0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ tư, 16/03/2022 16:23 (GMT+7)

ĐBQH: Lo ngại tình trạng 'găm', tăng giá xăng dầu ở tuyến vĩ mô

Các đại biểu đặt ra câu hỏi về hiện tượng "găm hàng" ở tuyến vĩ mô khiến nhiều đại lý không có hàng để bán.

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, các đại biểu đặt ra câu hỏi về hiện tượng "găm hàng" ở tuyến vĩ mô khiến nhiều đại lý không có hàng để bán.

Sáng 16/3, Bộ trưởng bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã đăng đàn trả lời chất vấn những vấn đề liên quan đến tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu; công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua.

Trong phiên chất vấn này, nhiều đại biểu bày tỏ sự quan ngại khi giá xăng dầu trong nước liên tục tăng nhanh, tăng mạnh trong thời gian vừa qua. Điều này gây khó khăn cho đời sống của người dân, việc kinh doanh của các doanh nghiệp, gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, đại biểu còn lo ngại về hiện tượng "găm hàng" ở tuyến vĩ mô khiến nhiều đại lý không có hàng để bán.

Có hay không hiện tượng "găm hàng"

Đại Biểu Nguyễn Đại Thăng đoàn Hưng Yên bày tỏ quan điểm, giá xăng dầu thế giới tăng, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn khó khăn, xẩy ra hiện tượng nhiều đại lý găm hàng tăng giá, treo biển hết xăng, người dân không thể đổ xăng như trong những ngày vừa qua.

Đại biểu Quốc hội: Lo ngại tình trạng "găm", tăng giá xăng dầu ở tuyến vĩ mô - Ảnh 1
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp).

Đồng quan điểm đó, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, không chỉ các đại lý bán lẻ xăng dầu "găm hàng" mà nhiều đại lý không có hàng để bán, do nguồn cung điều hành ở cấp vĩ mô. Phải chăng việc "găm hàng" ở tuyến vĩ mô chứ không phải đại lý, vấn đề này có hay không?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Diên chia sẻ, đến thời điểm này, toàn thị trường có 17.000 cửa hàng bán lẻ, trong đó lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 16.800 cửa hàng.

Qua thanh tra của 16.800 cửa hàng bán lẻ có 211 cửa hàng có hiện tượng đóng cửa. Có nhiều lý do cho việc nhiều cửa hàng dừng bán, có cửa hàng đóng cửa sửa chữa, có cửa hàng đã báo cáo việc dừng bán nhưng cũng có những cây xăng cố tính găm hàng, chờ nâng giá.

Việc cửa hàng đóng cửa, treo biển không có nguồn cung là có thực, dù chỉ là số ít, do họ nhận xăng dầu từ Nghi Sơn nhưng việc giảm công suất khiến nguồn cung bị thiếu hụt. Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, cung ứng 35% xăng dầu cả nước, giảm công suất. Ba tháng qua, nhà máy này chỉ sản xuất được tối đa 80% công suất.

"Chính vì vậy nên chúng tôi đã có phương án để chia sẻ nguồn nhập khẩu. Nếu các doanh nghiệp đầu mối nào không thực hiện đúng quy định sẽ bị xử lý nghiên, đình chỉ thậm chí là rút giấy phép kinh doanh", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Giải pháp nào để bình ổn giá?

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) tranh luận: "Bộ trưởng nói nguồn cung Việt Nam không thiếu, sẽ tăng nhập khẩu. Nhưng như vậy nghĩa là dựa vào bên ngoài, xin Bộ trưởng cho biết vai trò của những nhà máy lọc dầu trong nước như thế nào trong việc bình ổn giá và bảo đảm nguồn cung? Ngoài quỹ bình ổn giá, Bộ trưởng có đề xuất vấn đề gì căn cơ, ổn định hơn để ổn định giá cả xăng dầu nội địa?"

Đại biểu Quốc hội: Lo ngại tình trạng "găm", tăng giá xăng dầu ở tuyến vĩ mô - Ảnh 2
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá, câu hỏi của ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé đặt ra là rất đúng, cũng là ẩn số trong phương trình giải bài toán nguồn cung xăng dầu. Tuy nhiên theo Bộ trưởng, chúng ta từng có thời điểm không có nhà máy lọc dầu nhưng vẫn không thiếu xăng dầu, tương tự các nước bên cạnh cũng vậy. Hiện tại, lọc hóa dầu Bình Sơn do Tập đoàn PVN đầu tư sản xuất hoạt động ổn định nhưng công suất chỉ đủ cung ứng 30-35%.

"Khó khăn nội tại của họ, tôi được biết vấn đề tài chính là chủ yếu. PVN với tư cách tham gia liên danh đã báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Hiện PVN và Ủy ban Quản lý vốn đang phối hợp cơ quan chức năng đấu tranh với 2 liên doanh kia để họ thực hiện đúng cam kết đảm bảo cung ứng đủ nguồn xăng dầu", Bộ trưởng thông tin.

Theo Bộ trưởng, nguồn nguyên liệu đầu vào Nhà máy Nghi Sơn phụ thuộc hoàn toàn nguồn dầu thô của nước ngoài, trong bối cảnh giá cả thế giới hiện nay, nguồn cung khan hiếm, ảnh hưởng giá cả.

"Chúng tôi cam kết, khi nào Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và PVN cam kết đủ sản lượng thì Bộ Công thương mới cho dừng kế hoạch nhập khẩu xăng dầu. Bộ Công thương cũng sẽ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền xử lý triệt để vấn đề này", Bộ trưởng khẳng định.

Về giải pháp căn cơ để bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp cũng như bảo đảm an ninh kinh tế đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Diễn biến xăng dầu thế giới vừa qua cho thấy nếu không có một chiến lược, giải pháp căn cơ thì trong tương lai, mặt hàng này còn gặp nhiều khó khăn.

Theo đó các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cần hoàn thiện đề án chiến lược về dự trữ.

Từ góc độ quản lý Nhà nước về ngành, Bộ trưởng nhận thấy trước hết phải đẩy mạnh năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp vừa khai thác, vừa chế biến xăng dầu.

Chúng ta có Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn do PVN làm chủ đầu tư, là một doanh nghiệp Nhà nước, nhưng công suất chỉ có 6,5 triệu tấn/năm. Do đó, Bộ Công Thương cho rằng cần tiếp tục nâng công suất hoặc ít nhất là duy trì công suất thiết kế để giữ nguồn cung cho xăng dầu trong nước.

Thứ hai, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan, đặc biệt là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tham mưu các cấp có thẩm quyền giải quyết một cách triệt để những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của liên danh Lọc hóa dầu Nghi Sơn để làm sao đơn vị này phải giữ được cam kết ban đầu là cung cấp cho thị trường lượng xăng dầu nội địa từ 35-40% trong kỳ.

Thứ ba, Bộ Công Thương sẽ tham mưu cho Chính phủ nghiên cứu có thể tăng cường hơn nữa Quỹ Bình ổn xăng dầu theo cơ chế trích lập giá xăng dầu bán ra thị trường trong kỳ.

Trong tương lai Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu kinh nghiệm của các nước, sẽ kiên trì tham mưu với cấp có thẩm quyền để vừa nâng quy mô của Quỹ bình ổn, xem xét tạo nguồn quỹ này như thế nào, từ ngân sách hay là việc trích lập trên trên mỗi lít xăng dầu để có thể có được nguồn quỹ bình ổn đúng nghĩa, tuân thủ quy luật thị trường. Muốn giữ được giá thì phải có quỹ bình ổn, còn không có quỹ bình ổn thì phải sử dụng công cụ thuế...

Giải pháp thứ tư, Bộ Công Thương tiếp tục tham mưu các cấp có thẩm quyền để nâng mức dự trữ, dự phòng. Hiện nay lượng dự trữ không lớn, chỉ tính theo ngày. Trong tương lai chắc chắn phải nâng dự phòng lên thì mới ổn định được, thậm chí ít nhất là hàng chục lần so với hiện nay.

Tại kỳ điều chỉnh xăng dầu ngày 11/3, giá xăng E5 RON 92 tăng 2.908 đồng, RON 95 tăng 2.990 đồng, dầu hỏa tăng 3.940 đồng/lít, dầu diesel tăng 3.950 đồng/lít và dầu mazut tăng 2.520 đồng/kg.

Sau khi điều chỉnh giá, giá bán tối đa cho xăng E5 RON 92 là 28.985 đồng/lít, xăng RON 95 là 29.824 đồng/lít, dầu hỏa là 23.910 đồng/lít, dầu diesel là 25.260 đồng/lít và dầu mazut là 20.980 đồng/kg. Đây cũng là đợt tăng giá mạnh nhất của mặt hàng xăng dầu từ trước đến nay.

Mặc dù giá tăng mạnh nhưng mặt hàng xăng dầu của Việt Nam hiện thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Theo dữ liệu thống kê của quốc tế, ở Việt Nam thuộc hàng rẻ so với nhiều nước, vùng lãnh thổ trên thế giới. Ở Đông Nam Á, Malaysia, Indonesia và Campuchia là 3 nước có giá xăng thấp hơn Việt Nam. Các nước như Singapore, Brunei, Thái Lan, Philippines, Lào và Myanmar có giá xăng cao hơn Việt Nam.

Bạn đang đọc bài viết ĐBQH: Lo ngại tình trạng 'găm', tăng giá xăng dầu ở tuyến vĩ mô. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới