Hà Nam: Người chăn nuôi lợn khó khăn chồng chất khó khăn
Toàn xã Chân Lý (Lý Nhân - Hà Nam) có gần 800 hộ chăn nuôi lợn, với tổng đàn lợn hơn 25.000 con. Người chăn nuôi lợn tại địa phương này đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch tả lợn châu Phi và giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh.
Người chăn nuôi chật vật xoay sở
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hà Nam, dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát trên địa bàn tỉnh Hà Nam từ giữa tháng 10/2021, đến nay đã lan rộng ra 35 xã, thị trấn. Tỉnh đã tiêu hủy hơn 8.000 con lợn bị ốm, chết do mắc tả lợn châu Phi của hơn 470 hộ chăn nuôi.
Các ổ dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Hà Nam đợt này xuất hiện chủ yếu tại các hộ chăn nuôi có quy mô nhỏ và vừa trong các khu dân cư. Điều này cho thấy việc phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi của các hộ còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Ông Nguyễn Văn Bằng - hộ chăn nuôi tại xã Chân Lý, huyện Lý Nhân cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, mỗi bao cám tăng gần 50.000 đồng so với trước. Trong khi đó, giá lợn hơi lại giảm, có thời điểm chỉ còn 30.000 - 35.000 đồng/kg. Nay giá lợn hơi đã tăng lên thì lại gặp dịch tả lợn châu Phi.
Theo ông Bằng, chăn nuôi lợn hàng chục năm nay, chưa bao giờ ông phải đối mặt với nhiều khó khăn đến vậy. Hiện tại, gia đình đang nợ hơn 100 triệu đồng tiền cám của đại lý. Theo kế hoạch, cuối tháng này xuất bán đàn lợn thịt sẽ trả được hết nợ đại lý. Tuy nhiên, dịch tả lợn châu Phi bất ngờ ập đến, giờ gia đình chưa biết xoay sở thế nào. Không có tiền trả đại lý, không có vốn để khôi phục sản xuất. Mà vợ chồng ông năm nay đều đã ngoài 60 tuổi, nếu không chăn nuôi cũng không biết làm nghề gì để sinh sống.
Tại xã Chân Lý, huyện Lý Nhân có gần 40 hộ chăn nuôi có lợn phải tiêu hủy vì tả lợn châu Phi, cũng đang rất khó khăn như gia đình ông Nguyễn Văn Bằng. Bởi những lứa lợn trước xuất chuồng khi giá lợn xuống thấp đã bị thua lỗ. Đến nay, khi giá lợn lên cao hơn thì lại bị dịch tả châu Phi, trong khi đó chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao.
Chia sẻ với TTXVN, ông Vũ Anh Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Chân Lý, huyện Lý Nhân cho biết, chăn nuôi lợn từ lâu đã là nguồn thu nhập chính của người dân xã Chân Lý. Cả xã có gần 800 hộ chăn nuôi lợn, với tổng đàn lợn hơn 25.000 con. Người chăn nuôi lợn tại địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn.
Thời kỳ đầu năm 2021, giá lợn cao, tuy nhiên thời gian không dài. Khi nhân dân vào đàn nhiều thì giá lợn nhanh chóng xuống thấp, trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng. Đến đầu tháng 11, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn xã.
Đến nay, tất cả 9 thôn của xã đều có dịch tả lợn châu Phi với hơn 500 con lợn đã phải tiêu hủy; trong đó, có hơn 40 con lợn nái. Hiện nay, chính quyền địa phương đang tập trung khoanh vùng, dập dịch; tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tuyệt đối không tái đàn trong thời điểm này.
Huyện Lý Nhân là địa phương phát triển chăn nuôi lợn mạnh nhất tỉnh Hà Nam với tổng đàn lợn hơn 149.000 con. Đây cũng là địa phương đang có dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh nhất, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Đến nay, huyện đã tiêu hủy hơn 4.200 con lợn bị ốm, chết do tả lợn châu Phi.
Nỗ lực duy trì ổn định sản xuất chăn nuôi
Bà Nguyễn Thị Quyên, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lý Nhân cho biết, đã có 16/21 xã, thị trấn của huyện xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Dịch bệnh đã và đang gây thiệt hại lớn về kinh tế, khiến cho các hộ chăn nuôi vốn đã khó khăn vì giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nay lại càng khó khăn hơn.
Hiện nay, ngành nông nghiệp huyện đang phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp để khống chế dịch tả lợn châu Phi; trong đó yêu cầu các địa phương có dịch lập chốt kiểm dịch, rà soát thống kê tổng đàn để quản lý chặt chẽ, không tái đàn lợn khi dịch chưa được kiểm soát; khuyến khích các hộ phát triển chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nam, chăn nuôi lợn được tỉnh Hà Nam xác định là hướng đi chính góp phần thúc đẩy phát triển và nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
Hiện ngành NN&PTNT Hà Nam đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương tập trung cho phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi; hướng dẫn bà con áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; trong đó nguồn con giống nhập về nuôi phải bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ, sạch bệnh; tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine và vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại thường xuyên.
Bên cạnh đó, khuyến khích phát triển chăn nuôi theo liên kết chuỗi khép kín giá trị để giảm các chi phí trung gian. Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, người chăn nuôi cần bình tĩnh, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để dập dịch, không hoang mang bán chạy lợn, khiến cho giá lợn giảm gây thiệt hại về kinh tế.