Lâm Đồng phát triển cây dược liệu quý
Thời gian gần đây, Lâm Đồng rất quan tâm đến công tác nghiên cứu, phát triển cây dược liệu và đạt một số kết quả khả quan.
Lâm Đồng là tỉnh miền núi thuộc nam Tây Nguyên, được thiên nhiên ưu đãi đặc biệt so với cả nước. Địa hình, điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây đa dạng, nên nguồn tài nguyên về hệ thực vật, động vật, khoáng vật phong phú, trong đó có nhiều loại làm thuốc. Thời gian gần đây, Lâm Đồng rất quan tâm đến công tác nghiên cứu dược liệu và đạt một số kết quả khả quan. Thời gian tới, Lâm Đồng xác định phát triển cây dược liệu thành ngành sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao...
Theo Danh lục Tài nguyên Dược liệu Lâm Đồng (năm 2012), thực vật làm thuốc có 1.664 loài, thuộc 237 họ thực vật; động vật làm thuốc có 165 loài, thuộc 101 họ động vật; khoáng vật làm thuốc có 21 loại. Tuy vậy, thực vật làm thuốc của Lâm Đồng số lượng thì nhiều nhưng trữ lượng không lớn, giá trị kinh tế không cao, ít cây thuốc có giá trị đặc biệt. Các cây thuốc được di thực trồng tại Lâm Đồng phát triển tốt, nhưng hiện nay nhân dân không trồng, vì sản xuất các loại rau, hoa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Các động vật làm thuốc đa số sống tự nhiên trong rừng núi và có tên trong Sách đỏ Việt Nam, nên việc sử dụng động vật làm thuốc hạn chế.
Lâm Đồng phát triển cây dược liệu quý |
Bên cạnh sâm đương quy là mặt hàng mới nổi, một dược liệu lâu đời của Lâm Đồng là Atiso cũng đang đem lại giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với các loại cây lương thực khác. Ở thành phố Đà Lạt, mô hình liên kết 15 hộ sản xuất 10 ha của Tổ hợp tác Atiso Phường 12 đạt chứng nhận thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (GACP-WHO) từ năm 2017 đến nay, thu lợi nhuận 550-580 triệu đồng/ha/năm.
Nhiều mặt hàng nông sản của Đà Lạt mất giá khi hàng Trung Quốc cùng chủng loại tràn vào thị trường, nhưng với cây Atiso thì không xảy ra tình trạng trên. Đây chính là điểm mạnh thu hút nhiều doanh nghiệp. Sau 14 năm gắn bó với loại dược liệu này, bà Phạm Thị Hà, chủ nhân xưởng sản xuất Atiso mang tên Vạn Phúc tại phường 7, thành phố Đà Lạt đã thành lập được vùng nguyên liệu Atiso chất lượng cao với gần 4 ha.
Ngoài ra, xưởng còn liên kết sản xuất, thu mua mỗi năm khoảng 50 tấn Atiso của nông dân với tổng diện tích liên kết là 35 ha Atiso. Ngoài sản phẩm như trà, cao..., định hướng phát triển tiếp theo của Vạn Phúc chính là phát triển du lịch canh nông. Tại trang trại, du khách sẽ được thăm vườn Atiso, được trải nghiệm hái Atiso và trực tiếp chế biến các món từ Atiso hoặc là rau lang, rau rừng tại vườn... Bữa tiệc hiện ra trên bàn ăn với các món đặc sản Đà Lạt như bông Atiso hầm giò heo, Atiso hầm chân gà, súp Atiso, chè Atiso, gỏi Atiso, thân cây xào thịt bò...
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm