Gần trăm nghìn tỷ rút khỏi thị trường

Theo số liệu thống kê trên thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có thêm một tuần rút ròng lượng tiền VNĐ khỏi thị trường. Đáng chú ý, không chỉ tăng số lượng tiền rút về, thời hạn rút tiền của cơ quan quản lý tiền tệ cũng đã tăng mạnh với hàng chục nghìn tỷ đồng tín phiếu được phát hành với kỳ hạn 28 ngày.

Ghi nhận trên thị trường phiên ngày 7/7, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 5.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố, kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,5%/năm nhưng không có khối lượng trúng thầu cũng như không có đáo hạn.

Ngân hàng Nhà nước rút ròng gần 100.000 tỷ đồng khỏi thị trường - Ảnh 1
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục rút ròng gần 100.000 tỷ đồng khỏi thị trường thông qua kênh tín phiếu. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước chào thầu tín phiếu kỳ hạn 14 ngày và 28 ngày. Theo đó, có gần 20.000 tỷ đồng trúng thầu với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 0,9% và 20.000 tỷ đồng trúng thầu kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 1,5%/năm. Trái lại, trong phiên có gần 25.000 tỷ đồng đáo hạn.

Trong ngày 7/7, Ngân hàng Nhà nước đã rút ròng 15.000 tỷ đồng từ thị trường qua kênh thị trường mở. Do đó, khối lượng tín phiếu đang lưu hành hiện ở mức 160.324 tỷ đồng, tương đương số lượng tiền đang bị Ngân hàng Nhà nước hút về.

Trong phiên giao dịch cuối tuần 8/7, NHNN đã thực hiện bán đấu thầu 5.150 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 0,9%/năm, cho 3 thành viên thị trường. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý tiền tệ còn thực hiện bán 19.900 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 1,5%/năm, với 7 thành viên khác.

Tổng cộng, NHNN đã bán ra 25.050 tỷ đồng tín phiếu trong phiên 8/7 và rút ròng số tiền VNĐ tương ứng khỏi 10 tổ chức tín dụng.

Thực tế, NHNN đã thực hiện nghiệp vụ rút tiền Đồng khỏi thị trường trong cả tuần này (4-8/7) với khối lượng tổng cộng 99.750 tỷ đồng. Trong khi đó, chỉ có khoảng 793,28 tỷ đồng được NHNN hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng có nhu cầu.

Ngân hàng Nhà nước rút ròng gần 100.000 tỷ đồng khỏi thị trường - Ảnh 2
Nguồn ảnh: ndh

Như vậy, đã có gần 99.000 tỷ đồng bị NHNN rút khỏi hệ thống ngân hàng riêng tuần này. Đánh dấu tuần rút ròng mạnh nhất kể từ năm 2020 đến nay.

Theo giới chuyên môn đánh giá, quy mô hút tiền thời gian gần đây là lớn chưa từng có. Thậm chí, ngay trong giai đoạn 2018 và 2019 khi Ngân hàng Nhà nước tung một lượng tiền lớn mua ngoại tệ để bổ sung dự trữ ngoại hối cũng không lớn và dồn dập đến như vậy.

Hiện tại, theo công bố mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính hết ngày 30/6 vừa qua, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,35%. Dù vậy, tăng trưởng tín dụng 2 tháng gần đây có dấu hiệu chững lại so với thời điểm đầu năm.

Chính việc tăng trưởng tín dụng chững lại đã khiến cho thanh khoản hệ thống trở nên dư thừa trong các tuần gần đây. Ngân hàng Nhà nước vì vậy cũng đã thực hiện các hoạt động hút ròng thông qua kênh tín phiếu của hoạt động thị trường mở như trong 2 tuần vừa qua để giúp ổn định lãi suất trên thị trường liên ngân hàng.

Lãi suất liên ngân hàng vẫn giảm sâu

Trên thị trường liên ngân hàng, bất chấp động thái tăng tốc rút tiền VNĐ khỏi thị trường của NHNN, lãi suất cho vay bình quân giữa các nhà băng vẫn giảm sâu tuần này.

Trong phiên 7/7, lãi suất cho vay bình quân liên ngân hàng chỉ vào khoảng 0,69%/năm với kỳ hạn qua đêm, giảm 0,18 điểm % so với cuối tuần trước. Do đây là mức lãi suất bình quân nên thực tế trong giao dịch giữa các ngân hàng sẽ có những món cho vay với lãi suất thấp hơn con số này.

Diễn biến tương tự cũng ghi nhận với lãi suất kỳ hạn 1 tuần; 2 tuần và 1 tháng, hiện lãi suất phổ biến ở mức 1,19%/năm; 1,31%/năm và 2,9%/năm, đều giảm so với cuối tuần trước.

Theo Công ty Chứng khoán SSI, việc lãi suất VNĐ liên ngân hàng sụt giảm sẽ khiến chênh lệch với lãi suất cho vay bằng tiền USD trên thị trường này bị nới rộng, làm tăng nhu cầu nắm giữ đồng bạc xanh trong hệ thống. Thực tế thị trường cũng ghi nhận giá bán USD trên kênh ngân hàng đã tăng mạnh tuần này, hầu hết đều đã vượt 23.500 đồng/USD.

tm-img-alt
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế.

Đến nay, câu chuyện tiếp tục bơm vốn để hỗ trợ phục hồi kinh tế hay hãm bớt vốn để ngăn lạm phát đang là vấn đề gây tranh cãi. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh lạm phát nhập khẩu của Việt Nam có nguy cơ tăng mạnh, tăng tín dụng là "đổ dầu vào lửa".

Trong khi đó, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: "Chúng ta không được sợ lạm phát, phải tin vào năng lực quốc gia, phải “bơm máu” cho nền kinh tế. Trong đó, dòng tiền vào bất động sản là vấn đề mấu chốt về mặt vĩ mô, không chỉ cứu ngành bất động sản mà còn tạo động lực cho nền kinh tế. Tôi vẫn tin rằng, phải tiếp tục câu chuyện bơm tiền cho nền kinh tế trên tinh thần phục hồi và phát triển, không phải rón rén, ngắt quãng, đợi “gục” rồi lại bơm tiếp”, ông Thiên nói.

tm-img-alt
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Với việc tỷ giá USD/VNĐ tiếp đà tăng và lãi suất cho vay VNĐ trên thị trường liên ngân hàng giảm sâu, trong ngắn hạn, NHNN nhiều khả năng sẽ phải tiếp tục can thiệp mạnh tay hơn vào thị trường tiền tệ để kiếm soát tình trạng thừa tiền của các ngân hàng thương mại và ổn định tỷ giá.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng Nhà nước rút ròng gần 100.000 tỷ đồng khỏi thị trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Các ngân hàng đặt mục tiêu cao trong năm 2024
Vừa qua, một số ngân hàng đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) với nhiều kế hoạch đáng chú ý liên quan đến việc tái cơ cấu, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng vốn điều lệ.

Tin mới