0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ bảy, 19/02/2022 07:01 (GMT+7)

Giá thép xây dựng "leo thang", nhiều dự án BĐS đứng trước nguy cơ "đắp chiếu"

Hiện nay, mỗi tấn thép tăng từ 250.000-350.000 đồng so với cuối tháng 1 và tuần đầu tháng 2, nhiều nhà thầu "lo sốt vó" khi đơn giá xây lắp bị đội lên cao so với dự toán ban đầu, ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư.

Mới đây, CTCP Gang thép Thái Nguyên đã thông báo tăng giá thép xây dựng. Cụ thể, giá mỗi tấn thép cuộn CB240 tăng cao với giá 17,3 triệu đồng/ tấn nếu thanh toán ngay, còn thanh toán chậm thì 17,4 triệu đồng/ tấn.

Giá thép chưa gồm VAT các loại thì cũng tăng lên 17,3-17,6 triệu đồng/ tấn, tùy loại và tùy thuộc thanh toán nhanh hay chậm. Theo đó giá mỗi tấn thép tăng từ 250.000-350.000 đồng so với cuối tháng 1 và tuần đầu tháng 2.

Tương tự, Công ty Thép Hoà Phát Hưng Yên, Thép Việt Đức hay Thép Vinausteel... cũng điều chỉnh giá bán thép cuộn xây dựng từ giữa tháng 2.

Theo các đại lý kinh doanh, giá thép khả năng còn tăng nữa. "Chúng tôi dự báo tới đây có ít nhất 2-3 đợt tăng giá nữa, với tổng mức tăng khoảng 1 triệu đồng một tấn" - chủ một đại lý thép trên đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông) cho hay.

Thực tế, trên địa bàn Hà Nội có rất nhiều công trình đang thi công. Giá vật liệu liên tục tăng cao dự kiến thời gian tới sẽ ảnh hưởng đến việc thi công, xây dựng các công trình.

Chia sẻ với báo chí, ông Lê Tuấn Nam - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Minh (một nhà thầu xây dựng) cho rằng, hệ quả của đà tăng giá các mặt hàng vật liệu thiết yếu đặc biệt là giá thép là đẩy giá công trình xây dựng lên mặt bằng mới.

Việc giá thép tăng mạnh trong những tháng đầu năm và dự kiến tiếp đà tăng giá trong thời gian tới sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho các chủ đầu tư cũng như nhà thầu.

Theo ông Nam, trước mắt, nếu giá thép, giá nguyên vật liệu tăng trong khoảng thời gian ngắn và tăng nhẹ thì nhà thầu, chủ đầu tư vẫn xoay chuyển được.

Tuy nhiên, nếu về lâu dài, nhiều lo ngại việc tăng giá vật liệu lên cao sẽ khiến chủ đầu tư bị lỗ nặng, thậm chí nhiều chủ đầu tư đành buông xuôi để mặc dự án “đắp chiếu”.

“Thời điểm này, không chỉ các nhà thầu xây dựng đau đầu với bài toán vật liệu xây dựng tăng giá, mà các chủ đầu tư lớn cũng đang lo sốt vó khi đơn giá xây lắp bị đội lên cao so với dự toán ban đầu, ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư”, ông Nam chia sẻ thêm.

Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp dự đoán, 2022 sẽ là một năm triển vọng của ngành thép khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu xây dựng hồi phục mạnh trở lại sẽ khiến mức tiêu thụ sản phẩm này tiếp tục tăng mạnh hơn.

Thậm chí có nhiều dự báo cho thấy ít nhất là trong nửa đầu năm nay giá thép sẽ khó hạ nhiệt mà vẫn tiếp đà tăng khi nhiều dự án bất động sản tái khởi động. Chưa kể, năm 2022 có nhiều dự án đầu tư công quy mô lớn triển khai như các tuyến cao tốc Bắc - Nam, các tuyến đường vành đai... cùng nhiều công trình đầu tư công khác khiến nhu cầu mặt hàng này tăng cao.

Trước đó, năm 2021, thị trường chứng kiến sự tăng vọt của giá thép với mức đáy 14.800 đồng/kg lên đỉnh 17.200 đồng/kg. Điều này khiến không chỉ ngành xây dựng lao đao mà cử tri cả nước lo ngại.

Theo đó, cử tri đã kiến nghị Bộ Xây dựng phối hợp với các ngành chức năng liên quan có biện pháp ổn định giá cả thị trường vật liệu xây dựng để các công trình, dự án đang thực hiện được hoàn thành theo tiến độ, góp phần phục vụ có hiệu quả yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu đề ra.

Theo Bộ Xây dựng, giá một số loại vật liệu xây dựng chủ yếu có xu hướng tăng cao trong nửa đầu năm 2021. Tuy nhiên, đến thời điểm cuối năm 2021, giá vật liệu xây dựng cơ bản đã được kiểm soát, có xu hướng ổn định.

Bạn đang đọc bài viết Giá thép xây dựng "leo thang", nhiều dự án BĐS đứng trước nguy cơ "đắp chiếu". Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới