Lướt sóng cổ phiếu không báo cáo, hai nữ đại gia bị xử phạt
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã xử phạt hai cổ đông lớn của CTCP Đầu tư MST và CTCP An Trường An do giao dịch "chui" cổ phiếu.
Vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành Quyết định số 984/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Lê Phương Mai do không báo cáo khi sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một công ty đại chúng và khi không còn là cổ đông lớn.
Cụ thể, vào ngày 20/8/2021, bà Lê Phương Mai - cổ đông lớn của Công ty Cổ phần An Trường An (mã chứng khoán: ATG) đã mua 798.200 cổ phiếu ATG dẫn đến tỷ lệ nắm giữ sau giao dịch tăng từ 0% lên 5,24% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của ATG.
Sau đó, ngày 11/3/2022, bà Mai đã bán 698.200 cổ phiếu ATG dẫn đến tỷ lệ nắm giữ sau giao dịch giảm từ 5,57% xuống 0,98% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của ATG. Tuy nhiên, đến ngày 7/4, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) chưa nhận được báo cáo thay đổi sở hữu cổ đông lớn của bà Mai với cổ phiếu ATG. Với hành vi vi phạm như trên, bà Lê Phương Mai bị phạt tiền 70 triệu đồng.
Cùng ngày, UBCKNN cũng ban hành Quyết định số 985/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Tạ Thị Dinh cũng với lý do tương tự.
Theo UBCKNN, ngày 27/7/2021, bà Tạ Thị Dinh - cổ đông lớn của Công ty Cổ phần Đầu tư MST (mã chứng khoán: MST) đã bán 366.700 cổ phiếu MST dẫn đến tỷ lệ nắm giữ sau giao dịch giảm từ 5,13% xuống 4,57% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của MST.
Đến ngày 20/12/2021, bà Dinh lại mua 888.600 cổ phiếu MST dẫn đến tỷ lệ nắm giữ sau giao dịch tăng từ 4,57% lên 5,88% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của MST. Ngày 21/12, bà tiếp tục mua 111.400 cổ phiếu MST dẫn đến tỷ lệ nắm giữ sau giao dịch tăng từ 5,88% lên 6,04% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của MST. Tuy nhiên, đến ngày 7/4, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội chưa nhận được báo cáo thay đổi sở hữu cổ đông lớn của bà Tạ Thị Dinh đối với cổ phiếu MST.
Bà Dinh bị phạt tiền 70 triệu đồng theo quy định do không báo cáo khi không còn là cổ đông lớn và khi sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một công ty đại chúng. Đồng thời, bà Dinh còn bị phạt thêm 30 triệu đồng do không báo cáo khi có thay đổi về tỷ lệ cổ phiếu sở hữu qua các ngưỡng 1% số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết.
Không để thị trường trở thành nơi "lướt sóng", "đánh bạc"
Phát biểu tại Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Luật sư Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Kinh tế thị trường không thể thiếu thị trường tài chính, bao gồm thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Thị trường vốn phát triển lành mạnh là tiêu chí và điều kiện của một nền kinh tế thị trường phát triển bền vững. Các thành phần tham gia gồm có Nhà nước, doanh nghiệp và cả người dân trong nước và nước ngoài. Cơ quan quản lý Nhà nước vừa có chức năng tạo lập thị trường, vừa có chức năng quản lý. Có nghĩa là vừa có vai trò xây dựng thể chế, vừa có vai trò trọng tài, vừa kiến tạo hỗ trợ, vừa giám sát và xử lý.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng: Khi tạo lập và thúc đẩy thị trường vốn sẽ khiến nền kinh tế phát triển.
Theo đó, doanh nghiệp phải tiếp tục được tạo điều kiện để huy động vốn và tín dụng thông qua thị trường cổ phiếu và trái phiếu, nhưng phải khắc phục sự mất cân đối với thị trường tiền tệ. Tuy nhiên, khi thị trường phát triển quá nóng và phát sinh tiêu cực thì nên can thiệp, quản lý sự phát triển này.
Ông Nghĩa nhấn mạnh, mục đích của thị trường vốn là duy trì thị trường phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả nhất cho sự phát triển của nền kinh tế. Nếu như mục đích này không đạt thì thị trường vốn sẽ chệch hướng, sẽ trở thành nơi để đánh bạc, để "lướt sóng" thị trường theo kiểu chụp giật hoặc là nơi để các nhóm tài chính thao túng hoặc lừa đảo.
Thị trường tài chính và cả thị trường bất động sản vừa qua phát triển nóng và có 'lơi lỏng' kiểm soát. Cho nên các cơ quan Nhà nước cần can thiệp. Đương nhiên, mọi sự can thiệp đều phải minh bạch, chuyên nghiệp, không nên duy ý chí, hay chạy theo dư luận nhất thời, cần xét đến quyền lợi của các nhà đầu tư yếu thế, cả trong nước và nước ngoài.
Thị trường vốn và cả thị trường bất động sản phát triển nóng và việc 'lơi lỏng' kiểm soát không phải là chuyện mới. Do đó cần phải kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng để sai phạm xảy ra mới "thổi còi".
Luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng, lợi nhuận và lợi ích cá nhân là những đặc trưng cố hữu của kinh tế thị trường, luôn tiềm ẩn những nguy cơ gian lận, vi phạm pháp luật, lừa dối trong cạnh tranh. Đồng tiền có hai mặt tích cực và tiêu cực.
Chính vì vậy, sự can thiệp cần được thực hiện thường xuyên và sớm hơn thông qua các biện pháp, công cụ cảnh báo, giám sát chuyên nghiệp. Nhà nước phải làm tốt vai trò trọng tài, cảnh báo sớm, kịp thời, khi có sai phạm phải xử phạt nghiêm.
Hà Lan