Kinh tế Việt Nam bước đầu phục hồi, kỳ vọng bứt phá sau đại dịch
Năm 2021 mặc dù kinh tế gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, GDP 11 tháng giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đạt được nhiều thành tích ấn tượng, tạo tiền đề cho sự phục hồi và phát triển sau đại dịch.
Xuất khẩu lập kỷ lục bất chấp đại dịch Covid-19
Theo thống kê của tờ Kinh tế Đô thị, dịch COVID-19 đã trực tiếp tác động tới mọi mặt của nền kinh tế Việt Nam. Thiệt hại do dịch bệnh gây ra ước tính lên tới 847.000 tỷ đồng, tương đương 37 tỷ USD.
Tuy nhiên, với việc nhìn trực diện khó khăn không né tránh cùng với đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Đảng, Nhà nước,... đã khiến bức tranh kinh tế với gam màu tối ánh lên nhiều điểm sáng vào những tháng cuối năm bất chấp dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Báo Lao động Xã hội cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 15/12 quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt trên 633 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu là hơn 317 tỷ USD, còn nhập khẩu là trên 315 tỷ USD. Cả năm nay kim ngạch xuất nhập khẩu dự đoán vượt mốc 660 tỷ USD. Kết quả này cũng có nghĩa Việt Nam đã nằm trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Nhiều tờ báo cũng bình luận rằng, hoạt động xuất nhập khẩu trong những tháng cuối năm đã đảo chiều ngoạn mục đưa Việt Nam trở thành nước xuất siêu 6 năm liên tiếp.
Với kết quả đáng khích lệ này xuất khẩu sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 và tạo ra nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới.
Nhiều chuyên gia cho rằng, dự báo trong năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu có thể tăng trưởng từ 13 - 15%. Trong năm tới sẽ chứng kiến sự phục hồi xuất khẩu vượt trội và Việt Nam tiếp tục là quốc gia tận dụng được cơ hội để tăng tốc xuất khẩu.
Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022, nâng cao chất lượng hàng hóa để tín sâu vào các thị trường lớn.
Theo tờ Công Thương, 11 tháng năm nay, sản xuất hàng dệt may, máy móc thiết bị, phụ tùng phục hồi rất khả quan. Đáng chú ý, chỉ số sản xuất 11 tháng năm 2021 của một số ngành trọng điểm tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước như sản xuất kim loại tăng hơn 23%, sản xuất xe có động cơ tăng gần 11%.
Theo tờ Kinh tế và Đô Thị, tổng thu ngân sách Nhà nước lũy kế 11 tháng năm 2021 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 1,18 triệu tỷ đồng, bằng 105,1% so với dự toán và bằng 107,5% so với cùng kỳ năm 2020. Nếu loại trừ yếu tố gia hạn và một số khoản thu đột biến bằng 104% so với cùng kỳ.
Việt Nam sẽ "viết tiếp câu chuyện tăng trưởng"
Theo các chuyên gia, những thành tích ấn tượng trên có được là nhờ Việt Nam đã nhanh chóng chuyển từ chiến lược "Zero COVID" sang "Thích ứng linh hoạt với COVID" dần nới lỏng giãn cách và mở cửa nền kinh tế.
Các chuyên gia của Ngân hàng thế giới nhận định, lạm phát tăng do giá nhiên liệu tăng, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng ngoài lương thực, thực phẩm đang phục hồi và chi phí logistics tăng, trong khi tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức ổn định, cung cấp thanh khoản dồi dào để phục hồi kinh tế. Do đó, triển vọng phục hồi của kinh tế Việt Nam là rất lớn.
Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo, trong năm 2022 mức tăng trưởng của Việt Nam là 6,5%. Kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Jacquest Morisset đánh giá mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5% trong năm 2022 của Việt Nam là hoàn toàn khả thi và Việt Nam sẽ "viết tiếp câu chuyện tăng trưởng".
Những dự báo về kinh tế Việt Nam rất tích cực nhưng đi kèm với đó cũng có không ít khó khăn, đặc biệt khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường. Cụ thể như câu chuyện ùn ứ nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc trong thời gian gần đây.
Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác cần giải quyết như duy trì chuỗi cung ứng sản xuất để tránh bị đứt gãy, vấn đề thiếu lao động của các doanh nghiệp, cũng như những tác động chưa thể lường trước của dịch bệnh COVID-19.