Giảm chi phí – “Phao cứu sinh” giúp doanh nghiệp vận tải vượt khó
Mới đây, nhiều loại phí liên quan đến xe cơ giới sẽ được giảm nhằm hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ ngày 1/1/2022, trong đó có các doanh nghiệp vận tải.
Giảm cái khó nhưng chưa hết lo
Gần đây nhất, Cục Đăng kiểm Việt Nam đang khẩn trương cập nhật chương trình quản lý thu phí sử dụng đường bộ, lệ phí kiểm định xe cơ giới để áp dụng theo Thông tư số 120/2021 của Bộ Tài chính quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí. Theo đó, hàng loạt loại phí liên quan đến ô tô sẽ được giảm sâu trong thời gian 6 tháng (từ 1/1 - 30/6/2022).
Trong đó, phí sử dụng đường bộ được giảm với nhiều loại phương tiện nhất gồm: Xe ô tô kinh doanh vận tải khách giảm 30%; xe tải sẽ được giảm 10%; xe tập lái, xe sát hạch của các cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe 30%. Ngoài ra, tất cả các loại xe cơ giới đang lưu hành cũng sẽ được giảm 50% lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm định.
Trao đổi về vấn đề này, đại diện Phòng Tài chính của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, ngoài ô tô thì cả xe máy chuyên dùng đăng kiểm lưu hành trong thời gian từ 1/1 - 30/6/2022 cũng thuộc đối tượng được hưởng chính sách giảm 50% lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng kiểm. “Các trung tâm đăng kiểm chủ động thu phí, lệ phí theo mức được giảm, chủ xe không phải làm thêm thủ tục nào”.
Đối với phí đường bộ, Cục Đăng kiểm Việt Nam tính toán, với mức giảm 10 - 30% theo biểu mức phí của từng nhóm xe, các chủ phương tiện tiết kiệm được tương ứng 39.000 - 72.000 đồng/xe/tháng. Số tiền này sẽ được bù trừ vào kỳ nộp phí đường bộ tiếp theo. Trong khi đó, với việc giảm 50% lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm định, chủ phương tiện ô tô sẽ giảm được từ 25.000 - 50.000 đồng cho mỗi lần đăng kiểm.
Việc giảm nhiều loại phí này nhằm mục đích hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo nhiều DN vận tải, việc giảm phí đường bộ và lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm định không mang lại nhiều tác dụng thực tế đối với họ.
Theo đó, ông Nguyễn Duy Ninh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Ninh Quỳnh bày tỏ: “Những nội dung về việc giảm nhiều loại phí đối với phương tiện cơ giới thể hiện trong Thông tư 120/2021 của Bộ Tài chính là chính sách rất đáng ghi nhận cho thấy Nhà nước đang rất thông cảm, quan tâm và chia sẻ với những khó khăn mà các DN vận tải đang gặp phải.
Tuy nhiên, việc giảm những loại phí này chỉ mang ý nghĩa về mặt tinh thần chứ hầu như không giúp được cho các DN vận tải khách là bao. “Dẫu vẫn biết rằng “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, chúng tôi trân trọng sự hỗ trợ này nhưng các DN vận tải lúc này cần được hoãn nợ, giãn nợ và vay vốn. Nói một cách đơn giản, đó là họ cần “tiền tươi” để tái đầu tư, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Chỉ có xe chạy được trên đường, chở được khách DN vận tải mới có thể phục hồi được".
Cần những cái “phao” lớn hơn
Chia sẻ về vấn đề này, TS Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia giao thông nhận định, dù mức giảm chẳng đáng là bao so với khó khăn hiện tại của các DN vận tải nhưng không thể phủ nhận chính sách giảm phí đường bộ và lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm định cho phương tiện cơ giới là cần thiết vào lúc này. Chính sách trên cho thấy, Nhà nước đang rất quan tâm, thông cảm và chia sẻ với các DN vận tải bị thiệt hại bởi Covid-19.
“Tuy nhiên, theo chuyên gia giao thông này, ngoài phí đường bộ và lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm định, Nhà nước cần nghiên cứu để giảm thêm các loại thuế, phí khác trong đó có cả phí BOT để hỗ trợ được nhiều hơn cho các DN vận tải. "Các DN vận tải bây giờ gần như không có doanh thu hoặc chỉ được 15 - 20% so với trước đây. Cho nên, các phí khác phải giảm, kể cả phí BOT cũng phải giảm đi thì sẽ phù hợp hơn với tình hình thực tế", TS Nguyễn Xuân Thủy cho biết thêm.
Nhìn nhận vấn đề từ góc độ kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, để chính sách hỗ trợ và chia sẻ khó khăn với DN, nhất là lĩnh vực vận tải thật sự có tác dụng, cần tính đến việc miễn phí sử dụng đường bộ đối với DN vận tải, không chỉ là với phương tiện đang hoạt động, mà cả phương tiện nằm bãi.
Hiện, hiện có đến 90% DN kinh doanh vận tải phải vay vốn ngân hàng để đầu tư phương tiện và tổ chức hoạt động vận tải. Các DN này hiện đang phải đối mặt với gánh nặng tài chính rất lớn khi doanh thu không có nhưng vẫn phải chi thường xuyên và tiền lãi suất, cùng với hàng chục loại chi phí phát sinh trên đường hàng ngày. “Chính tiền lãi ngân hàng, tiền lương cho nhân viên và chi phí cho các chuyến xe trên đường mới thực sự là điều đáng lo ngại hiện nay của các DN vận tải”, PGS.TS Ngô Trí Long phân tích.