0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Chủ nhật, 12/06/2022 07:50 (GMT+7)

Doanh nghiệp bình ổn chịu sức ép thị trường

Hiện nay, sức mua trên thị trường chỉ mới từng bước phục hồi, nhưng giá đầu vào nguyên liệu sản xuất lại tăng cao, nên cộng đồng doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ "tiến thoái lưỡng nan".

Đặc biệt, một số doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường TP HCM cũng đang phải vượt qua thách thức không nhỏ để giữ giá thành sản phẩm, bởi trong điều kiện sức mua yếu mà tăng giá bán thì có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp bình ổn chịu sức ép thị trường (ảnh minh họa)
Doanh nghiệp bình ổn chịu sức ép thị trường (ảnh minh họa)

Theo cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn TP HCM, bám sát diễn biến thị trường không khó để nhận biết giá thành nhiều mặt hàng đến tay người tiêu dùng đang bị giá xăng dầu kéo tăng theo.

Bởi xăng dầu là chủng loại hàng hóa đặc biệt, vừa ảnh hưởng trực tiếp đến bình xăng hàng ngày của người dân, vừa có vai trò thiết yếu trong chuỗi cung ứng từ sản xuất đến giá thành sản phẩm, cũng như khâu vận chuyển và logistics.

Ghi nhận ở ngành hàng lương thực, thực phẩm, những chi phí nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất như thức ăn chăn nuôi, bao bì, chi phí nhân công, vận chuyển... lần lượt được nhà cung cấp, đối tác thông báo điều chỉnh giá tăng. Cụ thể, giá thức ăn chăn nuôi ở lĩnh vực gia súc, gia cầm đã tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước bối cảnh này, doanh nghiệp tham Chương trình bình ổn thị trường TP HCM như Công ty cổ phần Ba Huân, Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt... đã đề xuất với Sở Tài Chính và Sở Công Thương TP HCM được điều chỉnh tăng giá trứng gia cầm.

Bởi hiện tại, giá trứng gia cầm, gồm: trứng gà và trứng vịt tham gia bình ổn thị trường đang thấp nhiều so với những mặt hàng cùng chủng loại trên thị trường, trong khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất tăng cao.

Đối với nhóm mặt hàng trứng gia cầm tham gia Chương trình bình ổn thị trường TP HCM vẫn đang có giá ổn định với mức với 29.500 đồng/chục trứng gà và 35.000 đồng/chục trứng vịt. Nhóm mặt hàng này chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường nên giá trứng gia cầm ngoài chương trình khó tăng cao, nhưng có sự chênh lệch đáng kể.

Cụ thể, doanh nghiệp đã đề xuất điều chỉnh giá nhóm mặt hàng trứng gia cầm tham gia Chương trình bình ổn thị trường TP HCM với mức tăng thêm 2.000 đồng/chục quả; trong đó trứng gà có giá lên 31.500 đồng/chục quả và trứng vịt là 37.000 đồng/chục quả.

Đồng thời, lý giải tại sao đề xuất mức tăng giá nhóm mặt hàng này, doanh nghiệp cho biết, giá bán phổ biến trên thị trường của mặt hàng trứng gà đang dao động ở mức 34.000-35.000 đồng/chục quả, trứng vịt 38.000-40.000 đồng/chục quả và chênh lệch với giá hàng bình ổn thị trường.

Doanh nghiệp bình ổn chịu sức ép thị trường

Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho biết, khi giá trứng gia cầm trên thị trường điều chỉnh tăng theo cơ chế thị trường do chi phí nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất tăng, mà giá trứng gia cầm tham gia bình ổn thị trường không được điều chỉnh kịp thời sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, khi giá trứng gia cầm trên thị trường tăng thì người tiêu dùng sẽ ưu tiên mua sắm những mặt hàng cùng chủng loại nhưng giá cạnh tranh, nên doanh nghiệp bình ổn thị trường ngày càng chịu thêm sức ép và có thể dẫn đến nguy cơ "lỗ vốn".

Ở góc độ hiệp hội ngành hàng, bà Lý Kim Chi, Hội Lương thực - Thực phẩm TP HCM chỉ ra rằng, tuy sức mua nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm đang thấp, nhưng giá thành sản phẩm tăng giá là xu hướng tất yếu theo cơ chế thị trường khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất tăng.

Ngoài những nhóm mặt hàng có nguồn nguyên vật liệu sản xuất từ nguồn cung nội địa chịu áp lực gồng gánh giá thành sản phẩm, thì nhóm mặt hàng có nguồn nguyên vật liệu sản xuất phải nhập khẩu còn gặp nhiều thách thức hơn trong việc giải bài toán về năng lực cạnh tranh giá để giữ chân người tiêu dùng.

Trên thực tế, nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tại thị trường TP HCM vẫn đảm bảo ổn định và chưa có hiện tượng khan hàng. Tính đến thời điểm hiện tại, các nhóm mặt hàng tham gia Chương trình bình ổn thị trường TP HCM, kể cả mặt hàng trứng gia cầm vẫn chưa được điều chỉnh tăng giá.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương, TP HCM, ngành công thương và ngành tài chính thành phố luôn phối hợp chặt chẽ trong giải pháp điều chỉnh giá hàng hóa tham gia Chương trình bình ổn thị trường TP HCM, đảm bảo quyền lợi chính đáng của đơn vị sản xuất, người chăn nuôi và người tiêu dùng.

Cơ quan quản lý liên ngành đã và đang theo dõi diễn biến giá cả thị trường, nhất là chi phí nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất, tuy nhiên Chương trình bình ổn thị trường TP HCM đòi hỏi các bên gồm: cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng chia sẻ khó khăn trên cơ sở mức giá điều chỉnh phù hợp với cơ chế thị trường.

Còn báo cáo của Sở Tài chính TP HCM về tình hình giá cả thị trường trong tháng 5/2022 cho thấy, giá bán lẻ các mặt hàng trứng xô trên thị trường tăng từ 1,55-6,17% so tháng trước do thức ăn chăn nuôi và chi phí vận chuyển tăng. Trong đó, Giá trứng gà loại 1 phổ biến ở mức 32.000 - 34.000 đồng/chục quả, trứng vịt loại 1 từ 36.000-38.000 đồng/chục quả.

Qua thống kê và so sánh giá bình quân tại mạng lưới chợ bán lẻ trên địa bàn TP HCM, chuỗi cửa hàng, kênh siêu thị..., giá thành hàng hóa của doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường Tp. Hồ Chí Minh luôn đảm bảo quy định đã đăng ký là thấp hơn giá thị trường ít nhất từ 5-10%.

Điển hình, giá gạo thấp hơn giá thị trường 11%, đường ăn 12,5%, dầu ăn 10,4%, thịt gia cầm 12-25%, thịt lợn 13-29%, trứng gia cầm 11%...

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp bình ổn chịu sức ép thị trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới