0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ tư, 05/10/2022 11:30 (GMT+7)

Điều hành giá xăng dầu góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định nền kinh tế

Việc điều chỉnh giá xăng dầu cùng với các biện pháp quản lý, điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu sẽ góp phần hiệu quả, tích cực trong ổn định mặt bằng giá cả, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Giá xăng dầu giảm hỗ trợ sản xuất và tiêu dùng

Từ 15h ngày 3/10, Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương qquyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày/lần. Theo đó, giá xăng E5 RON 92 được điều chỉnh giảm thêm 1.050 đồng/lít, trong khi giá xăng RON 95 giảm 1.140 đồng/lít. Sau khi giảm, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 20.730 đồng/lít và xăng RON 95 là 21.440 đồng/lít.

Sau điều chỉnh từ 15h hôm nay, mỗi lít xăng RON 95-III giảm về 21.440 đồng và E5 RON 92 là 20.730 đồng. Giá xăng trong nước có kỳ giảm lần thứ 9 trong 2,5 tháng qua, về ngang ngưỡng giá giữa năm 2021.

Giá các mặt hàng dầu cũng đồng loạt giảm. Tương tự, giá dầu kỳ điều hành này được điều chỉnh giảm nhẹ. Cụ thể, dầu diesel giảm 330 đồng/lít còn 22.200 đồng/lít.

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), so với mức đỉnh được thiết lập vào hồi tháng 3, giá dầu trên thế giới hiện vẫn đang ở mức thấp hơn khoảng 35%. Đây là điều chỉnh phù hợp với xu hướng giá dầu thế giới khi mà thị trường năng lượng nhìn chung vẫn chịu nhiều áp lực từ các tin tức vĩ mô. Bên cạnh đó, giá xăng dầu giảm cũng là tín hiệu rất tích cực đối với người tiêu dùng trong nước.

Điều hành giá xăng dầu góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định nền kinh tế - Ảnh 1
Việc áp dụng linh hoạt nhiều công cụ như giảm thuế, sử dụng quỹ bình ổn, chính sách an sinh... là những giải pháp để giúp nền kinh tế Việt Nam ổn định và phát triển.

Tính từ đầu năm đến nay, mặt hàng này đã trải qua 26 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 12 lần giảm, một lần giữ nguyên. Hiện, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 đang ở mức thấp nhất trong 1 năm trở lại đây, tương đương với thời điểm vào tháng 9/2021.

Việc giá xăng dầu liên tiếp giảm là tin vui với người dân trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang trên đà phục hồi tích cực, giúp cho giá nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất, kinh doanh và dịch vụ giảm theo và kích cầu tiêu dùng. Điều đó sẽ góp phần hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế bứt tốc trong giai đoạn quý IV nhằm hướng đến mục tiêu tăng trưởng cả năm.

Theo chuyên gia kinh tế, việc áp dụng linh hoạt nhiều công cụ như giảm thuế, sử dụng quỹ bình ổn, chính sách an sinh... là những giải pháp để giúp nền kinh tế Việt Nam ổn định và phát triển.

Nhấn mạnh về công tác điều hành giá xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải lý giải về 3 nhóm lợi ích chính gồm: Doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào sản xuất; người tiêu dùng; doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và tổng thể kinh tế vĩ mô như: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Thực tế, giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh giảm liên tục tháng 7/2022 do Chính phủ giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu và theo biến động giảm của giá nhiên liệu thế giới. Từ ngày 21/6/2022, giá xăng A95 III ở mức 32.870 đồng/lít, dầu diezel ở mức 30.010 đồng/lít giảm xuống với các mức giá tương ứng là 24.660 đồng/lít và 23.750 đồng/lít. Giá xăng dầu giảm là yếu tố chủ yếu kiềm chế tốc độ tăng của CPI tháng 7 và tháng 8/2022. Bên cạnh đó, đối với những hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước định giá như dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, giá điện sinh hoạt chiếm tỷ trọng 12,87% trong tổng chi tiêu dùng của dân cư đã được Chính phủ điều hành giữ ổn định trong năm 2022.

Đảm bảo ổn định nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống

Xăng dầu là một trong những yếu tố đầu vào quan trọng của nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Giá xăng dầu ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm, giá cả hàng hóa, dịch vụ, tác động mạnh đến chỉ số lạm phát. Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương vừa có văn bản yêu cầu Vụ Thị trường trong nước bảo đảm ổn định thị trường, giá cả, nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.

Thực hiện Nghị quyết 121/NQ-CP và Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương yêu cầu Vụ Thị trường trong nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, cơ quan liên quan, bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, chủ động điều hành giá xăng dầu theo đúng thẩm quyền, quy định của pháp luật, bảo đảm ổn định thị trường, giá cả, nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống; sử dụng linh hoạt, hiệu quả Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Vụ Thị trường trong nước cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, tình hình thị trường các mặt hàng thiết yếu, nhất là mặt hàng xăng, dầu; có giải pháp không để đứt gãy nguồn cung, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước, nhất là thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng giao Cục Phòng vệ thương mại chủ trì, phối hợp với các Bộ: NN&PTNT, Ngoại giao chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp có các giải pháp cụ thể, đồng bộ để ngăn chặn gian lận thương mại, tránh việc áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng ván ép gỗ cứng từ Việt Nam, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, Cục Công nghiệp, Vụ Dầu khí và Than cần bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, giảm phát thải; Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án về nguồn điện, lưới điện theo quy định của pháp luật; tính toán chặt chẽ cân đối cung cầu điện năng tiêu thụ để chủ động phương án sản xuất, nhập khẩu điện phù hợp; chủ động các nguồn điện thay thế trong trường hợp thiếu nước cho thủy điện.

Các đơn vị thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, thực hiện quản lý nhà nước để sớm đưa vào vận hành các dự án trọng điểm trong lĩnh vực dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo.

Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Đình Chiến - Phó Trưởng khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) nhận định, xăng dầu là yếu tố đầu vào của nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc mức giá xăng dầu vẫn neo ở mức cao sẽ kéo theo giá cả của lương thực, thực phẩm, các hàng hóa, dịch vụ khác cũng ở mức cao, khó giảm thấp, gây trở ngại lớn cho mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Do đó, với mục tiêu cốt yếu là giảm sâu hơn nữa giá xăng dầu trong nước nhằm ổn định kinh tế, kiềm chế lạm phát trong thời gian tới, việc giảm các khoản thuế đối với mặt hàng này là cần thiết qua đó giúp giá cả ổn định, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, kích thích tiêu dùng.

“Việc giảm mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu sẽ làm giảm thu ngân sách từ khoản thuế này, nhưng sẽ có tác dụng hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo nguồn thu lớn hơn từ các khoản thuế khác” - TS Nguyễn Đình Chiến cho hay.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Điều hành giá xăng dầu góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định nền kinh tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới