Lỗi ắc quy, 20.000 ô tô Mercedes-Benz bị triệu hồi
Sau một cuộc điều tra, nhà sản xuất của hãng xe Mercedes-Benz mới đây đã phát đi thông tin triệu hồi 20.000 ô tô thuộc các dòng E-Class và CLS do lỗi ắc quy.
Theo Cục An toàn Giao thông Đường bộ Mỹ, một cuộc điều tra từ Mercedes-Benz đã cho biết bộ phận ắc quy 12 V được thiết lập trong một số mẫu xe ô tô dòng E-Class và CLS có thể dịch chuyển khỏi vị trí ban đầu nếu xe bị va chạm.
Điều này đồng nghĩa việc các chức năng quan trọng nhằm hỗ trợ hành khách sau tai nạn như eCall, điều chỉnh ghế điện, đèn cảnh báo nguy hiểm và mở khóa cửa tự động có thể không hoạt động.
Cơ quan chức năng tại Mỹ thông tin, lỗi này xuất phát ở khâu lắp ráp khi giá hệ thống ắc quy này có thể không chịu được lượng lực nhất định trong trường hợp xe bị va chạm.
Trong đợt triệu hồi này sẽ có 20.000 phương tiện bị ảnh hưởng. Đây là các ô tô Mercedes-Benz E-Class và CLS được sản xuất từ ngày 8/1/2018 đến ngày 23/8/2022.
Cụ thể, trong đợt triệu hồi mới nhất, sẽ có 9.741 chiếc CLS 450 Coupe đời 2019-2022, 2.096 chiếc AMG CLS 53 Coupe đời 2019-2021, 3.428 chiếc E 450 đời 2021-2022 và 4.433 chiếc AMG E 53 đời 2019-2022 được kêu gọi triệu hồi để khắc phục sự cố.
Mercedes-Benz bắt đầu điều tra vấn đề này vào đầu năm ngoái khi một thử nghiệm va chạm cho thấy hệ thống ắc-quy này bị dịch chuyển khỏi vị trí ban đầu. Mặc dù không thể lặp lại kết quả tương tự trong các thử nghiệm tiếp theo, nhà sản xuất ôtô Đức đã phát triển một giá đỡ ắc-quy cải tiến để đảm bảo an toàn.
Chủ sở hữu của những chiếc xe bị ảnh hưởng sẽ được thông báo đưa xe đến đại lý Mercedes-Benz để lắp đặt giá đỡ hoàn toàn miễn phí vào ngày 29/11 tới.
Trước đó không lâu, Mercedes-Benz cũng phát đi thông báo triệu hồi đối với 59.574 chiếc GLS bao gồm Mercedes-Benz GLS450 đời 2020-2022 được lắp ráp từ ngày 18/9/2018 đến ngày 4/7/2022 (51.998 chiếc), Mercedes-Benz GLS580 đời 2020-2022 được sản xuất từ ngày 18/9/2018 đến ngày 4/7/2022 (5.212 chiếc) và Mercedes-Benz AMG GLS63 đời 2021 được sản xuất từ ngày 18/9/2018 đến ngày 14/7/2022 (2.364 chiếc) bị lỗi hàng ghế sau.
Trong thông tin công bố, hãng xe Đức cho biết, lỗi này có thể khiến hàng ghế sau trên các phương tiện bị ảnh hưởng bị bung ra nếu xe gặp tai nạn.
Vấn đề này lần đầu tiên được phát hiện vào tháng 2 năm nay, khi nhà cung cấp của hãng xe Đức, Brose North America, cho biết về việc các kỹ sư của thương hiệu ngôi sao 3 cánh không lắp đặt hoặc lắp đặt sai vị trí các lò xo trong cơ cấu khóa của hàng ghế thứ ba. Lỗi trên có thể khiến hàng ghế này bị hỏng khóa an toàn trong trường hợp bị tai nạn, dẫn đến hành khách có thể bị thương.
Hiện nay Mercedes-Benz vẫn chưa ghi nhận bất kỳ khiếu nại hoặc thương tích nào liên quan đến lỗi này, tuy nhiên người dùng khó có thể tự kiểm tra xe có gặp lỗi hay không.
Tại Việt Nam, vào cuối tháng 7/2022, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đã phát đi thông báo triệu hồi kiểm tra và thay thế cụm túi khí trên vô lăng lái trên 53 xe Mercedes-Benz Van-Vitoria (số loại 639) do MBV nhập khẩu và phân phối có thời gian sản xuất từ tháng 11/2013 đến 03/2014 theo chương trình triệu hồi của Mercedes-Benz AG có số hiệu 9192157.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, cụm túi khí trên vô lăng lái được trang bị trên các xe nhằm hỗ trợ giảm thiểu các rủi ro chấn thương ở vùng đầu, cổ, ngực của người lái và hành khách phía trước khi xe bị va chạm từ phía trước. Bơm khí là một phần cấu tạo nên cụm túi khí, nó chứa nhiên liệu dạng rắn bị đốt cháy trong trường hợp túi khí được kích hoạt, quá trình này giải phóng khí trơ làm bơm phồng túi khí.
Trên các xe nằm trong diện ảnh hưởng, bộ bơm khí được cung cấp bởi Công ty TAKATA có thể được sản xuất với nguy cơ bị hơi ẩm xâm nhập theo thời gian và trong điều kiện khí hậu nhất định.
Trong trường hợp xe gặp tai nạn và hệ thống túi khí được kích hoạt, việc giải phóng khí trơ có thể tạo nên áp lực bên trong quá lớn, dẫn đến khả năng bộ bơm khí bị vỡ, túi khí có thể không phát huy tác dụng hạn chế va đập và các mảnh vỡ của bộ bơm khí có thể gây chấn thương cho người sử dụng trên xe.
Thái An