Điều chỉnh giá xăng dầu tăng chiều 11/10: Vì sao tăng?
Liên Bộ Tài chính - Công Thương vừa yêu cầu doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, bắt đầu từ 15h hôm nay (11/10) với mức tăng các mặt hàng lên gần 1000 đồng/lít.
Giá xăng vẫn còn khả năng tăng
Hiện nay, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang đẩy giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng liên tiếp. Theo dữ liệu của Bộ Công Thương, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore tính đến ngày 4-10 biến động mạnh so với chu kỳ nửa tháng trước (ngày 25-9).
Cụ thể, giá xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 trung bình là 86,61 USD/thùng, chu kỳ trước là 81,56 USD/thùng. Còn giá xăng RON 95 là 88,21 USD/thùng, kỳ trước là 83,43 USD/thùng.
Cùng với đó, giá dầu thô ngọt WTI ghi nhận ngày 9-10 tiếp tục tăng thêm 1,34% lên mức 79,35 USD/thùng, tức tăng thêm khoảng 1,05 USD/thùng so với phiên giao dịch trước. Bên cạnh đó, giá dầu Brent cũng tăng mạnh 0,54% lên mức 82,39 USD/thùng. So với phiên ngày 8-10, giá dầu này đã tăng thêm 0,44 USD/thùng.
Một nhân tố quan trọng đẩy giá dầu leo thang trong tuần này là việc OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh tuyên bố giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng, thay vì tăng sản lượng mạnh hơn như kêu gọi của các nước tiêu thụ dầu lớn gồm Mỹ và Ấn Độ. Các hoạt động kinh tế toàn cầu đang khởi sắc mạnh từ mức đáy của đại dịch Covid-19, kéo theo nhu cầu tiêu thụ dầu tăng nhanh, nhưng sản lượng khai thác dầu không tăng tương ứng, dẫn tới nguồn cung thắt chặt…
Báo QĐND dẫn lời của bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), giá bán xăng dầu được quản lý trên cơ sở bảo đảm lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về những nghiên cứu đề xuất của khối doanh nghiệp trong việc giảm giá điện, giá xăng, Bộ Công Thương, Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương đã có những nghiên cứu, nắm bắt thị trường, đặc biệt là giá xăng dầu trên thị trường thế giới và bám sát các điều hành liên quan giữa Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cùng các doanh nghiệp để đưa ra những nhận định, đánh giá và phối hợp nhịp nhàng để sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Bà Lê Việt Nga nhận định, thời gian tới, thị trường xăng dầu sẽ có nhiều biến động, giá cũng có khả năng tăng. Nguyên nhân là do các nền kinh tế đều đã dần dần khôi phục trở lại, số lượng người trên thế giới được tiêm vaccine nhiều và các nước bắt đầu dần mở cửa, sử dụng thẻ xanh Covid-19 để có thể tái khởi động lại sản xuất kinh doanh, giao lưu đi lại, giao thông vận tải, du lịch…
Do đó, bà Lê Việt Nga cho rằng, việc giảm giá xăng dầu trên thế giới trong thời gian tới là rất khó xảy ra. Đây cũng là một yếu tố khách quan sẽ tác động đến giá xăng dầu trong nước.
Ngoài tác động của giá xăng dầu thế giới, theo bà Lê Việt Nga, việc điều hành giá xăng dầu trong nước bên cạnh việc bảo đảm nguồn cung, còn cần phải căn cứ tình trạng Quỹ bình ổn xăng dầu hiện như thế nào, có thể gạn được quỹ này hay không. Qua đó, phân tích những yếu tố về giá, thuế và làm việc chặt chẽ với Bộ Tài chính về việc giảm thuế, như thuế môi trường đối với xăng E5 sinh học...
Giá xăng dầu tăng tác động ra sao đến kinh tế
Phân tích trên báo Công thương cho thấy, giá dầu thế giới tăng liên tiếp trong thời gian dài. Cụ thể, giá dầu thô Brent tăng 81 cent, tương đương 1%, ở mức 83,20 USD/thùng vào lúc 02h12 GMT, sau khi tăng gần 4% vào tuần trước. Dầu thô của Mỹ tăng 1,15 USD, tương đương 1,5%, lên 80,50 USD/thùng, mức cao nhất kể từ cuối năm 2014. Dầu thô của Mỹ tăng 4,6% cho đến hết ngày 08/10. Giá đã tăng khi nhiều người được tiêm chủng hơn đã quay trở lại làm việc. Giá dầu Brent đã tăng trong năm tuần và dầu thô của Mỹ tăng trong bảy tuần liên tiếp.
Giá than và khí đốt cũng tăng cao khi các nền kinh tế phục hồi, khiến dầu trở nên hấp dẫn hơn để làm nhiên liệu cho sản xuất điện, đẩy thị trường dầu thô tăng cao hơn. Với việc hàng tồn kho ở Mỹ bắt đầu tăng trở lại sau những đợt giảm giá gần đây, giá dầu có thể bắt đầu chững lại. Nhà kinh tế trưởng Caroline Bain tại Capital Economics, cho rằng giá dầu thô sẽ khó tăng cao hơn nhiều trong quý này và vẫn dự báo sẽ giảm dần trong năm tới. Dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng trong kỳ báo cáo thứ hai liên tiếp vào tuần trước khi sản lượng nhiều hơn trở lại sau thời gian đóng cửa kéo dài do bão. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC +) mới tuần trước đã quyết định duy trì mức tăng sản lượng ổn định và dần dần.
Giá xăng và dầu diesel tăng mạnh đang đốt cháy túi tiền của người tiêu dùng. Việc giá nhiên liệu tăng mạnh trong những tháng qua diễn ra khi tình hình đại dịch COVID-19 từng bước được cải thiện trên toàn cầu. Từ mức thấp nhất là 16 USD/ thùng vào ngày 22/4/2020, giá dầu Brent đã tăng đều đặn kể từ đó và hiện đã vượt mốc 80 USD/ thùng.
Giá dầu thô tăng đã góp phần khiến giá xăng và dầu diesel chạm mức cao nhất mọi thời đại điển hình ở Ấn Độ. Tác động của điều này có thể nhìn thấy rõ ràng trên thị trường chứng khoán với lo ngại về lạm phát ngày càng tăng, tác động đến giá trị tiền tệ và chi phí đầu vào đối với các công ty trên tất cả các lĩnh vực. Dầu thô Brent chạm mức thấp nhất là 16 USD / thùng vào ngày 22 tháng 4 năm ngoái. Kể từ đầu năm 2021, giá dầu thô đã tăng gần 58% từ khoảng 51,8 USD / thùng lên khoảng 81 USD vào cuối ngày 06/10. Mức tăng mạnh trong sáu tuần qua, từ 65 USD / thùng vào ngày 20/8. Theo các nhà phân tích, giá nhiên liệu đang gần mức cao nhất trung bình là 86 USD/ thùng. Xung quanh mức này, một số dự kiến sẽ giảm nhiệt mặc dù xu hướng rộng hơn vẫn tăng.
Khi nền kinh tế thế giới phục hồi sau COVID-19, nhu cầu dầu thô toàn cầu đã tăng lên vào năm 2021 được cho là dẫn đến giá cả tăng mạnh. Một lý do khác khiến giá dầu quốc tế tăng mạnh là do Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC +) duy trì các hạn chế về nguồn cung. Do đại dịch, các nền kinh tế sản xuất dầu này tiếp tục tăng sản lượng chậm dẫn đến giá dầu và khí đốt tăng. Hiện tại, tình trạng thiếu khí đốt ở châu Âu và châu Á đã thúc đẩy nhu cầu dầu cho sản xuất điện.