Hé lộ chủ sở hữu ‘siêu’ doanh nghiệp vốn 144 nghìn tỉ đồng ở Hà Nội
CTCP Tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC (USC Interco) vừa đăng ký thành lập với vốn điều lệ lên đến 144.000 tỉ đồng.
CTCP Tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC (USC Interco) có địa chỉ tại số 10, ngõ 234 đường Thôn Lai Xá, Xã Kim Chung, Huyện Hoài Đức. (Ảnh: Bizlive) |
"Siêu" doanh nghiệp có vốn lớn hơn 4 ngân hàng cộng lại
Theo thông tin từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch Đầu tư, trong ngày 17/1/2020, có một doanh nghiệp đã đăng ký thành lập với vốn điều lệ lên đến 144.000 tỉ đồng (tương đương 6,3 tỉ USD), chiếm 53,9% tổng vốn đăng ký thành lập mới của doanh nghiệp cả nước trong tháng.
Con số này gây xôn xao trong dư luận bởi hiện nay cả nước mới chỉ có 5 doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 100.000 tỉ đồng. Số vốn điều lệ công ty mới thành lập đăng ký hiện ngang tổng vốn điều lệ của 4 ngân hàng nhà nước lớn nhất là Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank cộng lại và thậm chí còn lớn hơn vốn điều lệ của Tập đoàn Viettel.
Phiên đấu giá kỉ lục 58 hecta đất vàng ở Thanh Hoá đứng trước nguy cơ đổ bể |
Thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho biết, doanh nghiệp có vốn điều lệ "khủng" mới đăng ký chính là CTCP Tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC (USC Interco). Doanh nghiệp này có trụ sở tại số 10, ngõ 234 đường Thôn Lai Xá, Xã Kim Chung, Huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội, Việt Nam. Tên người đại diện theo pháp luật là Trần Gia Phong, sinh năm 1979.
Công ty này có 3 cổ đông, bao gồm ông Trần Gia Phong và bà Kim Thị Phương mỗi người góp 30%, tương ứng 43.200 tỉ đồng cùng ông Nguyễn Hoàn Sơn góp 40%, tương ứng 57.600 tỉ đồng.
Hiện cả nước mới chỉ có 5 doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 100.000 tỉ đồng, gồm 3 tập đoàn kinh tế nhà nước là PetroVietnam, EVN, Viettel cùng 2 doanh nghiệp FDI là Formosa Hà Tĩnh và Vietnam Beverage - thành viên của tập đoàn đồ uống ThaiBev của Thái Lan - là công ty đã trực tiếp chi ra 5 tỉ USD để mua lại 53,6% cổ phần của Sabeco từ Bộ Công thương.
Cơ cấu cổ đông USC Interco. |
Khai khống vốn điều lệ bị xử lý thế nào?
Quy định của Luật Doanh nghiệp nghiêm cấm các hành vi kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị.
Điều 48 Luật doanh nghiệp quy định, các cổ đông phải góp đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Sau thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này mà vẫn có thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết thì được xử lý như sau: Thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty; Thành viên chưa góp vốn đủ phần vốn góp như đã cam kết có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp; Phần vốn góp chưa góp của các thành viên được chào bán theo quyết định của Hội đồng thành viên.
Trường hợp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn quy định, cổ đông của công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị số vốn thực góp trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ.
Trường hợp có thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký điều chỉnh, vốn điều lệ, tỉ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp vốn đủ phần vốn góp theo khoản 2 Điều này. Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và phần vốn góp của thành viên.
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường