Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn khẳng định gạo Việt Nam an toàn
Trước thông tin cho rằng 90% người Việt đang ăn gạo “bẩn”, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã có ý kiến phản hồi.
Liên quan đến phát ngôn của ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An trao đổi tại một toạ đàm mới đây, cho rằng “90% người Việt Nam ăn gạo “bẩn”, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) - Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết: Phát biểu của người đưa ra thông tin trên không dựa trên con số thống kê, kiểm tra nào. Về góc độ vệ sinh an toàn thực phẩm, chỉ có sản phẩm có an toàn hay không an toàn với người sử dụng.
Ông Nguyễn Như Tiệp cho biết, để khẳng định gạo có an toàn cho người Việt Nam và xuất khẩu hay không, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giám sát trên diện rộng để đánh giá mức độ an toàn của gạo. Giám sát diện rộng tức là phải có đủ số mẫu và lấy ở ngẫu nhiên thị trường trên cả 3 miền để đảm bảo gạo được trồng ở tất cả các vùng sinh thái và phân tích đa dư lượng. Các phòng kiểm nghiệm đã phân tích được 90 chỉ tiêu các loại hóa chất tồn dư.
Kết quả kiểm soát trên diện rộng cho thấy, năm 2017 lấy 150 mẫu gạo, năm 2018 là 169 mẫu thì không phát hiện mẫu nào có chất cấm, có một số mẫu có tồn dư nhưng đều dưới ngưỡng cho phép.
Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn khẳng định gạo Việt Nam an toàn
“Ngưỡng cho phép ở Việt Nam được thiết lập trên cơ sở của Tiêu chuẩn Codex nên sản phẩm xuất khẩu và tiêu dùng ở Việt Nam đều có tiêu chuẩn như nhau”, ông Nguyễn Như Tiệp nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Như Tiệp cho rằng, với kết quả giám sát trên, không thể nói 90% người Việt Nam ăn gạo “bẩn”. Cũng với kết quả giám sát trên nên từ năm 2019, ngành nông nghiệp ưu tiên kinh phí để giám sát các sản phẩm rủi ro cao hơn.
Về việc sản xuất lúa gạo theo quy trình GAP (VietGAP và GlobalGap), hữu cơ… ông Tiệp khẳng định đây chỉ là các quy trình hướng dẫn để sản xuất không chỉ nhằm đảm bảo sản phẩm an toàn, mà còn có nhiều ý nghĩa như phúc lợi xã hội, thân thiện với môi trường, đảm bảo sản xuất bền vững, truy xuất nguồn gốc…
Theo quy trình VietGAP của Việt Nam cũng được xây dựng trên cơ sở các hướng dẫn của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), và tương tương với GlobalGap. Vì vậy không có chuyện các nhà nhập khẩu gạo của Việt Nam trên thế giới chỉ tin tưởng GlobalGap mà không tin tưởng chứng nhận VietGap của Việt Nam.
Hiện nay, do một số khách hàng nhập khẩu gạo của Việt Nam có thể chưa hiểu rõ về VietGap của Việt Nam, nên họ đề nghị gạo phải có chứng nhận GlobalGap, còn về mặt quy định xuất khẩu thì VietGap hay GlobalGap đều tương tương nhau.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT cũng đang xúc tiến để hợp nhất VietGap và GlobalGap là tương đương và công nhận lẫn nhau.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm