FAO: Giá lương thực toàn cầu tăng 'phi mã' lên mức cao nhất trong 10 năm qua
Chỉ số giá lương thực của FAO trong tháng 11 trung bình ở mức 134,4 điểm - mức cao nhất kể từ tháng 6/2011 và tăng 27,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số này trong tháng 10 là 132,8 điểm.
Mới đây, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) thông báo giá lương thực thế giới tiếp tục tăng cao vào tháng 11, lên mức cao nhất trong 10 năm qua, do nhu cầu bột mỳ cùng các sản phẩm trứng, sữa tăng mạnh và nguồn cung thắt chặt.
Đây cũng là tháng thứ 4 liên tiếp giá lương thực thế giới tăng, trong bối cảnh cuộc sống của người dân trên thế giới gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19.
Chỉ số giá lương thực của FAO trong tháng 11 trung bình ở mức 134,4 điểm - mức cao nhất kể từ tháng 6/2011 và tăng 27,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số này trong tháng 10 là 132,8 điểm.
Trong năm qua, sản lượng thu hoạch sụt giảm, trong khi nhu cầu gia tăng, khiến giá các mặt hàng nông nghiệp tăng "phi mã."
Chỉ số giá ngũ cốc của FAO trong tháng 11 tăng 3,1% so với tháng trước đó và cao hơn tới 23,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, giá lúa mỳ tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2011.
Chỉ số giá các sản phẩm từ sữa ghi nhận mức tăng theo tháng lớn nhất, tăng 3,4% so với tháng 10. Giá đường toàn cầu trong tháng 11 tăng 1,4% so với tháng 10 và tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, chỉ số giá thịt tháng 11 giảm 0,9% so với tháng trước đó và là tháng thứ 4 liên tiếp chỉ số giá thịt giảm. Giá dầu thực vật cũng giảm 0,3%.
Cũng trong báo cáo này, FAO hạ dự báo sản lượng ngũ cốc toàn cầu trong năm 2021, cho rằng năm nay sản lượng ngũ cốc ước tính chỉ đạt 2,791 tỷ tấn, so với mức ước tính 2,793 tỷ tấn đưa ra tháng trước.
FAO cho biết, giá lương thực thế giới tăng cao đang ảnh hưởng và tác động nặng nề đến các hộ gia đình có thu nhập thấp vì giá các mặt hàng thiết yếu như bánh mì, thịt, sữa và gạo tăng cao đã chiếm phần lớn thu nhập của họ.
Những tác động tiêu cực này đã đặt các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới vào tình thế khó khăn vì phải tăng lãi suất cao hơn giúp hạ nhiệt lạm phát, tuy nhiên động thái này cũng có nguy cơ làm sụt giảm sự phục hồi các nền kinh tế vốn đang mong manh do dịch bệnh.