Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát
Những tháng cuối năm 2022, năm 2023, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng quyết tâm của Chính phủ là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát.
Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ, quyết liệt và làm tốt chương trình phục hồi kinh tế, điều hành linh hoạt, hiệu quả, bài bản khoa học, bình tĩnh, linh hoạt các chính sách.
Chủ trì Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn chiều 12/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chúng ta không bó tay, không ngồi chờ, không khuất phục trước khó khăn mà phải tìm sự ổn định trong sự bất định; tìm sự chủ động trong thế bị động. Đây là cuộc làm việc thứ hai trong vòng hơn 1 tháng của Thủ tướng với các chuyên gia kinh tế, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài và tổ chức quốc tế.
Các đại biểu đánh giá cao thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát dịch bệnh. Chính phủ Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ, quyết liệt và làm tốt chương trình phục hồi kinh tế, điều hành linh hoạt, hiệu quả, bài bản khoa học, bình tĩnh, linh hoạt các chính sách, ứng phó kịp thời với các thách thức và đạt nhiều kết quả ấn tượng như: Tăng trưởng cao, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, giữ vững ổn định đồng tiền Việt Nam, mở ra nhiều triển vọng tốt đẹp cho môi trường đầu tư, kinh doanh, trong khi thế giới rất khó khăn.
Theo trưởng đại diện Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), Việt Nam là quốc gia duy nhất ở châu Á được IMF nâng mức dự báo về tăng trưởng. Các chuyên gia cũng đưa ra nhiều khuyến nghị chính sách như tránh việc tăng trần tín dụng để góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định tỷ giá, lãi suất.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo là tuyệt đối không được chủ quan, nắm chắc tình hình, nâng cao khả năng phân tích, dự báo, điều hành bình tĩnh, kỷ cương, hợp lý, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, nhất quán để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn và an sinh xã hội, không khuất phục trước khó khăn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu: "Chúng ta đi tìm sự ổn định trong sự bất định; đi tìm sự chủ động trong thế bị động; đi tìm ổn định và nhất quán trong chuyển đổi và xáo trộn; thiết lập công cụ quản lý rủi ro trong suy thoái và khủng hoảng là thuộc tính không thể thiếu trong trong kinh tế thị trường; thiết lập phòng tuyến hợp tác và cạnh tranh kinh tế quốc tế trong điều kiện hội nhập".
Thủ tướng chỉ rõ cần phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các công cụ chính sách khác như điều hành hợp lý lãi suất, tỷ giá, tín dụng; kiểm soát, phát triển thị trường chứng khoán, trái phiếu để huy động vốn trung và dài hạn; quản lý, kiểm tra, giám sát thị trường, giá cả; phát triển thị trường nội địa; đa dạng hóa các thị trường quốc tế; thúc đẩy thương mại, xuất khẩu.
Hoàn thiện thể chế, khơi thông, huy động hiệu quả các nguồn lực; cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, cải cách hành chính, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, hợp tác công tư, chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chú trọng công tác truyền thông, kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ luôn trân trọng, cầu thị, lắng nghe các ý kiến xác đáng để chủ động phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả.
Phục hồi nhanh sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí, chiếm lĩnh thị trường; bảo đảm nhu cầu huy động vốn, lao động… tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng nhất là trong các ngành, lĩnh vực chiếm tỉ trọng lớn của nền kinh tế.
Giải ngân vốn đầu tư ngân sách Nhà nước hằng năm đạt 95%-100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó vốn ngân sách địa phương đạt 100%; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng quốc gia, trọng điểm, cụ thể hóa đột phá chiến lược về cơ sở hạ tầng.
Huyền Diệu