Trường Đại học đầu tiên ở Việt Nam thành lập quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo
Quỹ đầu tư mạo hiểm BK Fund trực thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội có quy mô dự kiến 50 tỷ đồng, dự kiến sẽ được ra mắt vào ngày 10/10/2020 tới.
Vừa qua, Đại học Bách khoa Hà Nội đã công bố việc thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm BK Fund với số vốn lên tới 50 tỷ đồng nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ kết hợp với phong trào khởi nghiệp quốc gia hiện nay.
Nếu được phê duyệt thành lập, đây sẽ là trường Đại học đầu tiên của cả nước thành lập Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo Nghị định 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
Theo đó, mục tiêu của BK Fund là giúp các đề tài nghiên cứu tiềm năng và những ý tưởng đổi mới, sáng tạo của giảng viên và sinh viên đi vào đời sống, trở thành các sản phẩm thương mại đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, thông tin, bên cạnh Quỹ BK Fund, nhà trường cũng đang xây dựng Đề án xây dựng Trung tâm chuyển giao công nghệ, với vai trò kết nối giữa nhà khoa học với doanh nghiệp; tạo thành một hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Trường Đại học Bach Khoa Hà Nội sẽ là trường Đại học đầu tiên thành lập quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo
Ở vị trí xếp hạng trong top 300 trường ĐH hàng đầu Châu Á, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội luôn đi đầu trong nhiều lĩnh vực. Trong dịch COVID-19, Trường là đơn vị đầu tiên công bố bộ KIT xét nghiệm COVID-19. Phòng khử khuẩn, nhà trường đưa ra mô hình gần như đầu tiên. Máy thở BK-Vent ứng dụng trong hỗ trợ điều trị viêm đường hô hấp cấp do COVID-19 cũng được các giảng viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nghiên cứu chế tạo.
Tuy nhiên, trường vẫn bị chậm sau cơ sở khác về quá trình hoàn thiện thương mại hóa, đặc biệt là sản xuất hàng loạt.
“Để thấy, nếu như có nguồn đầu tư, chúng ta có thể có đóng góp tốt hơn, có nhiều sản phẩm cho nền kinh tế hơn và kịp thời hơn” – TS Nguyễn Quân chia sẻ.Liên quan đến nội dung này, ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - cho biết, liên quan đến quy định pháp luật, sẽ sửa đổi, bổ sung để thuận lợi hơn cho việc ra đời, thành lập các Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, giúp phong trào khởi nghiệp sáng tạo của đất nước tốt hơn.
Chia sẻ của ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đối với trường ĐH có 3 nhiệm vụ quan trọng, đó là: đào tạo; nghiên cứu; chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm; trong đó khó nhất chính là biến kết quả nghiên cứu thành sản phẩm để đóng góp cho xã hội.
Trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, Quỹ đầu tư khởi nghiệp, sáng tạo là một trong những thành tố quan trọng. Nhấn mạnh điều này, ông Hoàng Minh Sơn thông tin, bên cạnh Quỹ BK FUND, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đang xây dựng Đề án xây dựng Trung tâm chuyển giao công nghệ, với vai trò kết nối giữa nhà khoa học với doanh nghiệp; tạo thành một hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Theo dự thảo Điều lệ Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Bách khoa Hà Nội – BK FUND, Quỹ này nhằm mục tiêu đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; các dự án tiềm năng trở thành doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; mang lại lợi nhuận tốt cho nhà đầu tư và thúc đẩy phát triển xã hội; ưu tiên cho các nhóm start-up của các bộ và sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Việc đầu tư vào Quỹ này chỉ phù hợp với các nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận mức rủi ro cao tiềm tàng từ việc đầu tư của Quỹ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội góp vốn bằng quyền sử dụng thương hiệu “Bách khoa” và sở hữu số đơn vị Quỹ tương đương với tỷ lệ không đổi bằng 15% tổng vốn góp của Quỹ (cả trong trường hợp Quỹ tăng vốn, phát hành thêm chứng chỉ Quỹ).
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm