Hải quan gỡ khó trong sử dụng mã số, mã vạch gắn trên hàng hóa xuất khẩu
Công chức hải quan không yêu cầu người khai hải quan phải xuất trình văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc sử dụng mã số mã vạch nước ngoài.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu “kêu cứu” vì hàng hóa bị trễ tàu do chưa hoàn tất thủ tục theo quy định liên quan đến mã số mã vạch trên bao bì
Mới đây, Tổng cục Hải quan đã ban hành công văn 3776/TCHQ-GSQL, hướng dẫn về sử dụng mã số, mã vạch nước ngoài gắn trên hàng hóa xuất khẩu.
Cụ thể, liên quan đến việc gắn mã số mã vạch nước ngoài trên hàng hóa xuất khẩu, Tổng cục Hải quan hướng dẫn như sau: Khi làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, công chức hải quan không yêu cầu người khai hải quan phải xuất trình văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc sử dụng mã số mã vạch nước ngoài.
Người khai hải quan chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng mã số mã vạch nước ngoài gắn trên hàng hóa, bao bì sản phẩm xuất khẩu.
Về việc ủy quyền sử dụng mã nước ngoài, bằng chứng cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chủ sở hữu mã nước ngoài ủy quyền sử dụng bao gồm một trong các hình thức sau: Văn bản ủy quyền, thư ủy quyền hoặc hợp đồng gia công hoặc thu điện tử ủy quyền hoặc các hình thức ủy quyền khác được quốc tế công nhận, có ký tên và đóng dấu xác nhận của doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các tài liệu cung cấp.
Cơ quan Hải quan không thực hiện xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến sử dụng mã số mã vạch nước ngoài gắn trên hàng hóa xuất khẩu. Trường hợp trong thông quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra, điều tra các vụ án phát hiện doanh nghiệp xuất khẩu chưa có văn bản xác nhận hoặc ủy quyền sử dụng mã số nước ngoài thì có văn bản thông báo cụ thể cho Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng biết để xử lý theo quy định.
Tổng cục Hải quan hướng dẫn và yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi cục hải quan trực thuộc thực hiện thống nhất các nội dung trên.
Tổng cục Hải quan đã có công văngỡ khó trong sử dụng mã số, mã vạch gắn trên hàng hóa xuất khẩu
Trước đó, theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu “kêu cứu” vì hàng hóa bị trễ tàu do chưa hoàn tất thủ tục theo quy định liên quan đến mã số mã vạch trên bao bì.
Cụ thể, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 132/2008/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007;trong đó có nội dung doanh nghiệp sử dụng mã số mã vạch nước ngoài in trên bao bì hàng hóa khi xuất khẩu phải có giấy ủy quyền sử dụng mã số mã vạch từ doanh nghiệp nước ngoài, sau đó là giấy xác nhận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nhiều doanh nghiệp đã phản ánh quy định này gây ra nhiều bất cập, ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch hàng hóa, tốn kém nhiều chi phí.
Đại diện phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, thủ tục đăng ký xác nhận hiện làm bằng hồ sơ giấy, gây tốn kém thời gian, công sức, chi phí của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp phải mất 20-30 ngày mới xuất được lô hàng vì mỗi lô hàng thường có nhiều mã hàng hoá, trong thời gian đó vẫn phải trả lãi suất vay ngân hàng cho khoản vốn sản xuất lô hàng và các chi phí cho việc lưu kho, lưu bãi lô hàng đó. Hơn nữa, với những lô hàng yêu cầu xuất đi gấp, việc chậm trễ thời gian gây ra thiệt hại không nhỏ.
Mặt khác, các nước nhập khẩu không có quy định tương tự nên doanh nghiệp Việt gặp khó trong việc xin hồ sơ chứng minh mã số mã vạch của khách hàng được cơ quan thẩm quyền của nước họ chứng nhận theo yêu cầu của Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, vấn đề cốt lõi là quy định này đưa ra không có căn cứ pháp lý trong Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007, thông lệ quốc tế không có quy định này, việc cấp giấy xác nhận sử dụng mã số mã vạch nước ngoài không có ý nghĩa thực tế đối với việc quản lý nhà nước.
Kiến nghị của Bộ KH&CN nhằm tháo gỡ khó khăn về mã số mã vạch nước ngoài cho doanh nghiệp xuất khẩu
Sau khi nhận được phản ánh của một số doanh nghiệp xuất khẩu liên quan đến việc sử dụng mã nước ngoài, Bộ KH&CN đề xuất phương án giải quyết thủ tục hành chính xác nhận sử dụng mã nước ngoài trong thời gian từ 5 ngay xuống 01 ngày làm việc.
Đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục hành chính này trên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và nghiên cứu tích hợp với Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Yêu cầu một số Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh, thành phố hỗ trợ doanh nghiệp tại địa phương tiếp nhận hồ sơ đăng ký xác nhận sử dụng mã nước ngoài.
Kiến nghị giảm 50% mức phí cấp xác nhận sử dụng mã nước ngoài. Ngày 26/5/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 45/2020/TT-BTC (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/5/2020 đến hết ngày 31/12/2020), trong đó quy định kể từ ngày 26/5/2020, phí đăng ký (xác nhận) sử dụng mã số mã vạch nước ngoài sẽ nộp phí bằng 50% mức thu phí quy định tại Thông tư số 232/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính.
Hiện Bộ KH&CN đã có văn bản gửi Bộ Tài chính hướng dẫn rõ về bằng chứng cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chủ sở hữu mã nước ngoài ủy quyền sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu (làm rõ quy định tại Khoản 2 Điều 19b Nghị định số 132/2008/NĐ-CP (được bổ sung tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP), đồng thời đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan có liên quan tăng cường thực hiện hậu kiểm việc sử dụng mã nước ngoài của doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm