Giá lúa mì cao nhất mọi thời đại - nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu
Trước tình trạng xung đột giữa Nga và Ukraine ngày càng căng thẳng, giá lúa mì đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại, nguy cơ dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn cầu.
Giá lúa mì tăng chóng mặt hơn 60%
Hôm nay (8/3), giá lúa mỳ kỳ hạn giao sau trên Sàn giao dịch nông sản Chicago tăng 5,4% lên 13,63 USD/bushel (một bushel lúa mì tương đương 27,2 kg).
Karabekir Akkoyunlu, giảng viên tại Trường Nghiên cứu phương Đông và châu Phi thuộc Đại học London, nói: “Vụ thu hoạch lúa mì bắt đầu vào tháng 7 và sản lượng năm nay dự kiến sẽ ở mức tốt, có nghĩa là nguồn cung sẽ dồi dào cho các thị trường toàn cầu trong điều kiện bình thường. Nhưng một cuộc chiến kéo dài ở Ukraine có thể ảnh hưởng đến việc thu hoạch lúa mì ở nước này”.
Ngoài ra, việc các nước phương Tây loại bỏ một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của nước này.
Theo Gro Intelligence, một công ty phân tích dữ liệu nông nghiệp, Ukraine và Nga chiếm khoảng 14% sản lượng lúa mì toàn cầu và cung cấp khoảng 29% tổng sản lượng lúa mì xuất khẩu của thế giới. Nga là nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới, còn Ukraine đứng thứ 5. Hai nước này cạnh tranh xuất khẩu sang các thị trường như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Bangladesh. Trước khi chiến sự nổ ra, Ukraine đang hướng đến năm kỷ lục về xuất khẩu lúa mì, trong khi xuất khẩu lúa mì của Nga đang chậm lại.
Trong hai tuần qua, giá lúa mì đã tăng chóng mặt (tăng hơn 60%) do xung đột giữa Nga và Ukraine làm gián đoạn hơn 1/4 nguồn cung lương thực chủ yếu của thế giới được sử dụng trong bánh mì ,bánh quy ,mì và nhiều loại thực phẩm khác.
Nhiều quốc gia đứng trước nguy cơ khủng hoảng lương thực
Giá cả tăng cao đang gây ra những lo ngại về tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng tăng và khuấy động quá khứ từ hơn một thập kỷ trước, khi giá cả tăng vọt dẫn đến bạo loạn lương thực ở hơn 30 quốc gia, bao gồm cả ở châu Phi và Trung Đông.
Chính sự khan hiếm lương thực đã góp phần vào xung đột chính trị và các cuộc nổi dậy "Mùa xuân Ả Rập". Cả lúa mì và gạo, hai loại lương thực hàng đầu thế giới, đã tăng kỷ lục trong nửa đầu năm 2008 vào thời điểm đó.
Hiện, các thương nhân trên thị trường gạo đặt cược rằng mặt hàng này sẽ trở thành một lựa chọn thay thế cho lúa mì - vốn đang trở nên quá đắt đỏ. Và người mua bắt đầu tranh giành mua bất cứ loại ngũ cốc nào. Giá gạo Mỹ ngày 2/3 đã tăng 4,2% lên 16,89 USD/100 lb, cao nhất kể từ tháng 5 năm 2020.
Tờ Deutsche Wirtschafts Nachrichten của Đức viết, tỷ trọng của Nga và Ukraine trong xuất khẩu lúa mì thế giới là gần 30%, vì vậy tình hình hiện nay đang đe dọa lớn đến một số quốc gia. Theo đó, giá lúa mì đã ở mức cao nhất mọi thời đại, dự trữ ở mức thấp và nhiều quốc gia, đặc biệt là ở Bắc Phi và Trung Đông phải đối mặt với nạn đói.
Các nhà nhập khẩu lúa mì đang đối mặt với mối đe dọa nguồn cung, khiến họ không thể tiếp cận được với loại ngũ cốc có giá thấp hơn ở Biển Đen mà họ phụ thuộc.
Một thương nhân chia sẻ: "Các nhà nhập khẩu sẽ phải trả thêm trung bình 40% cho lúa mì so với trước cuộc xung đột".
Giá bánh mì không bao bì đang tăng cao ở Ai Cập, quốc gia nhập khẩu lúa mì hàng đầu thế giới. 80% lượng lúa mì của họ nhập từ Nga và Ukraine vào năm ngoái. Giá lúa mì và bột mì địa phương đã tăng lần lượt 23% và 44%. Chính phủ đang xem xét việc nâng chi phí của những ổ bánh mì được trợ cấp mà hàng triệu công dân tiêu dùng.
Và trong khi Algeria, Libya và các nhà sản xuất dầu ở vùng Vịnh có thể thấy chi phí nhập khẩu lúa mì cao hơn được bù đắp bởi doanh thu từ nguyên liệu hydrocarbon tăng, thì các chính phủ khác không có cơ hội như vậy.
Lebanon, quốc gia đang hứng chịu một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại, việc dự trữ lúa mì chỉ có thể trụ vững trong một tháng khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra.
Tại Tunisia, dự trữ bánh mì giảm, khẩu phần bột mì trong các cửa hàng và vấn đề cập cảng nhập khẩu lúa mì đã làm dấy lên nghi ngờ về tuyên bố chính thức rằng có đủ nguồn cung để kéo dài đến tận mùa hè.
Maroc sẽ tăng nhập khẩu ngũ cốc sau đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Tại Syria, nơi có nền kinh tế đã trải qua nhiều năm xung đột, một nguồn tin về vấn đề này cho biết chính phủ có thể dựa vào nguồn dự trữ nhưng thừa nhận rằng chi phí sẽ tăng lên.
Đặc biệt, dấu hiệu một số quốc gia châu Âu có thể hạn chế xuất khẩu ngũ cốc sau khi Hungary hôm thứ 6 (4/3) thông báo lệnh cấm xuất khẩu ngay lập tức. Trong khi đó, Bulgari có kế hoạch mua lúa mì để dự trữ khiến các nhà sản xuất lo ngại. Còn Romania cho biết họ thấy không cần thiết phải hạn chế xuất khẩu vào lúc này.
Mọi thứ từ lúa mì đến dầu mỏ hay phân bón đều chứng kiến giá tăng vọt khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine lên đến đỉnh điểm, làm dấy lên lo ngại về sự tác động lan truyền đến toàn bộ chuỗi cung ứng. Điều đó làm trầm trọng thêm nỗi lo về lạm phát vào đúng thời điểm nạn đói đang gia tăng.