EU cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam
Đây được xem là cánh cửa sáng để nông sản Việt Nam vươn xa trên thị trường.
Sau một quá trình dài gần 10 năm kể từ khi Việt Nam và EU bắt đầu đàm phán, vào ngày 12/2/2020, Nghị viện châu Âu chính thức thông qua Hiệp định tự do thương mại Việt Nam - liên minh châu Âu (EVFTA) dẫn đến việc EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam (chủ yếu là nông sản). Sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý chủ yếu là hàng rau quả (chiếm 49%), còn lại sản phẩm cây công nghiệp - chế biến: Chiếm 15%, thủy sản và chế biến từ thủy sản: 13%, sản phẩm khác: 13%.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng cam kết bảo hộ tới 169 chỉ dẫn địa lý của EU. Các sản phẩm được bảo hộ chứng nhận chỉ dẫn địa lý của EU sản phẩm chủ yếu là rượu và phomat, rất ít các sản phẩm tươi sống.
Theo nhận định của ông Vũ Xuân Trường - Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, EVFTA hứa hẹn mang đến nhiều lợi ích kinh tế cho EU cũng như Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đều liên quan đến nông sản, thực phẩm - đây cũng là cơ hội để các sản phẩm chủ lực của Việt Nam có thể gia nhập thị trường EU và khẳng định thương hiệu tại thị trường này.
Dù có những thuận lợi nhưng cũng nhiều thách thức,TS Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, việc chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nghiêm minh hơn (chế độ thực thi quyền sở hữu trí tuệ hà khắc hơn) có thể khiến doanh nghiệp của Việt Nam phải chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát (ví dụ như kiểm soát tại biên giới), đặc biệt là khi bị rơi vào tranh chấp, kiện tụng.
Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải chú trọng nâng cao nhận thức về lĩnh vực sở hữu trí tuệ cũng như không ngừng đổi mới sáng tạo, cải thiện năng lực công nghệ nội tại và năng lực hấp thụ công nghệ mới, tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm của mình. "Hiệp định EVFTA mang lại nhiều cơ hội tiếp cận thị trường các nước EU, tuy nhiên, để khai thác được thị trường này, các doanh nghiệp cần nắm vững và đáp ứng các quy định về bảo hộ, khai thác, thực thi quyền sở hữu các tài sản trí tuệ và các quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại của EU", Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nói.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo