Giá đất quanh Vành đai 4 tăng 'chóng mặt': Coi chừng là 'chiêu' để tạo 'sóng' thị trường
Sau khi Nghị quyết đầu tư dự án xây dựng đường Vành đai 4, giá đất tại các khu vực này đã tăng cao “chóng mặt”, tuy nhiên, theo các chuyên gia nhận định, đây cũng chỉ là chiêu thức của các “đội lái” để tạo sóng thị trường.
Mới nhận chủ trương, “sóng” bất động sản đã nổi
Mới đây, Nghị quyết đầu tư dự án xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội đã chính thức được Quốc hội thông qua. Theo Tờ trình của Chính phủ, sơ bộ tổng mức đầu tư cho giai đoạn 1 của công trình hạ tầng này là 85.813 tỷ đồng, với quy mô khoảng gần 112,8 km và được chia thành 7 dự án thành phần.
Tuyến Vành đai 4 sẽ đi qua địa phận 3 tỉnh thành là Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Dự án sẽ được thực hiện từ năm nay (2022) và cơ bản hoàn thành vào năm 2026, dự kiến đưa vào khai thác vào năm 2027.
Tuy chỉ mới nhận thông tin về chủ trương, nhưng cũng đã khiến giới đầu tư bất động sản đứng ngồi không yên khiến giá đất tại khu vực mà tuyến đường này đi qua cũng liên tục "nhảy múa".
Là một nhà đầu tư bất động sản đã có nhiều năm trong nghề, anh Hùng (Hà Đông, Hà Nội) cũng đã “tức tốc” về những khu vực liên quan tới quy hoạch đường Vành đai 4 để tìm cơ hội đầu tư.
"Qua quá trình hiểu, tôi thấy giá đất tại khu vục Thường Tín, Mê Linh, Sóc Sơn trong một năm trở lại đây tăng khá nhiều, với mức tăng từ 30-50%. Tuy nhiên, đây chỉ mới là mức thông tin ban đầu, nếu khi dự án đi vào triển khi, tôi nghĩ mức giá còn tăng cao hơn nữa vấn đề là chúng ta phải có thời gian để chờ đợi", anh Hùng phân tích.
Anh Hồng Thắng - một mô giới bất động sản tại huyện Hoài Đức chia sẻ, ngay sau khi Nghị quyết dự án đường Vành đai 4 được thông qua, trên địa bàn cũng đã có rất nhiều nhà đầu tư tìm về để tham khảo giá.
"Từ khi thông tin tuyến dường Vành đai 4 được thông qua, mức giá đất tại các khu vực chùa Diên Phúc và đền Giẻ Sen đã tăng lên từ 10-20 triệu đồng so với năm ngoái, hiện dao động từ 30-50%/m2", anh Thắng cho biết.
Thực tế, theo ghi nhận của Phóng viên, thời gian qua, giá đất tại nhiều khu vực có quy hoạch đường Vành đai 4 chạy qua cũng đã tăng chóng mặt. Đơn cử như tại xã Thanh Xuân, Hiền Ninh, Minh Trí thuộc huyện Sóc Sơn. So với 2 năm trước mức giá đã tăng 3-5 lần, từ 3-4 triệu đồng/m2 giờ đã tăng lên 12-15 triệu đồng/m2, tùy từng khu vực.
Hay như tại huyện Hoài Đức, khu vực KCN Dương Liễu, cầu vượt Song Phương giá đất cũng đã tăng gấp đôi chỉ sau 1 năm. Mức giá hiện nay được rao bán trong khoảng 100-110 triệu đồng/m2, còn giá bán tại các khu vực trung tâm là 130 -150 triệu đồng/m2, tăng hơn 15% so với thời điểm cuối năm ngoái.
Tương tự tại huyện Đan Phượng, giá đất cũng đã được điều chỉnh tăng từ 20-50%, tùy từng khu vực. Trong đó tâm điểm là thị trấn Phùng với mức giá hiện đã tăng từ 70-80 triệu đồng/m2.
Chỉ là "chiêu trò" của các “đội lái” để tạo sóng thị trường
Trước hiện tượng giá đất tăng chóng mặt, các chuyên gia bất động sản cảnh báo, dù quy hoạch tuyến đường Vành đai 4 đã được thông qua giúp cho thị trường bất động sản nhiều khu vực nóng lên đáng kể, song cũng tiềm ẩn không ít rủi ro nếu nhà đầu tư chưa xác định được ranh giới quy hoạch, hành lang, mốc giới,... Do đó khi quyết định xuống tiền các nhà đầu tư cần có sự chuẩn bị, đặc biệt trong thời gian dự án đang chờ được triển khai.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, việc hạ tầng giao thông được xây dựng mới, mở rộng thực sự đem lại giá trị lớn cho các khu vực bất động sản lân cận. Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án này phải mang tính dài hạn.
“Thông tin về sức nóng của giá đất, "sốt đất" cũng chỉ là chiêu thức của các “đội lái” để tạo sóng thị trường. Vì vậy, nhà đầu tư cần thận trọng, tìm hiểu kỹ về thị trường, nắm rõ thị trường cũng như tính toán đế tính thanh khoản của lo đất mình muốn xuống tiền, tránh tình trạng chôn vốn" - Ông Đính đưa ra cảnh báo.
Đặc biệt, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng đưa ra hai yếu tố mà nhà đầu tư cần phải nắm rõ. Đầu tiên là dư địa tăng giá. Thứ hai là tiến độ triển khai hạ tầng.
“Cách đây 1 năm, khi nhiều nhà đầu tư nắm bắt được thông tin về khu vực Vành đai 4 đi qua đã nhanh chóng gom hàng, đẩy giá thị trường lên cao, từ đó thiết lập được mốc giá. Vì vậy dư địa tăng giá của khu vực này vẫn còn, tuy nhiên sẽ không cao" - ông Đính nhận định.
Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, với mức giá như hiện nay, các khu vực bất động sản ven tuyến Vành đai 4 đã rất cao, gần tiệm cận so với giá bất động sản cao nhất của khu vực thì dư địa tăng giá sẽ không còn nhiều.
“Tuyến đường vành đai 4 là tuyến đường chạy trên cao nên sẽ chỉ có các khu vực lên xuống mới có tiềm năng kinh doanh dịch vụ, nên không phải tất cả khu vực dọc tuyến dừng chạy qua đều có khả năng tăng giá bất động sản” - Ông Đính cũng cảnh báo.
Chung quan điểm, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cũng cho rằng, hạ tầng là luôn đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Do đó khu vực nào hạ tầng giao thông tốt thì kinh tế, đô thị phát triển thì tất yếu bất động sản cũng được hưởng lợi. Lâu nay chúng ta cũng đã thấy, các cơn sốt đất xảy ra tại Hà Nội, TP.HCM hay các địa phương đều cho thấy, giá bất động sản tăng mạnh nhất khi thị trường đón nhận thông tin đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Điệp cũng cảnh báo, đây cũng là thời điểm mà nhiều nhà đầu tư nhảy vào tìm kiếm cơ hội để kiếm hời. Nhưng cơ hội dành phần thắng lại nằm trong tay các nhà đầu tư đủ năng lực về tài chính, có vốn đầu tư dài hạn. Ngược lại, đối với những nhà đầu tư đi trước đón đầu thị trường nhưng tiềm lực tài chính hạn hẹp chỉ dùng “đòn bẩy” ngân hàng thì lại phải vội vàng bán đất, dễ nhận "trái đắng".
Hà Lan