Giá dầu biến động, triển vọng ngành dầu khí của Việt Nam thời gian tới sẽ ra sao?
Thời gian gần đây, giá dầu toàn cầu tăng gần 40%, có thời điểm tăng gần 70% so với đầu năm. Trong bối cảnh giá dầu biến động, triển vọng ngành dầu khí của Việt Nam thời gian tới sẽ ra sao?
Thời gian gần đây, thế giới đã chứng kiến sự biến động mạnh của thị trường dầu khí. Theo đó, vào cuối tháng 2, giá dầu đã vượt mốc 100 USD/thùng, khi Nga tiến công quân sự vào Ukraine, gây lo ngại rằng nguồn cung sẽ bị gián đoạn. Đây là lần đầu tiên giá dầu vượt mức 3 con số kể từ năm 2014. Cuộc leo thang tiếp tục khi dầu Brent gần cán mốc 140 USD, còn dầu WTI giao dịch ở mức 130,5 USD/thùng vào tuần trước.
Tuy nhiên, sau khoảng thời gian tăng nóng, trong phiên giao dịch 15/3, giá dầu ngọt nhẹ WTI đã giảm khoảng 20% so với giai đoạn đỉnh điểm vào tuần trước, về mức dưới 100 USD/thùng. Cụ thể, giá dầu thô WTI kỳ hạn giao dịch ở mức 98,7 USD/thùng trong khi dầu Brent giao dịch ở mức 102,45 USD/thùng.
Mặc dù đã sụt giảm mạnh trong phiên ngày 14/3, cả dầu Brent và WTI vẫn tăng hơn 30% trong năm nay.
Theo nhận định của VinaCapital, sau căng thẳng Nga - Ukraine thời gian gần đây, giá dầu toàn cầu tăng gần 40%, có thời điểm tăng gần 70% so với đầu năm. Riêng tại thị trường Việt Nam, giá xăng bán lẻ đã tăng gần 20% so với đầu năm.
Tính đến ngày 11/3, giá xăng dầu trong nước đã có mức tăng mạnh nhất trong lịch sử dù liên bộ Công thương - Tài chính đã chi 750 - 1.000 đồng từ Quỹ bình ổn xăng dầu cho mỗi lít xăng, 1.500 đồng cho mỗi lít dầu diesel. Mặt bằng giá bán lẻ trong nước với xăng RON 95 đã lên sát 30.000 đồng một lít, xăng E5 RON92 là 28.980 đồng, còn dầu diesel 25.260 đồng.
Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital, ông Michael Kokalari dự báo, giá xăng tại Việt Nam có thể tăng thêm 30% trong những tháng tới. Khi đó, lạm phát của Việt Nam sẽ tăng khoảng 1,5 điểm phần trăm do giá dầu toàn cầu tăng vọt. Lý giải về điều này, ông Michael cho biết, giá xăng dầu chiếm 3,6% trong rổ tính CPI của Việt Nam, cùng với giả định việc tăng giá xăng sẽ tác động gián tiếp, đẩy mức lạm phát tăng.
Theo báo cáo cập nhật vĩ mô của CTCK Mirae Asset (MAS), lạm phát của Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 1,42% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới, cùng với đó là việc giảm công suất tạm thời của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Bên cạnh đó, giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Nguyên đán.
Trên cơ sở đó, các chuyên gia ước tính, lạm phát của Việt Nam sẽ được kiểm soát ổn định dưới mức 4% trong năm 2022, nhờ vào chính sách đảm bảo cân đối cung cầu và ổn định thị trường tiêu dùng.
"Tuy vậy, chúng tôi cho rằng rủi ro lạm phát gia tăng do giá nhiên liệu và các loại hàng hóa gia tăng khi nhu cầu hồi phục và trước diễn biến căng thẳng Ukraine-Nga ngày càng leo thang; tác động của chính sách nới lỏng tiền tệ và các gói hỗ trợ kinh tế lớn", báo cáo nhấn mạnh.
Triển vọng ngành dầu khí sẽ ra sao trước biến động của thị trường?
Liên quan đến triển vọng của ngành dầu khí trong bối cảnh diễn biến thị trường dầu khí thế giới biến động mạnh, các chuyên gia của MAS nhận định, nguồn cung dầu mỏ được dự báo sẽ tăng chậm trong thời gian tới, từ đó sẽ tác động đến giá dầu.
Bên cạnh đó, triển vọng của giá dầu cũng phụ thuộc vào việc Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận tại COP26 về hạn chế sử dụng nguồn nguyên liệu hóa thạch, và việc OPEC và các nước đồng minh chưa thể hiện ý muốn gia tăng sản lượng nhiều hơn; trong khi nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ đang hồi phục mạnh.
Theo dự báo của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), lượng tiêu thụ dầu mỏ năm 2022 dự kiến sẽ tăng từ mức 96.2 triệu thùng/ngày của năm 2021 lên 99.53 triệu thùng/ngày, cơ bản phục hồi về mức trước khi xảy ra dịch bệnh.
"Chúng tôi kỳ vọng giá dầu duy trì trên 85 USD/thùng trong năm 2022", MAS dự báo.
Đối với các doanh nghiệp dầu khí thượng nguồn, báo cáo cho hay, điểm hòa vốn trung bình của các dự án khai thác dầu khí ngoài khơi của khu vực Đông Á hiện nay vào khoảng 55 USD/thùng.
Vì vậy, với mức giá hiện nay, các chuyên gia của MAS kỳ vọng các dự án thăm dò, khai thác sẽ được tái khởi động tạo nên sự sôi động cho khâu thượng nguồn trong năm 2022. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khoan, xây lắp giàn khoan, kho nổi dự kiến có được các hợp đồng mới với giá trị cao hơn.
Về triển vọng cho các doanh nghiệp dầu khí trung nguồn như Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS), báo cáo phân tích, hoạt động vận tải dầu và khí đang bước vào giai đoạn tăng trưởng. Bên cạnh đó, từ 2023, khi dự án lọc dầu Long Sơn hoàn thành sẽ gia tăng nhu cầu vận tải.
Ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu LPG dự kiến duy trì mức tăng trưởng từ 20 – 22% đến năm 2025, thúc đẩy việc xây dựng hệ thống kho chứa. Giai đoạn đến năm 2025 dự kiến có thêm 4 dự án LNG sẽ khởi công, trong đó dự án LNG Thị Vải GĐ 2 và LNG Sơn Mỹ GĐ 1 do GAS tham gia đầu tư.
Mặt khác, xu hướng hạn chế nhiệt điện than buộc Chính phủ phải chú trọng hơn việc phát triển các dự án điện khí sẽ là triển vọng cho các doanh nghiệp phân phối dầu khí và xăng dầu. Hàng loạt các dự án điện khí đang được triển khai như: Nhơn Trạch 3&4 (dự kiến hoàn thành 2023 – 2024), Hiệp Phước (2022), Sơn Mỹ 1&2 (2025)… Dự kiến đến 2027 sẽ bổ sung thêm 17,600 MW vào hệ thống phát điện Việt Nam.
"Nhu cầu tiêu thụ điện, xăng dầu và gas cũng được dự báo sẽ gia tăng trở lại khi kinh tế hồi phục. Các công ty hoạt động phân phối khí và xăng dầu được kỳ vọng hồi phục mạnh từ đáy như: CNG, PGS, ASP, PLX…", báo cáo nhận định.