Doanh nghiệp dầu khí hưởng lợi trước đà tăng mạnh của giá dầu thế giới
Gần đây, "vàng đen" trở thành tâm điểm khi căng thẳng địa chính trị leo thang. Các mã dòng "P" hay các cổ phiếu dầu khí khác tăng giá hai chữ số chỉ sau vài tháng. Đà tăng được dự báo tiếp tục nếu giá dầu còn tăng mạnh.
Giá dầu leo thang
Mới đây, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đã công bố báo cáo triển vọng ngành dầu khí năm 2022 với ước đoán mức giá dầu Brent trung bình năm nay ở mức 90 USD/thùng (tăng 23% so với năm ngoái).
Hôm qua (22/2), giá dầu thô Brent được giao dịch ở mức 95,39 USD/thùng, còn hôm trước đó, giá có lúc chạm 97 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 9/2014.
Dựa trên mức giá 90 USD/thùng, BSC kỳ vọng vào nhu cầu tiêu thụ dầu năm 2022 toàn thế giới sẽ được cải thiện, trong khi đó nguồn cung dầu thắt chặt do nhóm OPEC chưa có kế hoạch tăng sản lượng trong giai đoạn đầu năm và hoạt động khai thác dầu của Mỹ phục hồi chậm, bên cạnh nguy cơ thiếu hụt nguồn cung do căng thẳng Nga - Ukraine.
Ngành dầu khí kỳ vọng khởi sắc năm 2022
Tại thị trường trong nước, các chuyên gia dự đoán sản lượng khai thác dầu thô và khí tự nhiên giảm do suy kiệt các mỏ lâu năm. Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu dự kiến tăng trên 3%/năm trong giai đoạn tới. BSC đánh giá, điều này sẽ khiến lượng nhập khẩu dầu thô có xu hướng ngày càng tăng trong thời gian tới.
Ngược lại, một số dự án dầu khí đã bắt đầu có những dấu hiệu tích cực hơn, và kỳ vọng sớm được khởi công trong tương lai gần. Trong đó dự án Ô Môn (tổng đầu tư 6,7 tỷ USD) sẽ được khởi công trong giai đoạn cuối năm 2022, là động lực tăng trưởng lớn cho các công ty trong chuỗi giá trị dầu khí tại Việt Nam.
Đối với nhóm thượng nguồn, điểm hòa vốn trung bình của các dự án khai thác dầu khí ngoài khơi của khu vực hiện nay vào khoảng 50 USD/thùng.
Vì vậy, với mức giá hiện nay, BSC kỳ vọng các dự án thăm dò, khai thác sẽ sôi động trở lại trong năm nay, và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khoan, xây lắp giàn khoan, kho nổi như Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (Mã: PVS) và Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (Mã: PVD) dự kiến có được các hợp đồng mới với giá trị cao hơn.
Cụ thể, các chuyên gia dự phóng doanh thu thuần của PVS trong năm nay sẽ là 18.262 tỷ , lợi nhuận sau thuế 977 tỷ, lần lượt tăng 28% và 44% so với năm ngoái.
Các con số trên dựa trên giả định PVS sẽ ghi nhận thêm 4.000 tỷ doanh thu từ các dự án mới như Gallaf 3, dự án điện gió Hai Long và đường ống Lô B - Ô Môn. Ngoài ra các liên doanh FSO/FPSO hoạt động ổn định, đóng góp trên 500 tỷ vào lợi nhuận của PVS.
Còn đối với PVD, doanh thu thuần dự đoán khoảng 5.681 tỷ VND, tăng 42%; lợi nhuận sau thuế 283 tỷ, tăng 686% so với kết quả năm 2021. Với giả định là hiệu suất hoạt động giàn khoan tự nâng sở hữu đạt 82%. Cùng với đó đơn giá cho thuê giàn khoan tự nâng duy trì ở mức 61.000 USD/ngày.
Đối với nhóm trung nguồn, nhu cầu vận tải dầu năm nay dự kiến sẽ gia tăng khi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm hóa dầu từ các dự án Dung Quất, Nghi Sơn hồi phục. Ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu khí LNG sẽ tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng hệ thống kho chứa.
Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PV Trans - Mã: PVT) hiện chiếm toàn bộ thị phần vận tải dầu thô và LPG trong nước, còn Tổng Công ty Khí Việt Nam (Mã: GAS) đang đầu tư vào các dự án LNG Thị Vải Giai đoạn 2 và LNG Sơn Mỹ Giai đoạn 1 nhiều tiềm năng trong thời gian tới.
Cụ thể, BSC dự phóng doanh thu thuần của GAS trong năm nay sẽ đạt 92.292 tỷ, tăng 17% và lợi nhuận sau thuế khoảng 10.438 tỷ, tăng 18%.
Đối với nhóm hạ nguồn, nhu cầu tiêu thụ điện, xăng dầu và gas cũng được dự báo sẽ gia tăng trở lại khi kinh tế hồi phục.
BSC dự đoán, Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex - Mã: PLX) sẽ được hưởng lợi mà cụ thể là biên lợi nhuận được cải thiện (từ 7,5% lên 7,8% năm 2022) nhờ giá bán được điều chỉnh tăng bám sát diễn biến giá dầu thế giới. Bên cạnh đó công ty có thể ghi nhận khoảng 3.000 tỷ đồng lợi nhuận từ hoạt động thoái vốn tại PGBank.
Ngoài Petrolimex, thì CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (Mã: BSR) cũng tích cực nhờ hưởng chênh lệch giữa giá sản phẩm và giá dầu thô nguyên liệu (crack spread) được nới rộng, giúp cải thiện lợi nhuận.
BSC dự phóng doanh thu thuần của BSR trong năm nay đạt 126.526 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 8.962 tỷ VND, lần lượt tăng 25% và 20% so với năm ngoái. Trong đó BSR có thể ghi nhận doanh thu tài chính hơn 1.027 tỷ đồng.
Trong diễn biến khác, Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex (Mã: PLC) với sản phẩm nhựa đường được dự đoán mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ở mức 22% và 5%, lần lượt lên 6.867 tỷ và 157 tỷ đồng.
Động lực tăng trưởng dựa vào các gói đầu công trong dự án cao tốc Bắc - Nam được đẩy nhanh tiến độ, bên cạnh gói kích thích đầu tư hạ tầng giao thông (103.164 tỷ đồng).
Ngoài ra còn đến từ sản lượng mảng hóa chất và dầu mỡ nhờn tăng trở lại nhờ nhu cầu hồi phục, và được mở rộng kênh phân phối thông qua chuỗi cửa hàng của Petrolimex.
Theo dự báo của BSC, hầu hết lợi nhuận năm 2022 của các doanh nghiệp họ nhà "P" đều tăng trưởng hai đến ba chữ số, trong đó riêng PVD có thể tăng lên gần 7 lần so với mức thấp của năm 2021.