Hoa Hoàng Anh thay đổi bộ mặt nông thôn mới trên quê hương Nam Định
Hoa Hoàng Anh (vàng anh) có màu vàng li ti nhỏ, được người chơi hoa rất yêu thích trưng diện ở trong gia đình.
Hoa hoàng anh-tên đẹp, an toàn cho người trồng và người chơi
Gia đình bà Đỗ Thị Khánh, xóm Mỹ Tiến 1, xã Nam Phong đã trồng hoa hoàng anh được trên 6 năm. Gia đình bà hiện là hộ trồng hoa hoàng anh nhiều nhất ở xã với gần 1 mẫu đất. Ngoài trồng hoa hoàng anh, bà còn trồng thêm các loại cúc, hồng…
Bà Đỗ Thị Khánh bên vườn hoa của gia đình
“So với trồng cúc và hoa hồng thì hoa hoàng anh có giá trị kinh tế cao hơn, công chăm sóc cũng ít hơn. Lý do là vì thời gian thu hoạch của hoa hoàng anh ngắn hơn cúc (trung bình 4 tháng cho thu hoạch một lần) và không chịu rủi ro như trồng hồng...", bà Khánh cho hay.
Theo bà Khánh, trồng hoa hồng có thể cho bông hoặc không nhưng đã trồng hoa hoàng anh thì cây nhất định lên và cho hoa. Hơn nữa, quy trình trồng, chăm sóc hoa hoàng anh không hề phức tạp. Ngoài bệnh nấm rỉ sắt làm vàng lá thì hầu như cây không có sâu bệnh gì...
Ít sâu bệnh nên cây hoa không phải phun thuốc trừ sâu nhiều, do đó, hoàng anh còn được đánh giá là loại hoa “sạch” với cả người trồng và người chơi hoa. Khoảng 8 năm trước đây, các chủ nhà vườn ở Nam Phong nhập trực tiếp giống hoa này về trồng.
Hợp thổ nhưỡng, khí hậu lại được chăm sóc cẩn thận, cây hoa sinh trưởng và phát triển tốt trên đồng đất Nam Phong. Từ 3, 4 năm trở lại đây, giống hoa hoàng anh này bắt đầu “rộ” lên, được nhiều chủ nhà vườn chọn trồng. Hiện hoa hoàng anh được trồng ở hầu hết các xóm, hộ trung bình cũng khoảng 3-4 sào, nhà nhiều có thể trồng đến 1 mẫu.
Đang vào chính vụ, hoa hoàng anh nở vàng rực khắp các cánh đồng, người trồng hoa ví von đó là những “cánh đồng vàng”.
Một số nhà trồng nhiều hoa hoàng anh có thể kể đến như: Gia đình bà Khánh, gia đình anh chị Phùng Bắc trồng gần 1 mẫu, gia đình anh chị Thắng, Hồng trồng 6 sào... Đầu xuân, khi những lớp đất còn ẩm ướt mưa, chủ các nhà vườn làm sạch ruộng, đánh luống và bắt đầu gieo hạt, ươm cây hoa hoàng anh.
Sau khi gieo hạt, người trồng hoa hoàng anh còn cẩn thận phủ lên một lớp đất nhẹ, tránh hạt bị gió bay, giữ độ ẩm cho hạt, cây sẽ nảy mầm sau khi xuống giống từ 3-5 ngày. Quá trình này, các nhà vườn đặc biệt lưu ý đến vấn đề giữ ẩm cho đất, giúp hạt giống sinh trưởng, phát triển.
Theo đó, người trồng hoa hoàng anh sử dụng bình xịt chuyển sang chế độ phun sương để tưới đất, làm mát cho hạt giống nảy mầm.
“Trồng hoa hoàng anh khá đơn giản. Hạt giống được gieo như người ta gieo mạ. Quá trình trồng, cần chú ý nhất là khâu xử lý đất trước khi xuống giống, theo dõi và phòng trừ tốt các loại sâu bệnh hại. Trồng một lần cây cho thu cả năm”, bà Khánh cho biết thêm.
Theo bà Khánh, trồng được khoảng 2 tuần, khi cây hoa cao chừng 3-5cm, bà Khánh sử dụng phân NPK đã pha thật loãng với nước bón cho cây. Hàng ngày, bà còn thường xuyên tưới nước, nhổ cỏ dại cho ruộng hoa. Sau khoảng 60-70 ngày, hoàng anh bắt đầu cho hoa và người trồng có thể thu hoạch lứa đầu tiên. Hết đợt hoa, chủ nhà vườn dùng liềm cắt như cắt lúa chờ cây ra đợt mới.
Trồng hoa Hoàng Anh áp dụng công nghệ cao
Theo ước tính của bà Khánh, nếu đầu tư chăm sóc tốt, hoa hoàng anh sẽ cho thu hoạch khoảng 4 lứa/năm. Để việc trồng hoa đạt hiệu quả cao, giảm chi phí công lao động, gia đình bà Khánh còn đầu tư lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng kích thích sự phát triển của cây.
“Gần đến ngày hoa nở, vào ban đêm chúng tôi sẽ chiếu sáng cho cây. Mục đích của việc này là giúp cây nhanh cao đồng thời hoa sẽ “sáng” bông hơn. Nếu ai chơi hoa hoàng anh “tinh” sẽ phát hiện ra ngay những ruộng hoa được chiếu sáng và không được chiếu sáng.Đối với những ruộng hoa hoàng anh không được chiếu sáng, màu hoa hoa rất xỉn, không tươi”, bà Khánh nói.
Loại cây đang dần thay đổi bộ mặt nông thôn mới trên quê hương Nam Định
Không chỉ đầu tư hệ thống chiếu sáng giá trị hàng chục triệu đồng, gia đình bà Khánh còn đầu tư hệ thống tưới tự động để giảm bớt công tưới cây, đảm bảo việc cung cấp nước cho hoa. Chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật, gần 1 mẫu hoa của gia đình bà Khánh hàng năm đều cho những vụ bội thu.
Vào chính vụ, hoa hoàng anh với giá bán giao động từ 1.500-1.700 đồng/cành, dịp Tết có thể bán được 2.000-3.000 đồng/cành, ước tính mỗi sào hoàng anh trừ chi phí, bà Khánh thu về khoảng 20 triệu đồng. Thời điểm được giá có thể cao hơn, đạt 25 triệu đồng/sào. Thị trường của hoa hoàng anh rất rộng mở.
Ngoài bán ở trong tỉnh, các chủ nhà vườn còn nhập bán sỉ cho thương lái nhiều tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên…
“Từ khi trồng hoàng anh đến nay, gia đình tôi hầu như không bán lẻ. Khách quen là các mối buôn thường đặt hàng từ trước, vào mùa họ xuống lấy cất số lượng lớn chuyển đi khắp nơi”, bà Khánh cho biết thêm.
Ngoài nhu cầu trao đổi, mua bán hoa hằng ngày, hoa hoàng anh đặc biệt bán chạy trong dịp Tết, được các bà nội trợ yêu thích bởi độ “bền”, mùi thơm dễ chịu và giá cả phù hợp.
Cuối tháng 4, đầu tháng 5 khi những ruộng hoa hoàng anh ở Nam Phong đang ở vào thời kỳ sinh trưởng và phát triển tốt, màu xanh khỏe mạnh của lá xen lẫn với màu vàng rực rỡ của hoa phủ rộng nhiều diện tích đất đai trong xã.
Với ưu điểm không phải nhân giống nhiều, chi phí thuốc trừ sâu và phân bón đều ít nên trồng hoa hoàng anh phù hợp với điều kiện kinh tế của bà con nông dân. Vì thế, những chủ nhà vườn nơi đây xác định hoa hoàng anh đang là một trong những cây chủ lực, mũi nhọn kinh tế.
Mùa thu hoạch hoa hoàng anh đã đến, mùi thơm nhẹ nhàng, thanh khiết của loại hoa này quấn quýt người đi đường, làng trên xóm dưới rộn ràng tiếng cười nói, tiếng trả giá, tiếng xe nổ máy vội vã chở hoa đi muôn nơi.
Cây hoa hoàng anh đang mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, làm đổi thay bộ mặt nông thôn mới của xã Nam Phong, TP Nam Định (tỉnh Nam Định). Nhiều chủ nhà vườn có đời sống ngày càng khá giả hơn, xây được nhà mới, mua được các vật dụng, phương tiện đắt tiền phục vụ đời sống.
Kinh tế dư dả, người dân cũng có điều kiện chăm lo cho con cái học hành đầy đủ. “Tín hiệu” kinh tế tích cực, khả quan từ cây hoa hoa hoàng anh ở Nam Phong vì thế đang ngày càng “rõ nét”, thu hút nhiều người trồng, canh tác hơn.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm