Lợi và hại khi nhập siêu xe biếu tặng
Một chiếc xe nhập về Việt Nam theo diện quà biếu thực hiện trót lọt, tùy giá trị và độ “hot”, doanh nghiệp (DN) có thể hưởng lợi nhiều tỷ đồng so với nhập khẩu thông thường. Đáng chú ý, việc được cấp “thẻ bài” diện biếu tặng giúp DN tùy ý khai báo giá...
Có 2 xe sang được nhập khẩu theo diện biếu, tặng mỗi ngày
Tìm hiểu thông tin cho biết, trong giai đoạn 2016-2022, bình quân mỗi ngày doanh nghiệp Việt được tặng 2 xe sang, đồng thời ngành hải quan nói không thất thu ngân sách.
Chiều ngày 25/5/2022, Tổng cục Hải quan (TCHQ) tổ chức họp báo về quản lý nhà nước và tình hình thu thuế nhập khẩu ô tô theo diện biếu, tặng.
Theo tài liệu của TCHQ, số lượng xe ô tô nhập khẩu diện biếu tặng được thống kê theo từng năm, như bảng sau:
Theo số liệu trên, trong khoảng hơn 6 năm, có gần 4.000 xe ô tô diện biếu tặng được nhập khẩu vào Việt Nam, chiếm 0,85% tổng sản lượng xe ô tô nhập nguyên chiếc cùng thời kỳ thống kê.
Về thu thuế nhập khẩu với xe quà tặng, trong hơn 6 năm, ngành hải quan thu được 12.644 tỷ đồng (gồm 3 sắc thuế là thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng).
Chia bình quân, mỗi ngày doanh nghiệp trong nước được các đối tác ngoại biếu, tặng 2 chiếc xe sang, với số thuế phải nộp ngân sách bình quân của mỗi xe là 3,17 tỷ đồng.
Xe ô tô nhập khẩu dưới dạng quà biếu, tặng mà các phương tiện thông tin đại chúng đã nêu trong thời gian vừa qua, cơ quan hải quan đã thực hiện thủ tục theo đúng quy định hiện hành và thu đủ các loại thuế theo quy định. Sau khi rà soát các nghĩa vụ về thuế, số xe ô tô nhập khẩu dưới dạng quà biếu, tặng không gây thất thu thuế cho Nhà nước, ông Theo ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan) cho hay.
Theo ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan), ngành hải quan không bị thất thu thuế đối với gần 4 nghìn xe quà biếu quà tặng trong hơn 6 năm qua, đồng thời cơ quan hải quan đã chỉ đạo các bộ phận chức năng kiểm soát chặt giá tính thuế.
"Nếu phát hiện vi phạm nhập khẩu xe sang để kinh doanh nhưng cố tình khai báo là quà tặng thì cơ quan hải quan sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm", ông Âu Anh Tuấn nói.
Tại cuộc họp báo, lãnh đạo Cục Giám sát quản lý cho hay TCHQ đang đề xuất bãi bỏ việc cấp phép xe ô tô nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại (xe biếu tặng) theo thông tư 143/2015 của Bộ Tài chính. Việc quản lý, cấp phép sẽ trả về cho Bộ Công thương, Bộ GTVT theo đúng chức năng và thẩm quyền quản lý.
Thu lợi khủng cỡ nào khi nhập khẩu xe sang núp bóng biếu tặng?
Theo nhiều nguồn tin cho hay, xe sang bản hiếm không được phân phối chính hãng, khi “đội lốt” quà tặng để vào Việt Nam sẽ rẻ hơn so với giá nhập khẩu chính hãng từ 15-20%.
Theo quy định hiện hành, việc nhập khẩu ô tô đơn lẻ với mục đích thương mại là bất khả thi, do lĩnh vực ô tô nhập khẩu là ngành kinh doanh có điều kiện đi kèm với các quy định rất chặt chẽ. Vì thế tổ chức hoặc cá nhân không thể nhập xe hơi về như hàng hóa thông thường.
2 điều kiện quan trọng nhất để được nhập khẩu ô tô được quy định tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP. Theo đó, để được nhập khẩu ô tô, đơn vị, doanh nghiệp phải đáp ứng các quy định về cơ sở bảo hành bảo dưỡng. Bên cạnh đó, đơn vị nhập khẩu phải được ủy quyền của nhà sản xuất gốc (OEM) thực hiện lệnh triệu hồi ô tô ở Việt Nam.
Có thể thấy, đây là các điều kiện kỹ thuật mà theo đánh giá, chỉ có các nhà sản xuất lắp ráp và phân phối ô tô chính hãng mới thực hiện được.
Một chủ showroom ô tô chuyên kinh doanh, ký gửi xe ô tô cũ tại đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, các quy định như trên khiến xe sang, nhất là các phiên bản hiếm muốn về Việt Nam chỉ có một con đường duy nhất là núp bóng quà biếu tặng.
Thông tin từ báo chí cho biết, xe nhập khẩu theo diện quà biếu tặng là một nội dung có trong quy định hiện hành. Cụ thể khoản 3 Điều 3 Thông tư số 143/2015 của Bộ Tài chính quy định: “Đối tượng nhập khẩu theo hình thức quà biếu, quà tặng thì trong 1 (một) năm, mỗi tổ chức, cá nhân Việt Nam chỉ được nhập khẩu 1 xe ô tô và 1 xe gắn máy do tổ chức, cá nhân nước ngoài biếu, tặng”.
Mặt khác, theo một số nguồn thông tin cho thấy, năm 2019 cả nước có khoảng 500 ô tô biếu, tặng nhập về Việt Nam. Năm 2020 khoảng 300 xe được nhập theo diện này. Riêng năm 2021 dù khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng các đối tác nước ngoài “hào phóng” tặng các doanh nghiệp Việt Nam gần 1.000 ô tô, chủ yếu là xe sang hoặc siêu sang, thậm chí có cả mẫu xe là phiên bản độc nhất vô nhị.
Xe được biếu tặng vẫn phải nộp đủ các loại thuế, vấn đề dư luận đặt ra, vậy các đơn vị nhập xe tìm cách lách luật để nhằm mục đích gì?
Một người từng nhập một siêu xe diện quà tặng từ Hàn Quốc- ông N, cho biết: “Tại Việt Nam, nhà sản xuất hoặc đơn vị phân phối chính hãng khi bán xe đều phải hạch toán thêm khoản thuế thu nhập doanh nghiệp và chi phí bảo hành - triệu hồi. Bởi thế, nếu nhập về theo đường chính ngạch và đóng thuế nhập khẩu xe CBU, những xe siêu sang như Mercedes G63 có thể đắt thêm 15-20%, tương đương khoản thuế TNDN phải nộp cộng với chi phí quản lý bảo hành triệu hồi.
Theo công thức tính: Giá niêm yết bán = Thuế nhập khẩu + Thuế tiêu thụ đặc biệt + Thuế GTGT + Thuế TNDN + Chi phí bảo hành triệu hồi; một chiếc xe Mercedes G63 đời 2022 bản tiêu chuẩn có giá niêm yết khoảng 160.000 USD (xấp xỉ 3,68 tỷ đồng), khi về Việt Nam bằng đường chính ngạch sẽ có giá niêm yết khoảng 12,5 tỷ đồng. Tuy nhiên cũng là chiếc xe này, ngày 23/5/2022 một đại lý tư nhân ở Mỹ Đình (Hà Nội) niêm yết giá 10,95 tỷ đồng. Như vậy có thể nhìn thấy ngay giá xe nhập khẩu diện biếu tặng rẻ hơn so với nhập chính ngạch khoảng 1,55 tỷ đồng”.
Đồng thời, một số người am hiểu về nhập khẩu ô tô, một chiêu nữa nhằm gia tăng lợi nhuận của đơn vị nhập xe sang diện biếu tặng là khai giá tính thuế cực thấp so với trị giá thực. Thậm chí một chiếc xe sang khi khai giá tính thuế có khi chỉ vài trăm triệu đồng nhưng cơ quan hải quan xác định lại tăng lên vài tỷ đồng.
Chẳng hạn như các mẫu xe Mercedes GLS450, G63, GLS600... được các đơn vị nhập khẩu tư nhân khai mức giá chỉ từ 20.000 USD đến 30.000 USD/chiếc (460 triệu đến gần 700 triệu đồng) nhưng khi Hải quan cửa khẩu kiểm tra và xác định tăng lên từ 70.000 USD đến 135.000 USD/chiếc tùy theo model (1,6 tỷ đồng đến 3,1 tỷ đồng), mức chênh giá với khai báo của doanh nghiệp tăng từ 1,1 tỷ đồng đến 2,4 tỷ đồng/chiếc.
Với chiêu thức này, nếu một đơn vị nhập khẩu xe núp bóng biếu tặng thông quan trót lọt có thể trốn được thêm hàng tỷ đồng tiền thuế.
Ngài ra ông N. cũng chia sẻ thêm, một điểm khó cho các nhà phân phối chính hãng, là muốn nhập xe sang phải có số lượng đơn hàng đủ lớn, kèm theo các quy định đặt cọc và giao hàng chi tiết theo từng quý, tóm lại quy trình như một nhà bán buôn giao kèo với nhà sản xuất; trong khi những chiếc xe giá trên chục tỷ đồng chỉ nhắm đến vài vị khách hàng nhiều tiền. Đây là lý do khiến xe sang tìm cách lách luật để về nước.
Đại diện một hãng xe nhập khẩu chính hãng nói: “Bên tôi bị khách la hoài bảo sao đặt G63 từ 1-2 năm chưa về, trong khi ở ngoài các showroom họ đặt 21 ngày đến 1 tháng là có xe. Hãng bán “con” S580 chỉ 12 tỷ, còn họ bán tới 16 tỷ đồng. Hay như dòng GLS 450 bản tiêu chuẩn bên Mỹ giá đã 77.000USD, trong khi xe biếu tặng khai giá 30-40.000USD. Như vậy, GLS 450 biếu tặng lách giá tính thuế khoảng 30.000-40.000USD/chiếc”.
Anh- Xe-bieu-tang -4: Hàng loạt siêu xe được các cục hải quan cấp phép NK theo diện quà biếu tặng đang được rao bán. (Ảnh minh họa)
Quy định sao về xe nhập khẩu theo dạng quà biếu, tặng?
Vừa qua, Tạp chí Kinh tế môi trường cũng đã đăng tải bài viết:” Từ vụ lùm xùm nhập siêu xe biếu tặng: Cấm hay quản nhập khẩu xe?”. Cụ thể, từ vụ lùm xùm nhập siêu xe biếu tặng, Tổng cục Hải quan khẳng định không phát hiện thất thoát về thuế đối với xe nhập khẩu theo diện quà biếu, quà tặng. Tuy nhiên, cơ quan này đề xuất tới đây Cục Hải quan sẽ không cấp phép nhập khẩu xe theo diện này nữa.
Hiện tại Bộ Tài chính đã họp với các cơ quan để đánh giá đề xuất biện pháp xử lý đối với xe theo diện quà biếu, quà tặng. Phía Tổng cục Hải quan đề xuất sửa thông tư 143 năm 2015 của Bộ Tài chính theo hướng cơ quan hải quan sẽ không cấp phép nhập khẩu xe theo diện quà biếu, quà tặng nữa.
Theo Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, những đối tượng nào được phép nhập khẩu xe từ nước ngoài về gồm:
Người Việt Nam định cư tại nước ngoài là trí thức, chuyên gia, công nhân lành nghề về nước làm việc trong thời gian từ một năm trở lên theo lời mời của cơ quan Nhà nước Việt Nam.
Chuyên gia nước ngoài tham gia quản lý và thực hiện các chương trình, dự án ODA tại Việt Nam đảm bảo điều kiện được tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy quy định tại Quyết định số 119/2009 ngày 1/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Tổ chức, cá nhân được nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy theo quy định tại các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.
Các đối tượng khác được nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy không nhằm mục đích thương mại theo quy định của pháp luật có liên quan.
Cơ quan hải quan, công chức hải quan thực hiện thủ tục hải quan và quản lý xe ô tô, xe gắn máy của các đối tượng được phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại.
Tổ chức, cá nhân Việt Nam nhận chuyển nhượng xe ô tô, xe gắn máy tạm nhập khẩu, nhập khẩu miễn thuế của các đối tượng quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều này và xe ô tô nhập khẩu miễn thuế của đối tượng quy định tại khoản 4 (dưới đây gọi tắt là người mua xe).
Luật sư Tuấn cho hay: “Tuy nhiên Tại Khoản 3 Điều 3, Thông tư số 143/2015 của Bộ Tài chính ngày 11/9/2015 quy định thủ tục hải quan và quản lý xe ô tô, xe gắn máy của các đối tượng được phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại như sau: "Đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 2 nếu nhập khẩu theo hình thức quà biếu, quà tặng thì trong một năm, mỗi tổ chức, cá nhân Việt Nam chỉ được nhập khẩu một xe ô tô và một xe gắn máy do tổ chức, cá nhân nước ngoài biếu, tặng".
Cũng theo luật sư, từ quy định trên, các tổ chức, cá nhân lợi dụng việc nhập khẩu xe theo dạng quà biếu tặng… nhằm trốn tránh các loại thuế và hưởng lợi, do đó hiện nay có rất nhiều xe được nhập dưới dạng này.
Theo luật sư Tuấn: “Các chiêu trò như lập Công ty ma, sử dụng các giấy tờ của những người lớn tuổi…, các địa chỉ khác nhau, thuộc các vùng sâu, vùng xa…hoặc cùng một địa chỉ có nhiều doanh nghiệp nhập xe về, lợi dụng việc đăng ký doanh nghiệp thông thoáng, nên việc lách luật để nhập xe hiện nay phát triển nhiều mà trong thời gian qua, như báo chí phản ánh”.
Quay lại vấn đề mà Phía Tổng cục Hải quan đề xuất sửa thông tư 143 năm 2015 của Bộ Tài chính theo hướng cơ quan hải quan sẽ không cấp phép nhập khẩu xe theo diện quà biếu, quà tặng nữa. Vậy câu hỏi đặt ra là: Phải chăng không quản được thì cấm?
Khẩn trương hoàn thiện khung khổ pháp luật
Nhằm tăng cường quản lý chặt chẽ đúng pháp luật đối với loại hình nhập khẩu xe quà biếu tặng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã giao Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất biện pháp quản lý.
Triển khai nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã giao Tổng cục Hải quan, khẩn trương hoàn thành việc rà soát khung khổ pháp luật và tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Thông tư số 143/2015/TT-BTC để kịp thời đề xuất biện pháp cụ thể, hợp lý, khả thi, phù hợp với quy định của pháp luật để quản lý đối với xe ô tô nhập khẩu, tạm nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại.
Cùng với đó, Tổng cục Hải quan trình Bộ Tài chính xin ý kiến các bộ, ngành có liên quan đối với dự thảo công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung theo hướng bãi bỏ thẩm quyền cấp giấy phép nhập khẩu.
Bùi Hằng