Điều hành giá xăng dầu phải góp phần kiểm soát CPI
Trong điều hành giá xăng dầu, cơ quan điều hành luôn phải đảm bảo mục tiêu làm sao đáp ứng được nguồn cung xăng dầu, đồng thời đảm bảo giá xăng dầu phải góp phần kiểm soát CPI.
Sáng nay (14/2), Hội thảo “Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95/CP và 83/CP về kinh doanh xăng dầu” VCCI và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức. Đây là nghị định quan trọng tác động đến hàng chục ngàn doanh nghiệp trong chuỗi kinh doanh xăng dầu, nên rất được mong chờ.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI), xăng dầu là mặt hàng quan trọng đặc biệt của quốc gia. Điều hành giá xăng dầu là khó khăn. Giá cao có lợi cho doanh nghiệp nhưng lại ảnh hưởng tới người tiêu dùng, doanh nghiệp và nền kinh tế. Ngược lại nếu giá sát với chi phí, thấp hơn thì sẽ gây ảnh hưởng và thiếu hụt cho hoạt động kinh doanh.
Nhấn mạnh quan điểm nhất quán trong sửa đổi dự thảo phải đảm bảo quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng và minh bạch, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng việc áp dụng mệnh lệnh hành chính chỉ là giải pháp tình thế.
Đơn cử như, vừa qua cơ quan quản lý nhà nước xử lý nghiêm trước tình trạng cây xăng đóng cửa chỉ là giải pháp tình thế. Nếu như không giải quyết bài toán chi phí, thuế, tiến tới thị trường thì mới hiệu quả, trong khi thực tế doanh nghiệp đang kinh doanh lỗ.
“Thể chế cần phải tạo động lực cho doanh nghiệp muốn bán hàng, muốn cạnh tranh lành mạnh. Do đó, việc xây dựng nghị định cần đáp ứng nhu cầu và mong muốn của doanh nghiệp”, ông Đậu Anh Tuấn phân tích.
Đại diện VCCI nhấn mạnh, mệnh lệnh hành chính chỉ là giải pháp tình thế chứ không thể bền vững bằng mệnh lệnh thị trường. Nên ở góc độ nào đó, cần phải trao thị trường xăng dầu về cho thị trường để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh bền vững. Đây cũng là một yêu cầu quan trọng trong sửa đổi Nghị định 95 và 83 lần này, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp muốn bán hàng, muốn cạnh tranh, muốn đầu tư, muốn phục vụ.
Trong bối cảnh năm 2022 diễn biến thị trường khác biệt, biến động chính trị tác động đến thị trường năng lượng, gồm cả giá cả và nguồn cung, gây đứt gãy cục bộ, ảnh hưởng cung cầu, giá cả với tần suất lớn… đặt ra thách thức trong kinh doanh bài toán quản trị cực khó, cũng như ứng xử, quản trị chính sách đảm bảo tính điều hành linh hoạt.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định, xăng dầu là mặt hàng quan trọng, nhạy cảm, ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh, là đầu vào quan trọng của nền kinh tế, đầu vào cho mục tiêu kiểm soát CPI. Đây cũng là lý do mặt hàng xăng dầu luôn nhận được quan tâm của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Trong điều hành giá xăng dầu, cơ quan điều hành luôn phải đảm bảo mục tiêu làm sao đáp ứng được nguồn cung xăng dầu, đồng thời đảm bảo giá xăng dầu phải góp phần kiểm soát CPI. Câu chuyện quản lý luôn đặt ra bài toán cạnh tranh và thị trường.
Ông Đông cũng nhìn nhận đây là cơ hội để tư duy, nhìn nhận lại cách thức điều hành mặt hàng xăng dầu, công cụ quản lý của Nhà nước, quan hệ cung cầu, cạnh tranh, Nhà nước nên can thiệp đến đâu hay để thị trường tự quyết định. Mục tiêu là để thị trường đạt được mục tiêu cao nhất là đảm bảo cung cầu xăng dầu, kiểm soát CPI, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy cạnh tranh và cộng đồng doanh nghiệp phát triển.
2 phương án về điều chỉnh thời gian công bố giá
Theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, kỳ điều hành giá xăng dầu sẽ vào các ngày 01, 11, 21 hàng tháng tức là 10 ngày điều hành/lần, trường hợp giá xăng dầu có diễn biến bất thường ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội và người dân, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng quyết định thời điểm điều hành giá cho phù hợp. Như vậy, quy định hiện hành đã cho phép linh hoạt về kỳ điều hành giá xăng dầu.
Trước diễn biến tăng liên tục của giá xăng dầu thế giới tại một số thời điểm, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều hành sớm giá xăng dầu để giá xăng dầu trong nước bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu cung ứng xăng dầu cho thị trường.
Tuy nhiên, sau khi tham khảo ý kiến của một số Bộ, ngành, và đánh giá việc điều hành sớm trong một số giai đoạn (trước và sau Tết Nguyên đán, dịp nghỉ lễ 2/9…) sẽ ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý người dân, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho sản xuất, kinh doanh và tác động lớn đến CPI cả nước… nên Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương thực hiện điều hành giá xăng dầu theo đúng thời gian quy định tại Nghị định số 95/2022/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, qua đánh giá các đề xuất của doanh nghiệp về việc điều chỉnh thời gian của chu kỳ điều hành giá cho thấy, chỉ khi giá tăng, các doanh nghiệp mới nêu mạnh vấn đề rút ngắn thời gian điều hành giá nhưng khi giá giảm, các doanh nghiệp lại có xu hướng đề xuất kéo dài thời gian điều hành giá (có một số ý kiến của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đề nghị thời gian điều hành giá nên quay lại quy định như trước đây là 15 ngày).
Quan điểm của Liên Bộ Công Thương – Tài chính, chu kỳ điều hành giá 10 ngày hiện vẫn cơ bản phù hợp và không phải là nguyên nhân của việc thiếu hụt nguồn cung xăng dầu thời gian vừa qua. Tuy nhiên, trên cơ sở ý kiến của một số đơn vị và chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, Thường trực Tổ biên tập đề xuất 2 phương án quy định về điều hành giá xăng dầu.
Cụ thể, phương án 1, giữ nguyên quy định hiện hành về thời gian điều hành/công bố giá xăng dầu (thời gian điều hành là vào các ngày 1, 11, 21 hàng tháng), đồng thời khi cần thiết trong những giai đoạn thị trường có biến động lớn. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Liên Bộ Công Thương – Tài chính về thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp với diễn biến thị trường từng giai đoạn (nội dung này thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ theo quy định hiện hành).
Phương án 2, sửa đổi theo hướng rút ngắn thời gian điều hành/công bố giá xăng dầu xuống mức 7 ngày, quy định vào 1 ngày cụ thể là Thứ Năm hàng tuần. Trong giai đoạn giữa 2 kỳ điều hành, nếu giá cơ sở có biến động tăng trên 5%, Liên Bộ Công Thương – Tài chính sẽ thực hiện điều hành giá.
Lan Anh