0915 15 67 76 [email protected]
Thứ hai, 15/11/2021 13:37 (GMT+7)

Doanh nghiệp kiến nghị đòi bỏ quy định bổ sung muối i-ốt, sắt, kẽm vào thực phẩm

Mối lo cũ của doanh nghiệp chế biến thực phẩm về vi chất quay trở lại trong lúc COVID-19 vẫn còn gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu

Kiến nghị Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi, thay thế Nghị định 09/2016 về quy định tăng cường vi chất trong chế biến thực phẩm là nội dung được cộng đồng doanh nghiệp (DN) ngành chế biến thực phẩm thống nhất tại Hội thảo “Thực trạng và đánh giá kết quả tác động trong 5 năm thực hiện quy định bổ sung vi chất dinh dưỡng vào chế biến thực phẩm” được tổ chức ngày 12/11 tại TP.HCM.

tm-img-alt
Việt Nam vẫn phải nhập khẩu bột mì từ các nước. Tuy nhiên, các nước lại không bị bắt buộc bổ sung vi chất kẽm, sắt vào trong bột mì như quy định của Bộ Y tế - Ảnh: TL

Cụ thể, 5 hiệp hội ngành nghề, gồm: Lương thực - thực phẩm TP.HCM (FFA), Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Thực phẩm Minh Bạch (AFT), Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và Nước mắm Phú Quốc cùng đánh giá thực trạng, kết quả tác động sau 5 năm thực hiện quy định bổ sung vi chất dinh dưỡng vào trong chế biến thực phẩm theo nghị định 09/2016/NĐ-CP, ban hành tháng 1/2016 (nghị định 09) với nhiều bất cập như cách đây năm năm.

Chủ tịch FFA Lý Kim Chi chi hay, nghị định 09 quy định "muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt" (áp dụng từ ngày 15/3/2017) và "bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm" (áp dụng từ ngày 15/3/2018).

Mặc dù vậy, nhưng thực tế các quy định này đã và đang gây ra rất nhiều khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tăng chi phí và giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, thiếu hiệu quả và không phù hợp với quốc tế.

Khi thêm muối i-ốt, các sản phẩm thủy sản, rau củ quả sấy khô, thịt gia cầm sấy, các sản phẩm từ ngũ cốc sấy; các loại bột gia vị, bột chế biến sẵn để làm các loại bánh ngọt và dùng trong chế biến các loại thực phẩm; các sản phẩm ăn ngay, ăn liền... dễ dàng có phản ứng, do tính chất oxy hóa mạnh, làm các sản phẩm bị biến mùi, vị, màu sắc, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sản phẩm.

Riêng sản xuất nước mắm truyền thống, nguyên liệu chính vốn đã là cá biển, đã rất "giàu" i-ốt, quy định bổ sung i-ốt chỉ gây thêm tốn kém và làm biến đổi màu, vị tự nhiên của nước mắm.

Chưa kể, một số thị trường xuất khẩu chính không chấp nhận thực phẩm có bổ sung i-ốt, khiến doanh nghiệp phải có chứng nhận không sử dụng muối i-ốt mới xuất đi được, điển hình như Nhật Bản, khiến doanh nghiệp rất tốn kém khi phải điều chỉnh quy trình sản xuất phù hợp để đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nghị định 09 được tiếp tục kiến nghị sửa đổi, bổ sung 

 Tương tự, ảnh hưởng tiêu cực cũng tác động khi thực hiện quy định "bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm". Các doanh nghiệp cho biết gặp rất nhiều khó khăn từ khâu nhập nguyên liệu, do Việt Nam phải nhập khẩu số lượng lớn bột mì từ các quốc gia khác.

Trong khi các nước xuất khẩu bột mì lại không có quy định bổ sung sắt, kẽm vào bột, nên dù các doanh nghiệp nhập khẩu có đề nghị bổ sung thêm hai vi chất nói trên, nhà cung cấp cũng không chấp thuận do e ngại đến chất lượng sản phẩm.

tm-img-alt
Nhiều doanh nghiệp chế biến nước mắm khẳng định, việc bổ sung thêm I-ốt vào muối dùng trong quá trình ủ chượp nước mắm truyền thống Phú Quốc sẽ làm thay đổi chất lượng nước mắm về màu và mùi.

Các hiệp hội ngành hàng đồng kiến nghị Chính phủ "cần quyết liệt hơn nữa trong việc chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi, thay thế nghị định 09 theo đúng tinh thần nghị quyết 19-2018 Chính phủ đã ban hành". 

Điều này cũng là để Chính phủ hợp nhất và giải quyết dứt điểm tình trạng cùng một lúc tồn tại hai quy định trái chiều, mà cụ thể ở đây là nghị định 09 và nghị quyết 19-2018, đang từng ngày tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu của doanh nghiệp ngành chế biến thực phẩm.

Bộ Y tế chỉ nên bắt buộc muối dùng trong nấu ăn hằng ngày và các gia vị dạng rắn như hạt nêm, viên xúp gia vị… phải bổ sung i-ốt, cũng như chỉ khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm bổ sung thêm vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm thay vì phải yêu cầu bắt buộc, theo đúng tinh thần nghị quyết 19-2018, các hiệp hội cho hay.

Ngày 27/10/2017, Bộ Y tế đã ban hành công văn 6134/BYT-PC về việc thực hiện ý kiến kết luận của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chỉ kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất muối i-ốt, không kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm có sử dụng muối i-ốt.

Tuy nhiên, về cơ bản, công văn 6134 chỉ tháo gỡ cho doanh nghiệp ngành thực phẩm ở khâu kiểm tra, chưa giải quyết được triệt để các khó khăn, bất cập mà doanh nghiệp trong ngành gặp phải trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngày 15/5/2018, Chính phủ ban hành tiếp nghị quyết số 19-2018/NQ-CP, chỉ đạo Bộ Y tế "Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung nghị định số 09/2016/NĐ-CP về tăng cường vi chất dinh dưỡng trong thực phẩm theo hướng: (i) bãi bỏ quy định "muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt" tại điểm a khoản 1 điều 6; (ii) bãi bỏ quy định "Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm" tại điểm b khoản 1 điều 6. Thay vào đó, chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng".

Nhưng thực tế hơn ba năm qua, theo các hiệp hội ngành hàng, Bộ Y tế vẫn không trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, thay thế nghị định 09 nói trên.

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp kiến nghị đòi bỏ quy định bổ sung muối i-ốt, sắt, kẽm vào thực phẩm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giá xăng dầu quay đầu giảm 320 đồng/lít
Theo quyết định của liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 15h ngày 25/4, giá xăng E5 giảm 310 đồng/lít, giá bán là 23.910 đồng/lít. Giá xăng RON 95 giảm 320 đồng/lít, giá bán là 24.910 đồng/lít.
HoSE lên tiếng sau sự cố nghẽn lệnh
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho biết, hiện đang phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận hành hệ thống để kiểm tra, xác định nguyên nhân.

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023