0915 15 67 76 [email protected]
Thứ hai, 21/02/2022 06:50 (GMT+7)

Giá dầu tăng mạnh, thách thức lớn cho ngành dầu khí Việt Nam

Giá dầu tăng cao giúp tăng doanh thu khi bán dầu. Tuy nhiên, với sản lượng khai thác dầu giảm mạnh, việc tăng thu từ bán dầu thô khai thác được không đủ để cân bằng với việc tăng chi để bỏ ra nhập khẩu xăng dầu về phục vụ hoạt động của nền kinh tế.

tm-img-alt
Giá dầu tăng mạnh, thách thức lớn cho ngành dầu khí Việt Nam. Ảnh minh họa.

Trước những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung và tình hình căng thẳng giữa Nga - Ukraine, giá dầu thô thế giới tăng "chóng mặt". Ghi nhận vào đầu giờ sáng 20/2/2022, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3/2022 ở mức 91,07 USD/thùng. Cùng thời điểm, giá dầu thô Brent giao tháng 4 có giá 93,54 USD/thùng.

Giá dầu đã giảm so với mức 97 USD/thùng cách đây vài ngày, nhưng dữ liệu thống kê gần đây cho thấy, nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu vẫn đang có xu hướng phục hồi mạnh khi các nước đang gỡ dần các lệnh phong toả chống dịch. Nhiều chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hoá đang được thúc đẩy nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt hàng hoá, kéo theo giá cả leo thang và lạm phát tăng cao tại nhiều khu vực.

Ngược lại, nguồn cung dầu lại bị thắt chặt bởi năng lực sản xuất của các nhà cung cấp dầu thô hạn chế. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), các kho dự trữ dầu toàn cầu ở mức thấp nhất trong nhiều năm và công suất dự phòng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC +) suy giảm đã góp phần đẩy giá dầu lên.

Báo cáo dầu tháng 2/2022 của IEA cho thấy, nguồn cung dầu toàn cầu tăng 560.000 thùng/ngày lên 98,7 triệu thùng/ngày trong tháng 1. Nếu OPEC + không bị ràng buộc, thì sản lượng dầu thế giới có thể tăng thêm 6,3 triệu thùng/ngày vào năm 2022.

Việc giá dầu tăng mạnh đã giúp chỉ tiêu doanh thu và nộp ngân sách của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cao ngay trong tháng 1/2022.

Theo Petrovietnam, sản lượng khai thác dầu tháng 1 đạt 0,93 triệu tấn, vượt 24,2% kế hoạch tháng 1 và bằng 10,7% kế hoạch của năm 2022. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 60.800 tỷ đồng, vượt 36% kế hoạch tháng và tăng 43% so với cùng kỳ năm 2021.

Cùng với đó, nộp ngân sách toàn Tập đoàn ước đạt 8.400 tỷ đồng, vượt 44% kế hoạch tháng, tăng 42% so với cùng kỳ 2021. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước 6.200 tỷ đồng, vượt 2,9 lần kế hoạch tháng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ 2021.

Dù có kết quả tốt về doanh thu và lợi nhuận cũng như tăng nộp ngân sách, nhưng cơ hội để thu được nhiều hơn với dầu thô không có nhiều như trước. Nguyên do là sản lượng khai thác dầu thô của Việt Nam đang theo đà giảm sút. Năm 2021, sản lượng dầu thô khai thác được đạt 10,97 triệu tấn, tuy vượt 1,25 triệu tấn so với kế hoạch năm, song vẫn trong chiều giảm xuống.

Theo đánh giá của Petrovietnam, việc gia tăng trữ lượng dầu khí, bù đắp vào sản lượng khai thác hàng năm, đảm bảo sự phát triển của Tập đoàn là thách thức lớn. Các khu vực truyền thống có tiềm năng dầu khí đã được thăm dò khá chi tiết, các phát hiện dầu khí phần lớn đều nhỏ, nên đòi hỏi phải mở rộng hoạt động tìm kiếm, thăm dò các khu vực nước sâu, xa bờ. Tiềm năng dầu khí chưa phát hiện còn lại tập trung chủ yếu ở vùng nước sâu, xa bờ, rủi ro cao.

Petrovietnam đánh giá: “Năm 2021 là năm thứ 6 liên tiếp, hệ số gia tăng trữ lượng bù trừ vào sản lượng khai thác ở mức báo động, ảnh hưởng đến phát triển bền vững của Tập đoàn trong những năm tới”.

Cụ thể, gia tăng trữ lượng dầu khí năm 2021 chỉ là 4,6 triệu tấn - một con số rất thấp, không hoàn thành kế hoạch năm (bằng 38,3% kế hoạch). Hệ số bù trữ lượng dầu khí năm 2021 đạt 0,26 lần cũng được coi là mức báo động, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững của Tập đoàn trước nguy cơ không có nhiều dầu để khai thác trong tương lai không xa.

Ngoài ra, việc khai thác dầu thô trong nước giảm làm khó cán cân xuất nhập khẩu xăng dầu, khi nhu cầu tiêu thụ xăng dầu cả nước bình quân đang ở mức 17-18 triệu tấn/năm. Khi giá dầu thế giới tăng mạnh, việc tăng thu từ bán dầu thô khai thác được không đủ để cân bằng với việc tăng chi để bỏ ra nhập khẩu xăng dầu về phục vụ hoạt động của nền kinh tế.

Bạn đang đọc bài viết Giá dầu tăng mạnh, thách thức lớn cho ngành dầu khí Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giá xăng dầu quay đầu giảm 320 đồng/lít
Theo quyết định của liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 15h ngày 25/4, giá xăng E5 giảm 310 đồng/lít, giá bán là 23.910 đồng/lít. Giá xăng RON 95 giảm 320 đồng/lít, giá bán là 24.910 đồng/lít.
Các ngân hàng đặt mục tiêu cao trong năm 2024
Vừa qua, một số ngân hàng đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) với nhiều kế hoạch đáng chú ý liên quan đến việc tái cơ cấu, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng vốn điều lệ.
GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023