GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: "Cần đưa vấn đề thu hẹp Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải ra Quốc hội"
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cho rằng, cần đưa vấn đề thu hẹp diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải ra Quốc hội để lấy ý kiến.
Liên quan đến việc UBND tỉnh Thái Bình ra quyết định 731, thu hẹp Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải từ 12.500ha xuống còn 1.320ha, Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên Và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam, Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN.
Là một nhà khoa học luôn khoắc khoải với vấn đề bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học tại Việt Nam, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cho rằng, việc chuyển đổi một diện tích lớn rừng ngập mặn để phục vụ cho các dự án là không nên.
"Trong khi nhiều nước trên thế giới, nhiều địa phương trong cả nước đang cố gắng làm mọi cách để gia tăng diện tích rừng ngập mặn, thì Thái Bình dường như đang đi ngược lại xu thế ấy. Hiện nay, vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon, được Đảng và Nhà nước đặt biệt quan tâm, do đó cơ quan quản lý cần nghiêm túc xem xét, có nên thu hẹp diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải hay không.
Rừng ngập mặn có vai trò đặc biệt quan trọng trong ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải carbon. Cần phải hiểu rằng, rừng ngập mặn có khả năng hấp thụ và lưu trữ carbon cao hơn từ 4 - 10 lần so với rừng trên cạn nên có tiềm năng lớn về tín chỉ carbon. Không những thế, rừng ngập mặn còn có chức năng chống sói lở, hạn chế ảnh hưởng của thủy triều, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp.
Bên cạnh đó, việc tham gia thị trường carbon rừng ngập mặn không chỉ giúp Việt Nam thực hiện các chính sách giảm phát thải, mà còn có thể thu hút nguồn lực từ các tổ chức tài chính quốc tế cho phát triển xanh, bền vững... Cam kết chính trị của Việt Nam tại COP26 có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng, và việc bảo tồn, phát triển diện tích rừng ngập mặn chính là thành tố mấu chốt để chúng ta thực hiện cam kết này", GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh phân tích.
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải nằm trong vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng. Khu dự trữ sinh quyển này được UNESCO công nhận vào năm 2004, thuộc 3 tỉnh Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình với tổng diện tích 105.558ha, gồm vùng lõi 14.167ha, vùng đệm 36.849ha, vùng chuyển tiếp trên 54.541ha. Hai vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng là Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) và khu Bảo tồn đất ngập nước Tiền Hải (Thái Bình).
Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN Đặng Huy Huỳnh đặt ra nguy cơ về việc UNESCO sẽ hủy bỏ công nhận Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng trong trường hợp vùng lõi nằm tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải bị thu hẹp quá lớn.
"Việc không thực hiện đầy đủ cam kết với UNESCO sẽ mang lại rất nhiều hệ hụy tiêu cực, làm mất uy tín, danh dự của Việt Nam trên trường quốc tế, mất đi nguồn lực tài chính đáng kể để phục vụ cho bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biển đổi khí hậu, giảm phát thải carbon. Chúng ra đã phải rất cố gắng để có được sự công nhận của UNESCO, do đó cần phải thật trân trọng...", GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cảnh báo.
Một vấn đề khác cũng được Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN lưu ý chính là sinh kế của người dân sinh sống trong khu vực Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Khi diện tích khu bảo tồn bị thu hẹp thì cuộc sống của người dân cũng bị xáo trộn, ảnh hưởng.
"Nhà nước luôn đề cao chủ trương "không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế", do đó tỉnh Thái Bình nói riêng và các cấp quản lý cao hơn cần xem xét, đánh giá lại một cách thực sự nghiêm túc việc thu hẹp diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Thậm chí, có thể đưa vấn đề này ra Quốc hội để lấy ý kiến", GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh đề xuất.
Như đã thông tin trước đó, tháng 4/2023, ông Lại Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, ký ban hành Quyết định 731 về việc xác định vị trí, quy mô diện tích, ranh giới khu rừng đặc dụng tại 3 xã ven biển Nam Phú, Nam Hưng và Nam Thịnh (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) có tên gọi là Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.
Theo Quyết định 731, diện tích Khu bảo tồn sẽ giảm từ 12.500 ha xuống còn hơn 1.320 ha (giảm 11.050 ha). Phần diện tích này sẽ được xây dựng thành Khu đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng, sân golf Cồn Vành - Cồn Thủ. Trước đó, năm 2014, UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt đề án và xác lập khu rừng đặc dụng tại ba xã trên với quy mô 1.430 ha rừng, 11.050 ha đất ngập nước và bãi bồi.
Trước thông tin tỉnh Thái Bình chuyển đổi hơn 11.050ha Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải làm khu kinh tế, chia sẻ với báo chí, ông Đoàn Hoài Nam, Trưởng phòng Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay: "Việc tỉnh tự ra quyết định khiến chúng tôi hết sức ngỡ ngàng".
Ông Nam khẳng định, khu bảo tồn là một trong hai vùng lõi của khu Dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng và được UNESCO công nhận là một trong những vùng lõi quan trọng của khu dự trữ sinh quyển thế giới. Khu bảo tồn cũng liên quan đến các chương trình ứng phó biển đổi khí hậu theo Nghị quyết 102 của Quốc hội và được nhiều tổ chức quốc tế đầu tư.
Trong quá trình xây dựng quy hoạch, năm 2020, tỉnh Thái Bình đã có văn bản xin ý kiến Bộ Nghiệp và Phát triển nông thôn. Ông Nam cho biết Bộ đã trả lời đây là khu bảo thiên nhiên được UNESCO công nhận nên phải có ý kiến đồng thuận của các bộ Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu Tư, Văn hóa, Thể Thao và Du Lịch.
"Từ đó đến nay, Bộ cũng chưa nhận được phản hồi của UBND tỉnh Thái Bình", ông Nam nói và cho rằng không thể đánh đổi và thực hiện như tỉnh Thái Bình đang làm. Tới đây, khi thực hiện quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có ý kiến về quy hoạch của tỉnh Thái Bình.
Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!
Hoàng Hải - Hà Nam