Hà Nội: Sẽ có nhiều chương trình kích cầu thương mại trong tháng 11
Nhằm kích cầu tiêu dùng trên địa bàn thành phố, Sở Công thương Hà Nội đã lên kế hoạch triển khai hàng loạt chương trình khuyến mại trong tháng 11/2020.
Tại Hội nghị giao ban báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức vào chiều 1/9, lãnh đạo Sở Công thương TP Hà Nội cho biết, nhằm kích cầu tiêu dùng trên địa bàn thành phố, Sở Công thương Hà Nội đã triển khai hàng loạt chương trình khuyến mại, tập trung tổ chức vào các tháng 6, 7 và lên kế hoạch chương trình cho tháng 11/2020 với chủ đề “60 ngày vàng - rộn ràng mua sắm”.
Theo đại diện Sở Công thương Hà Nội, chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội năm 2020 nhằm tăng trưởng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2020 cũng như tăng cường vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc bình ổn giá, ổn định thị trường, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời thực hiện việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn.
Sẽ có nhiều chương trình kích cầu thương mại trong tháng 11
Đến nay, Sở Công thương TP Hà Nội đã tiếp nhận 4.963 thông báo/đăng ký khuyến mại của các doanh nghiệp tham gia thực hiện chương trình, với hạn mức khuyến mại thấp nhất là 10% và cao nhất là 100%. Tổng giá trị khuyến mại đạt trên 20.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục và ứng phó với những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Sở đã hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp mở mới 74 địa điểm kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu về thực phẩm của người dân. Chất lượng, an toàn thực phẩm và việc truy xuất nguồn gốc tại các siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện ích về cơ bản được kiểm soát…
Năm 2020, Sở triển khai thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố với 13 nhóm hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân, tổng lượng hàng hóa trị giá gần 4.470 tỷ đồng/tháng, tương đương hơn 53.600 tỷ đồng/năm.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Hà Nội đã huy động, giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp lớn trên địa bàn, bảo đảm dự trữ 17 nhóm hàng hóa thiết yếu trong quý III-2020, với tổng giá trị khoảng 194.000 tỷ đồng; xây dựng phương án dự trữ thêm lượng hàng phục vụ các địa phương trong vùng Đồng bằng Bắc Bộ với trị giá khoảng 21.500 tỷ đồng…
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm