Lo sợ mất nguồn cung khí đốt, châu Âu rốt ráo tìm phương án thay thế
Lo sợ Nga có thể cắt khí đốt tới châu Âu nhằm phản lại áp lực trừng phạt từ phương Tây, Mỹ và các nước Châu Âu đang rốt ráo tìm phương án thay thế. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) gợi ý Iran và các nước dầu mỏ OPEC+.
Ngày 27/2, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cho rằng, thế giới có đủ nhà cung cấp năng lượng để thay thế Nga trên thị trường khí đốt trong vòng 5 năm tới và gợi ý Iran và các nước dầu mỏ OPEC+ có thể thay thế.
Trả lời phỏng vấn hãng tin CBS, ông Malpass nhấn mạnh: “Có những lựa chọn thay thế cho sự thống trị của Nga trên thị trường khí đốt”.
Tuy nhiên, ông Malpass dự báo, trong ngắn hạn, thị trường năng lượng toàn cầu sẽ đã phải đối mặt với áp lực gia tăng do tình hình ở Ukraine.
Bên cạnh đó, Chủ tịch WB cũng đánh giá, Iran có tiềm năng hỗ trợ thị trường dầu mỏ nếu xuất hiện tiến triển trong quá trình đàm phán khôi phục thoả thuận hạt nhân năm 2015.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đang khiến giá dầu mỏ không ngừng tăng. Giá dầu đã vượt 100 USD/thùng, mức cao chưa từng thấy trong hơn 7 năm qua.
Các nhà nghiên cứu của Bank of America dự báo, giá dầu có thể tăng thêm 20 USD/thùng nếu căng thẳng tiếp tục leo thang.
Các nước thành viên nhóm Tổ chức các Nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) dự kiến sẽ nhóm họp vào giữa tuần này để thảo luận việc nới lỏng hạn ngạch khai thác nhằm hạ nhiệt giá dầu thô trên thế giới.
Trước đó, theo một nguồn tin cho biết, Mỹ cũng đang thảo luận với các công ty và quốc gia sản xuất khí đốt lớn để tìm nguồn cung dự phòng cho châu Âu trong trường hợp Nga cắt nguồn cung.
Trả lời phóng viên ngày 25/1, các quan chức cấp cao chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết “để đảm bảo châu Âu vượt qua mùa đông và mùa xuân, Mỹ đang chuẩn bị các nguồn cung thay thế, bù đắp phần lớn khả năng thiếu hụt năng lượng”.
Tuy không nêu cụ thể các quốc gia hay công ty mà phía Mỹ đang bàn bạc để đảm bảo nguồn khí đốt cung cấp cho châu Âu không bị gián đoạn trong khoảng thời gian còn lại của mùa đông, các quan chức Mỹ cho biết họ đang liên hệ với lượng lớn các nhà cung cấp đa dạng, bao gồm các công ty xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
“Chúng tôi đang tìm kiếm nguồn cung khí đốt tự nhiên ngoài Nga từ nhiều khu vực trên thế giới, như từ Bắc Phi cho tới Trung Đông, châu Á và Mỹ”, vị quan chức cấp cao giấu tên cho hay.
“Chúng tôi đang thảo luận với các nhà sản xuất khí tự nhiên lớn trên thế giới để tìm hiểu về khả năng cung cấp cũng như việc họ có sẵn sàng tăng tạm thời lượng khí đốt tự nhiên cho các đơn vị tại châu Âu”.
Hồi đầu tháng, hãng tin Reuters đưa tin Bộ Ngoại giao Mỹ đang lập kế hoạch dự phòng với các công ty năng lượng nhằm đảm bảo nguồn cung khí đốt ổn định cho châu Âu trong trường hợp nguồn cung từ Nga bị gián đoạn liên quan tới căng thẳng giữa phương Tây và Nga trong vấn đề Ukraine.
Tuy nhiên, kế hoạch tìm nguồn cung thay thế của Mỹ gặp trở ngại bởi thực tế các công ty cung cấp LNG được giới chức Mỹ liên hệ cho biết nguồn cung khí đốt toàn cầu đang khá hạn chế và khó có khả năng đáp ứng lượng lớn khí đốt thiếu hụt nếu Nga cắt nguồn cung.
Hiện tại, ⅓ nguồn cung khí đốt cho Liên minh châu Âu đều đến từ Nga. Do đó, việc gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga có thể khiến tình trạng khủng hoảng năng lượng đang xảy ra tại châu Âu thêm trầm trọng. Một số quốc gia châu Âu đã ghi nhận tình trạng hóa đơn tiêu thụ năng lượng của người dân tăng cao do giá khí đốt "phi mã" vì thiếu nguồn cung.
Trước đây, Nga thường cung cấp 40 tỷ m3 khí đốt mỗi năm cho châu Âu thông qua đường ống trung chuyển tại Ukraine, nhưng hiện đã giảm một nửa lượng khí đốt chảy qua đường ống này.