0915 15 67 76 [email protected]
Thứ năm, 22/09/2022 10:10 (GMT+7)

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được toàn dân toàn xã hội mong đợi

Thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Đất đai, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ đây là nội dung được người dân, xã hội mong đợi.

Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022
Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022

Tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022, sáng 22/9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ lập pháp quan trọng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV

Phát biểu điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sau gần 08 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013 đã tạo ra hành lang pháp lý cho việc khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả đất đai đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Tuy nhiên, Luật cũng bộ lộ nhiều bất cập, hạn chế, ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai, hiệu quả sử dụng đất, tài chính đất đai.

Vi phạm về đất đai còn diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc nghiêm trọng, phải xử lý hình sự, chưa đảm bảo hài hòa quyền lợi của người dân bị thu hồi đất, nguồn lực đất đai chưa được khai thác, phát huy đầy đủ. Vì vậy, Chính phủ đã tổng kết, đánh giá việc thực hiện và đề nghị sửa đổi Luật với 11 nhóm chính sách lớn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu

Đây là dự án Luật khá phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế- xã hội, là nhiệm vụ lập pháp quan trọng của nhiệm kỳ, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về các vấn đề trong dự án Luật như: sự cần thiết sửa đổi Luật Đất đai; tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

Các quy định về áp dụng pháp luật; người sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp đất chưa được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: thu hồi đất, trưng dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất…

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được toàn dân toàn xã hội mong đợi

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ, dự án luật của Chính phủ, nhất là Bộ Tài nguyên và Môi trường – với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo; đồng thời đánh giá cao báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tương đối kỹ lưỡng. Thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Đất đai, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu rõ đây là nội dung được người dân, xã hội mong đợi.

Góp ý về các nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị cần rà soát các luật liên quan đến Luật Đất đai và xử lý như thế nào trong trường hợp có sự khác nhau giữa Luật Đất đai với luật khác, xác định thứ tự ưu tiên, nguyên tắc áp dụng pháp luật như thế nào để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu

Cho biết, dự thảo Luật có đến 80/240 điều có quy định giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị xem xét luật hóa tối đa các quy định và giảm bớt các điều giao Chính phủ hướng dẫn để đảm bảo tính cụ thể, tính minh bạch của luật.

Nêu rõ thu hồi đất là một chế định quan trọng trong Luật Đất đai, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng cần phải quy định chặt chẽ nội dung này, thể chế hóa nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Nghị quyết 18-NQ/TW để đảm bảo tính minh bạch.

Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để quy định chặt chẽ hơn về nội dung này.

Trong đó lưu ý nghiên cứu bổ sung quy định về nguyên tắc, điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể, tiêu chí cụ thể đến Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 18-NQ/TW; rà soát kỹ lưỡng các trường hợp thu hồi đất để đảm bảo tính chính xác và phù hợp tránh việc lạm dụng trong thực tiễn.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc để khuyến khích các cơ chế hòa giải trong giải quyết tranh chấp đất đai khác ngoài 2 hình thức quy định như dự thảo Luật; rà soát quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân trong việc cung cấp tài liệu liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất.

Minh Kiệt 

Bạn đang đọc bài viết Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được toàn dân toàn xã hội mong đợi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

5 nhóm vấn đề mới của Luật Đất đai (sửa đổi)
Tại họp báo công bố kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, Ủy viên Thường trực Phan Đức Hiếu cho biết, Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 đã có nhiều điểm mới, tập trung vào 5 nhóm vấn đề.

Tin mới