Hà Nội: Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí điêu đứng, lo phá sản
Sau thời gian dài giãn cách, nhiều chủ quán karaoke, bar bày tỏ lo lắng khi không có doanh thu nhưng phải gánh chi phí hàng tháng khá lớn. Việc tiếp tục đóng cửa khiến nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí gặp nhiều khó khăn.
Ngày 22/6, TP Hà Nội thông báo bắt đầu nới lỏng một số dịch vụ, cho phép các cửa hàng ăn uống trong nhà, dịch vụ cắt tóc, gội đầu hoạt động trở lại. Tuy nhiên, các loại hình quán bar, club, karaoke, xông hơi, quán net… sẽ tiếp tục đóng cửa vì không nằm trong danh mục thiết yếu.
Đóng cửa do không thuộc khung dịch vụ thiết yếu
Căn cứ vào khung dịch vụ thiết yếu, một số mặt hàng ăn uống vẫn được phép bán mang về. Một số cửa hàng giải khát như trà sữa, chè, nước hoa quả vẫn tạo ra doanh thu từ việc chuyển đổi hình thức từ bán tại chỗ sang bán mang về để đảm bảo các quy định về phòng chống dịch. Tuy nhiên, do không thuộc khung dịch vụ thiết yếu, nhiều quán bar, quán net, karaoke vẫn đóng cửa.
Trước những khó khăn khi phải tạm đóng cửa dài ngày, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ đều cố gắng duy trì hoạt động và tìm cách thức kinh doanh phù hợp. Ở các loại hình kinh danh khác, đa số đã chuyển sang hình thực online nhưng với loại hình kinh doanh dịch vụ giải trí thì đây lại là trở ngại lớn.
Chưa tìm ra giải pháp phù hợp khiến các cơ sở kinh doanh dịch vụ phải đối mặt rất nhiều áp lực từ giá thuê mặt bằng đến các loại chi phí khác như bảo hiểm, bảo dưỡng và nhân viên. Nỗi lo về chi phí mặt bằng cũng như tiền hỗ trợ cho nhân viên khiến nhiều cơ sở dịch vụ phải đóng cửa.
Chia sẽ với Vietnamnet, đại diện một quán bar trên phố hàng Mã (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Đây là khoảng thời gian cửa hàng dành ra để đào tạo chuyên môn nội bộ hoặc có những hoạt động duy trì tương tác với khách hàng. Chúng tôi đang nghiên cứu và thử nghiệm một số sản phẩm mang về. Tuy nhiên đây chỉ là biện pháp tạm thời”.
Khó chồng khó
Dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh dịch vụ, đặc biệt là kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí. Đây là loại hình phải dừng đầu tiên và được mở sau cùng. Không giống những loại hình khác, một số loại hình như quán karaoke, quán bar, club là loại hình kinh doanh có chi phí mặt bằng lớn, số lượng nhân viên đông.
Một chủ quán karaoke tại Hà Nội cho biết: “Tiêu tốn từ 50-100 triệu đồng/tháng tiền mặt bằng. Chưa kể đến các chi phí tu sửa, bảo dưỡng máy móc, thiết bị chữa cháy, điện nước, trợ cấp cho nhân viên, mỗi tháng thiệt hại trên 120 triệu đồng”. Phải đóng cửa liên tục khiến nhiều chủ quán lo lắng.
Mặt khác, các nhân viên đa số đã có kinh nghiệm và gắn bó lâu dài, tình hình đóng cửa dài đã khiến nhiều người lựa chọn công việc khác để tiếp tục mưu sinh. Nếu mở cửa trở lại sẽ gặp khó khăn trong việc tuyển nhân viên và đào tạo lại.
Nhiều chủ quán vẫn cố gắng cầm cự trong khả năng của mình và chờ đợi ngày được mở cửa trở lại. Mặc dù vậy, khi các quán karaoke, quán bar trở lại cũng khó mà có khách, bởi tình thế hiện nay khó khăn hơn trước rất nhiều. Những lần đầu đóng cửa, người dân còn có nhu cầu giải trí, tụ tập bạn bè, còn nay họ có xu hướng "thắt lưng buộc bụng". Chính vì vậy, nếu mở cửa thời gian đầu cũng sẽ gặp khó khăn.
Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ khác cũng gặp tình trạng tương tự, một số đã trả lại mặt bằng và chuyển hướng kinh doanh dịch vụ khác.
Mong chờ ngày trở lại
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, thành phố sẽ nới lỏng dịch vụ, đáp ứng điều kiện an toàn. Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ tiếp tục đánh giá tình hình đẻ nới lỏng thêm một số dịch vụ khác.
Sau thời gian chờ đợi, nhiều cửa hàng kinh doanh dịch vụ rất mong chờ ngày được hoạt động trở lại. Nhiều cơ sở kinh doanh hi vọng thành phố có thêm nhiều giải pháp hỗ trợ cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí nói riêng và không nằm trong diện thiết yếu nói chung.
Các chủ quán karoke trên địa bàn Hà Nội cũng nhấn mạnh việc việc sẽ thực hiện đầy đủ và nghiêm túc bộ quy tắc phòng chống dịch dành riêng cho loại hình kinh doanh dịch vụ giải trí mà thành phố đưa ra như giới hạn lượng khách, số phòng hát, số khách/phòng hát, yêu cầu khai báo y tế, thực hiện đầy đủ nguyên tắc 5K khi đến hát.
Khó khăn là vậy nhưng nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí khác cũng mong chờ ngày trở lại và cam kết thực hiện đầy đủ yêu cầu phòng chống dịch.