0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ ba, 28/12/2021 10:17 (GMT+7)

Giải quyết bài toán thị trường lao động trong giai đoạn bình thường mới

Những bài toán về cung-cầu lao động, kiến tạo các động lực về cơ hội, hỗ trợ tài chính, kéo dài thời hạn thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động là những giải pháp thiết thực để khôi phục thị trường lao động trong giai đoạn hiện nay.

Khó chồng khó

Dịch bệnh Covid-19 đẩy nhiều chủ sử dụng lao động lâm vào tình cảnh nợ nần, phá sản... Nguồn cung cho thị trường lao động bị suy giảm, cơ cấu việc làm và chuyển dịch trong thị trường bị đảo chiều. Thị trường lao động bị chia cắt cục bộ giữa các vùng, các địa phương, làm mất cân đối cung cầu lao động cục bộ, gây ra áp lực về giải quyết việc làm cho người lao động.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý III/2021, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19.

Trong đó, có 4,7 triệu người bị mất việc (tương đương 16,5%); 14,7 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh (tương đương 51,1%); 12,0 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên (tương đương 42,7%) và 18,9 triệu lao động bị giảm thu nhập (tương đương 67,2%).

Khảo sát của Tổng cục Thống kê với 22.700 doanh nghiệp về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cho thấy, có đến gần 18% doanh nghiệp thiếu lao động.

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng cho hay, tháng 1/2022 là thời điểm mà nhu cầu hàng hóa chuẩn bị cho Tết Nguyên đán rất cao, cần sử dụng nhiều lao động để phục hồi sản xuất, đặc biệt ở các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Vì vậy, sự thiếu hụt lao động có thể tăng vào thời gian cuối quý I và quý II/2022, khi các doanh nghiệp được hoạt động trở lại với công suất cao nhất thì nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tăng cao. Dự kiến trong năm 2022, số lao động có nhu cầu tuyển dụng khoảng 700.000 người.

Ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể hoạt động trở lại do thiếu nguồn lao động, không đảm bảo sản xuất.

Mới đây, dự báo của Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, số lao động về quê quay trở lại làm việc chỉ còn khoảng 60-70%. Tình trạng này đang đặt ra nhiều vấn đề nan giải và nếu vấn đề này không được giải quyết rốt ráo, thị trường lao động sẽ đứt gãy.

Khẩn trương phục hồi thị trường lao động

Trước thực trạng này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội khóa XIV Bùi Sỹ Lợi cho rằng, mục tiêu cấp bách lúc này là phải khẩn trương phục hồi thị trường lao động, đảm bảo khôi phục nhanh nguồn cung ứng lao động đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, hỗ trợ người lao động có việc làm an toàn, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và người sử dụng lao động phục hồi sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.

Vì vậy, song song với những động thái quyết liệt về kiểm soát dịch bệnh, ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh: “Các địa phương cần có phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc. Bao gồm nỗ lực kết nối cung - cầu lao động, kiến tạo các động lực về cơ hội, hỗ trợ tài chính, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn, tạo sinh kế cho người lao động tìm việc làm tăng thu nhập bảo đảm cuộc sống”.

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy các chính sách hỗ trợ nhà ở và đẩy mạnh xã hội hóa để đảm bảo nhà ở cho người dân, đặc biệt là người di cư, người dân vùng chịu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu; đầu tư, xây dựng nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, đô thị và người có thu nhập thấp, nhằm ổn định đời sống, yên tâm cho người lao động, từ đó thu hút lao động đến làm việc.

Về trung hạn và dài hạn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhận thấy, cần chú trọng và nâng cao chất lượng hoạt động dự báo về nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo trong lĩnh vực ngành, nghề; tăng nhanh quy mô đào tạo nghề, nhất là khi mà nhu cầu lao động có kỹ năng tăng cao nhưng những rào cản bởi dịch bệnh và năng lực chuyển đổi, thích ứng của hệ thống giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế nên năm nay tuyển sinh đào tạo chỉ đạt 80% kế hoạch đầu năm.

Bạn đang đọc bài viết Giải quyết bài toán thị trường lao động trong giai đoạn bình thường mới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới