[Kỳ 2] Chân dung nữ chủ tịch trẻ tuổi nhất trong giới ngân hàng
Bà Trần Thị Thu Hằng, Chủ tịch HĐQT của Kienlongbank được biết đến là nữ chủ tịch trẻ tuổi nhất giới ngân hàng hiện nay khi được ngồi vào “ghế nóng” ở 36 tuổi.
Vào đầu tháng 5/2021, Ngân hàng TMCP Kiên Long - Kienlongbank (KLB) đã chính thức công bố thông tin về việc thay đổi nhân sự cấp cao trong ban quản trị ngân hàng.
Theo đó, HĐQT ngân hàng đã bầu bà Trần Thị Thu Hằng, Phó chủ tịch HĐQT, giữ chức danh Chủ tịch HĐQT ngân hàng nhiệm kỳ 2018-2022 kể từ ngày 26/5/2021. Với việc được bổ nhiệm ngồi vào “ghế nóng” tại Kienlongbank, bà Trần Thị Thu Hằng trở thành nữ Chủ tịch ngân hàng 8X có bước thăng tiến thần tốc tại nhà băng này.
Doanh nhân Trần Thị Thu Hằng sinh năm 1985, bà tốt nghiệp Thạc sỹ Tài chính Ngân hàng – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) và có nhiều năm công tác, giữ các vị trí quản lý quản trọng trong ngành ngân hàng tại ở MB, LienVietPostBank và MSB.
Cụ thể, bà từng làm trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp lớn của LienVietPostBank, Giám đốc quan hệ khách hàng doanh nghiệp lớn cấp 3 tại Maritime Bank (MSB).
Từ 2019-2020, bà Hằng chuyển sang gắn bó với lĩnh vực bất động sản, là Tổng Giám đốc của Công ty cổ phần tập đoàn Sunshine, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sunshine Homes, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Sunshine Tech, Chủ tịch KS Group.
Bà Hằng nắm giữ hơn 15,3 triệu cổ phiếu KLB, chiếm 4,75% vốn điều lệ ngân hàng.
Năm 2021 là một dấu mốc đặc biệt với Kienlongbank khi không chỉ có thay đổi lớn ở ban lãnh đạo mà kết quả kinh doanh còn tăng trưởng rất ấn tượng.
Đây là năm đầu tiên nhà băng này cán mốc lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng. Cụ thể, tính đến 31/12/2021, tổng tài sản của KienlongBank tăng 46% so với đầu năm, lên mức 83.822 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng khi ghi nhận kết quả đạt 1.010 tỷ đồng, tăng 538% so với năm 2020. Tổng nguồn vốn huy động trong năm 2021 đạt 77.523 tỷ đồng. Thu hút tiền gửi không kỳ hạn tăng trưởng đột phá, gấp 5,4 lần so với 2020, chiếm tỷ trọng 15,38% tiền gửi khách hàng.
Ngân hàng cũng đã quyết liệt xử lý dứt điểm các khoản cho vay có tài sản bảo đảm (theo phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của KienlongBank đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt). Theo đó, tỷ lệ nợ xấu giảm còn 1,2%.
Trong năm 2021, KienlongBank đã thành lập 2 văn phòng đại diện (tại Hà Nội và TP.HCM). Duy trì tập trung kiện toàn 134 đơn vị mạng lưới, cơ sở vật chất đầu tư khang trang, thuận tiện cho khách hàng giao dịch, tạo điều kiện để phát triển thị phần và quảng bá thương hiệu KienlongBank.
Trong năm 2021, KienlongBank cũng triển khai các chương trình miễn toàn bộ phí giao dịch chuyển tiền cho khách hàng. Miễn, giảm phí dịch vụ và áp dụng mức lãi suất ưu đãi, hỗ trợ cơ cấu nợ vay khách hàng khó khăn do dịch COVID-19 theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Tính đến cuối năm 2021, KienlongBank đã hỗ trợ cho hơn 66.000 khách hàng với dư nợ đạt 14.400 tỷ đồng.
"Để đạt được những thành tích ấn tượng trong năm vừa qua, KienlongBank đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ khi triển khai tập trung chiến lược chuyển đổi số, số hóa nền tảng ngân hàng, gia tăng sản phẩm của kênh ngân hàng số đối với sản phẩm, dịch vụ tài chính đa tiện ích” - bà Trần Thị Thu Hằng chia sẻ.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất Ngân hàng TMCP Kiên Long - KienlongBank (UPCoM: KLB) vừa công bố cho thấy, trong quý I/2022 tình hình kinh doanh không “sáng sủa” như năm 2021, với khoản lãi trước thuế gần 127 tỷ đồng - giảm so với cùng kỳ năm trước do không còn ghi nhận khoản thu nhập từ việc thu hồi nợ từ khoản vay có tài sản đảm bảo là cổ phiếu STB.
Trong quý, hoạt động chính của KienlongBank giảm so với cùng kỳ còn 443 tỷ đồng do giảm thu nhập từ lãi cho vay (chỉ còn 1,037 tỷ đồng); lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 68% lên hơn 65 tỷ đồng nhờ tăng thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm; hoạt động kinh doanh ngoại hối thu về khoản lãi hơn 30 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ thu hơn 5 tỷ đồng.
Thêm vào đó, quý I/2022 không còn ghi nhận khoản thu nhập từ việc thu hồi nợ gốc và lãi phải thu của các khoản cho vay có tài sản đảm bảo là cổ phiếu STB theo phương án cơ cấu lại KienlongBank gắn với xử lý nợ xấu đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt.
Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh gần 221 tỷ đồng. Thêm vào đó, ngân hàng đã trích gần 94 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý nên sau cùng, KienlongBank báo lãi trước thuế gần 127 tỷ đồng - tương ứng thực hiện được 19% kế hoạch 660 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2022.
Tính đến cuối quý I/2022, tổng tài sản KLB đạt hơn 80.844 tỷ đồng; tiền mặt là 864 tỷ đồng; tiền gửi tại NHNN đạt 1.051 tỷ đồng); cho vay khách hàng giảm 6% (còn 36,181 tỷ đồng).
Ngân hàng cũng đã đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 85.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt 45.200 tỷ đồng, tổng nguồn vốn huy động đạt 77.700 đồng và tỷ lệ nợ xấu tiếp tục duy trì ở mức dưới 2%.
Trong năm 2022, HĐQT cũng cho biết sẽ triển khai các thủ tục để niêm yết cổ phiếu của KienlongBank trên sàn giao dịch chứng khoán theo Nghị quyết của ĐHCĐ, nâng cao vị thế của KienlongBank trên thị trường giao dịch chứng khoán tập trung, tiếp cận với các chuẩn mực về quản trị công ty dành cho doanh nghiệp niêm yết.
HĐQT ngân hàng cũng đã thông qua toàn bộ các tờ trình trong đó có tờ trình tăng vốn điều lệ từ 3.653 tỷ đồng lên 4.231 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu chia cổ tức.
Mục đích đợt tăng vốn là nhằm nâng cao năng lực tài chính, năng lực hoạt động, tăng khả năng cạnh tranh và bổ sung nguồn vốn đầu tư kinh doanh cho KienlongBank trong năm 2022.
Nội dung: Hà Lan
Đồ họa: Hoàng Việt