Beton 6 chủ động yêu cầu phá sản, sự kết thúc của “Đại gia bê tông” một thời
Ngày 9/12/2019, Công ty đã có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản gửi Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương. Đến ngày 16/1/2020, Tòa án đã có quyết định mở thủ tục phá sản với công ty này.
Beton 6 – tên tuổi vang bóng một thời của ngành bê tông sắp “biến mất”
Được thành lập vào năm 1985, Beton 6 từng là một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại khu vực phía Nam trong lĩnh vực sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn cung ứng cho các công trình cầu đường.
Với hơn 60 năm hoạt động trong ngành bê tông, Beton 6 tham gia thi công cung cấp nguyên vật liệu cho rất nhiều dự án cầu đường lớn như: cầu Phú Mỹ, cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, cầu Rạch Miễu, hầm Hải Vân, cao tốc TP HCM - Trung Lương, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây...
Ngày 28/03/2000, Công ty chính thức chuyển sang hình thức Cổ phần hóa với tên gọi Công ty CP Bêtông 620 Châu Thới. Ngày 18/04/2002, Beton 6 chính thức được niêm yết trên HOSE với giá tham chiếu 23.500 đồng/cp cho ngày đầu tiên giao dịch.
Đáng chú ý, ông Trịnh Thanh Huy - một doanh nhân được biết đến với nhiều khoản đầu tư đình đám - bắt đầu tham gia vào HĐQT của Beton 6 từ năm 2009 và là lãnh đạo cao cấp duy nhất của Công ty vẫn còn tại nhiệm từ đó đến nay.
Đỉnh cao của Beton 6 là vào năm 2010 với tên Công ty CP Beton 6 cùng mức lợi nhuận trên 100 tỷ đồng.
Đến 27/11/2015, Công ty đã hủy niêm yết toàn bộ cổ phần của mình trên Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) với lý do tập trung cơ cấu doanh nghiệp, nâng cao hiện quả sản xuất kinh doanh. Dù vậy, kể từ khi rời sàn HOSE, kết quả kinh doanh của Beton 6 bắt đầu bước vào đà trượt dài
Kinh doanh bết bát, tồn đọng hàng trăm tỷ đồng nợ ngân hàng
Từ năm 2016, mảng xây dựng của Beton 6 bắt đầu thua lỗ, trong khi biên lợi nhuận của mảng bê tông chỉ còn ở mức thấp. Thậm chí, công ty này thoát lỗ nặng trong năm đó nhờ khoản doanh thu tài chính 194 tỉ đồng do đánh giá lại tài sản góp vốn vào công ty liên kết.
Liên tiếp các năm 2017, 2018, tại Beton 6 cũng đều xuất hiện các khoản lỗ do thanh lí, chuyển nhượng khoản đầu tư, lỗ dự phòng giảm giá khoản đầu tư góp vốn vào đơn vị khác hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng. Điều này khiến doanh nghiệp thua lỗ nặng. Bên cạnh đó, việc chậm công bố thông tin của Beton 6 cũng nhiều lần bị Ủy ban Chứng khoán nhắc nhở
Cụ thể: Năm 2017 doanh thu giảm phân nửa và chính thức báo lỗ trước thuế 139 tỷ đồng. Sang năm 2018, thua lỗ càng nặng nề với hơn 300 tỷ đồng. Theo Báo cáo tài chính năm 2019 của Beton 6, công ty ghi nhận doanh thu giảm hơn một nửa xuống còn 59,5 tỷ đồng, khấu trừ chi phí Công ty tiếp tục báo lỗ ròng hơn 82 tỷ. Như vậy, lũy kế đến cuối năm 2019 gần 425 tỷ đồng, vốn chủ chính thức âm hàng chục tỷ. Tổng tài sản Công ty hiện đạt 890,5 tỷ, nợ phải trả hơn 913 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ vay ngắn và dài hạn chiếm tỷ trọng lớn với 352 tỷ đồng.
Hiện, Công ty đang có nhiều khoản vay tại các ngân hàng đã tồn tại trong nhiều năm. Tính đến thời điểm 30/9/2019, tổng dư nợ vay của Beton 6 vào mức 348 tỷ đồng. Trong đó gồm: Vietinbank – Chi nhánh Tp.HCM – có dư nợ cao nhất với 257 tỉ đồng. Trong đó gồm hơn 188 tỉ đồng tiền nợ gốc, hơn 47 tỉ đồng tiền lãi trong hạn và hơn 21 tỉ đồng tiền lãi quá hạn; nợ tại Eximbank 63 tỉ đồng, nợ tại Vietcombank hơn 63 tỉ đồng, nợ NCB hơn 29 tỉ đồng. Đồng thời, Beton 6 còn nợ một số công ty tài chính khác như Công ty TNHH Cho thuê tài chính Quốc tế Việt Nam, ACB Leasing...
Mới đây “chủ nợ” lớn nhất của Beton 6 là ngân hàng Viettinbank Chi nhánh TP. HCM đã giao bán khoản nợ của công ty này với giá bằng 1/5 tổng dự nợ (52 tỷ đồng).
Trước Beton 6, một doanh nghiệp khác mang dấu ấn của ông Trịnh Thanh Huy là CTCP Xây dựng Công Nghiệp (Descon) cũng đã phá sản.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo