Mỹ đề xuất tiêu chuẩn hóa hệ thống trạm sạc xe điện toàn quốc
Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã soạn thảo đề xuất tiêu chuẩn hóa hệ thống trạm sạc xe điện do chính phủ hỗ trợ tài chính, để đồng bộ hóa công nghệ sạc công cộng trên cả nước.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden mới đây đã soạn thảo đề xuất tiêu chuẩn hóa hệ thống trạm sạc xe điện do chính phủ hỗ trợ tài chính, để đồng bộ hóa công nghệ sạc công cộng trên cả nước. Tiêu chuẩn thấp nhất được đề ra nhắm tới việc bất kỳ trạm sạc nào mà người dùng bước vào đều có hệ thống chi trả bảo mật và đáng tin cậy, tốc độ sạc nhanh, mức giá chấp nhận được cùng một số tính năng khác.
"Mọi người sử dụng xe điện đều có thể tìm thấy trạm sạc xe điện ở bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào họ cần mà không phải lo về việc bị làm giá hay dịch vụ kém. Mỗi người không phải lo cài đặt hàng chục ứng dụng trên smartphone để chi trả cho hệ thống sạc mỗi hãng nữa", Bộ trưởng Giao thông Hoa Kỳ Pete Buttigieg chia sẻ với báo chí.
Một đề xuất khác của Bộ Giao thông Hoa Kỳ là việc các trạm sạc có khoảng cách tối đa 50 dặm và đặt cạnh một trạm xăng truyền thống. Mỗi trạm sạc "tiêu chuẩn" cũng nên có ít nhất 4 cổng sạc thường cho phép người dùng sạc 4 xe cùng lúc và 4 cổng sạc nhanh. Mục tiêu của Mỹ là một mạng lưới sạc công cộng với số lượng trạm sạc lên tới 500.000 trước năm 2030 nhờ khoản hỗ trợ cơ sở hạ tầng lên tới 5 tỉ USD.
Nếu hệ thống trạm sạc (cả công cộng lẫn tư nhân do các thương hiệu xe có mặt tại đây xây dựng) được đồng bộ hóa, các hãng xe điện ra mắt sau sẽ xóa bỏ được thách thức lớn có thể khiến khách hàng quay lưng là khả năng sạc công cộng hạn chế, vì chưa xây dựng được mạng lưới trạm sạc riêng.
Trên thực tế, tại Mỹ có hàng chục công ty lớn nhỏ với cơ sở hạ tầng sạc xe điện công cộng khác nhau, nổi bật là Tesla (Supercharger), Ionity (Hyundai, BMW, Daimler, Ford và Volkswagen) cùng Electrify America (Volkswagen). Do khác biệt về công nghệ sạc (đặc biệt là trường hợp của Tesla tại Mỹ), ngay cả khi được cho phép và trả phí đôi khi người dùng không thể sạc được xe điện của mình tại các trạm sạc ngoài.
Như vậy, việc đồng bộ hóa cả chuẩn sạc và ứng dụng trả phí sẽ mang lại sự tiện lợi không hề nhỏ cho người dùng xe điện. Khó khăn ở đây là Mỹ làm sao thuyết phục được các hãng xe chấp nhận thay đổi và đồng bộ hóa phí sạc, với giải pháp khả dĩ là tặng cho họ một khoản trợ giá xe điện mới tương ứng.
Trước đó, theo số liệu từ Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), số lượng điểm sạc xe điện công cộng trên toàn cầu tăng 60% trong năm 2019, mức tăng lớn nhất trong 3 năm qua và vượt xa doanh số bán xe. IEA cho biết, hiện số lượng trạm sạc trên toàn cầu đạt 862.118, bao gồm cả trạm sạc nhanh và chậm, trong đó các trạm sạc nhanh hiện chiếm 31%, khoảng 60% số lượng trạm được đặt tại Trung Quốc.
"Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu trong việc giới thiệu các trạm sạc công cộng, đặc biệt là trạm sạc nhanh. Điều này phù hợp với các khu vực đô thị đông đúc của họ”, báo cáo này cho biết.
Sự gia tăng hệ thống trạm sạc phản ánh những nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng trước sự bùng nổ doanh số của xe điện trong tương lai. Cũng theo IEA, hiện xe điện chỉ chiếm 1% doanh số xe hơi toàn cầu vào năm ngoái. Mặc dù hầu hết xe điện đều được sạc tại nhà hoặc nơi làm việc, nhưng việc triển khai các cơ sở hạ tầng công cộng là chìa khóa để thuyết phục khách hàng tiềm năng. Đồng thời loại bỏ nguy cơ hết pin khi sử dụng.
Đức cũng vừa tuyên bố hồi đầu tháng, họ sẽ cung cấp 500 triệu Euro để hỗ trợ triển khai các trạm sạc cho xe điện. Đây là một phần trong gói hỗ trợ kinh tế của Chính phủ Đức. Chính phủ Đức cũng đồng thời đặt mục tiêu nâng số điểm sạc điện công cộng lên khoảng 1 triệu điểm vào năm 2030. Đây được xem là bước đi quan trọng nhằm giải quyết mối lo ngại của người tiêu dùng về quãng đường mà ô tô điện có thể di chuyển sau mỗi lần sạc.
Bảo Lâm