Làm gì để gỡ khó cho thị trường lao động?
Tính chất của lao động và công ăn việc làm đang trải qua một cuộc chuyển đổi sâu sắc, cùng với nỗi lo suy thoái kinh tế lớn dần.
Nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng do giảm đơn hàng
Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có 528 doanh nghiệp bị ảnh hưởng do giảm đơn hàng với số lao động bị tác động là hơn 637.000 người; trong đó, hơn 53.000 người lao động thiếu việc làm, tương đương khoảng 8% số lao động bị ảnh hưởng. Dự báo, trong 3 tháng tới, thị trường sẽ giảm khoảng 75.000 lao động.
Những con số thống kê sơ bộ đến giữa tháng 12 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã cho thấy tình hình lao động việc làm trong 1 một tháng trở lại đây có nhiều khó khăn do một số ngành giảm đơn hàng dẫn đến tình trạng cắt giảm lao động, giãn việc, giảm giờ làm, lao động phải nghỉ việc luân phiên, tạm hoãn hợp đồng lao động.
Chia sẻ của bà Nguyễn Kim Thúy, Giám đốc công ty THNH Sao Vàng Hải Phòng: "Tạm dừng tuyển lao động mới, không tăng ca là những giải pháp tình thế được công ty áp dụng để đảm bảo không có lao động bị sa thải trước tháng 6/2023. Công ty cũng đã lo đủ việc làm cho người lao động trong giờ hành chính đến hết tháng 3/2023 cho 27.000 lao động. Hy vọng đến giữa năm 2023, tình hình khả quan hơn".
Hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động vượt khó
TP.HCM cần 25.000 lao động, trong đó, khu vực thương mại dịch vụ chiếm 68%. Hà Nội có nhu cầu tuyển dụng khoảng 28.000 lao động. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng tại Bình Dương là khoảng 9.000 lao động.
Tỉnh Bình Dương đầu tháng này sẽ chi khoảng 300 tỷ đồng để chăm lo Tết cho người lao động, đồng thời kết nối lao động từ nơi thừa sang nơi thiếu, bên cạnh đó sẽ dồn toàn lực hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó bởi doanh nghiệp là chủ thể mấu chốt, nếu doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thì người lao động theo đó cũng được ổn định.
Kim ngạch xuất khẩu của Bình Dương năm 2022 đạt gần 36 tỷ USD, theo đó thặng dư thương mại đạt gần 10 tỷ USD, nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước, thế nhưng nay đơn hàng xuất khẩu ngành hàng chủ lực đang rơi thẳng đứng, các Hiệp hội doanh nghiệp mong tỉnh hỗ trợ.
Đại diện Sở Công Thương Bình Dương thông tin, tỉnh đang và sẽ tổ chức nhiều cuộc xúc tiến thương mại nên doanh nghiệp chuẩn bị tham gia tìm kiếm đơn hàng mới.
Đại diện Sở Lao động Thương Binh và Xã hội Bình Dương cho biết, trong 6 tháng qua đã kết nối việc làm cho 20.000 lao động, sắp tới, theo đặt hàng của lãnh đạo tỉnh, Sở sẽ cho ra đời app kết nối cung cầu việc làm.
Hiện Bình Dương có trên 1,2 triệu lao động nên dịp Tết Nguyên đán sắp đến, Liên đoàn Lao động tỉnh tập trung chăm lo cho lao động có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí khoảng 300 tỷ đồng, trong đó tặng nhu yếu phẩm như gạo, nước mắm, dầu ăn khoảng 200 tỷ đồng, còn lại tặng 5.000 vé tàu khứ hồi và 2.700 vé xe.
Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, cho biết: "Chúng tôi sẽ chăm lo cho người lao động có cái Tết ấm áp, kể cả với người lao động về quê hoặc ở lại Bình Dương ăn Tết".
Sẽ thành lập ngay tổ đi gỡ khó cho doanh nghiệp bởi doanh nghiệp có đơn hàng thì người lao động có việc làm, có lương và động viên các doanh nghiệp xem thách thức này là cơ hội tái cơ cấu để tăng năng suất lao động, hoặc chuyển sang các ngành mang lại giá trị cao để phát triển bền vững trong tương lai, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho hay.
Theo dự báo, tình hình việc làm của công nhân ở một số doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng đến hết quý I năm sau. Thiếu việc làm vào thời điểm cuối năm là điều mà cả doanh nghiệp lẫn người lao động đều không mong muốn khi Tết Nguyên đán đang cận kề. Chính vì vậy, chăm lo Tết cho người lao động, đặc biệt là lao động khó khăn là ưu tiên lúc này. Công điện mới đây của Chính phủ về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động đã yêu cầu tập trung rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng địa phương, từng vùng, từng ngành, từng lĩnh vực; đẩy mạnh kết nối cung cầu lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm, bảo đảm cung ứng lao động kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra những vấn đề mới, nhiều việc làm, kỹ năng cũ sẽ mất đi hoặc giảm mạnh, xuất hiện nhiều việc làm mới, kỹ năng mới; trí tuệ nhân tạo, robot, máy móc sẽ đóng vai trò ngày một lớn trọng sản xuất và thay thế nhiều vị trí việc làm hiện tại. Thị trường lao động Việt Nam cần phải thay đổi ngay từ bây giờ để không chỉ tồn tại mà còn nắm được thời cơ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Huyền Diệu