Đại biểu Quốc hội chỉ ra điểm bất hợp lý khi giảm thuế BVMT đối với xăng dầu
"Việc dùng công cụ thuế để điều tiết giá cả trong một số trường hợp là cần thiết, tuy nhiên, lựa chọn sắc thuế nào cần tính toán lại", ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai nói.
Mức thuế BVMT 4.000 đồng chưa có cơ sở khoa học
Phát biểu tại phiên chất vấn sáng 16/3, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng, việc xem xét điều chỉnh giảm thuế trong thời điểm hiện nay là cần thiết để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng trước áp lực giá cả, tuy nhiên giảm sắc thuế nào cần tính toán lại.
Đại biểu Mai cho rằng giảm thuế môi trường có ba điểm bất hợp lý. Thứ nhất, sẽ không phù hợp với bản chất thuế bảo vệ môi trường vì đây là thuế đánh vào mặt hàng gây ô nhiễm, mức thuế được xây dựng trên mức độ gây ô nhiễm.
Nếu giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu sẽ dẫn đến một nghịch lý đó là có những đối tượng có thể gây ô nhiễm cao thì thuế suất thấp nhưng những đối tượng gây ô nhiễm thấp có thể phải chịu thuế cao.
Thứ hai, đối với xăng dầu đã mua dự trữ bắt buộc theo quy định đã chịu mức thuế bảo vệ môi trường hiện hành là 4.000 đồng nhưng khi bán ra sau thời điểm giảm thuế chắc chắn sẽ phải chịu lỗ và điều này chưa phù hợp với nguyên tắc điều hành giá cả, là phải đảm bảo lợi ích của các bên. Nếu lựa chọn một sắc thuế khác thì sẽ không phát sinh nghịch lý này.
Thứ ba, xét về kinh nghiệm quốc tế hiện nay đối với các quốc gia sử dụng công cụ thuế để điều tiết bình ổn giá cả thì đều lựa chọn các sắc thuế khác như thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu…
"Việc dùng công cụ thuế để điều tiết giá cả trong một số trường hợp là cần thiết, tuy nhiên, lựa chọn sắc thuế nào, đề nghị Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính đưa ra giải pháp hợp lý", bà Mai nói.
Đồng tình với nhận định công cụ điều hành giá, nhất là giá xăng dầu thì phải dùng đến quỹ bình ổn, sau đó đến thuế, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, chọn sắc thuế nào, ngành công thương cũng rất cân nhắc.
Qua bàn bạc trong liên ngành và báo cáo với Chính phủ, Bộ Công thương thấy rằng tình hình rất căng thẳng khi biến động giá thế giới như thế này mà xử lý tình huống nhanh nhất chỉ có thể là thuế môi trường. Ở đây thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
"Điều thứ hai nữa là thuế môi trường 4.000 đồng/lít, thú thực tôi cũng nghĩ rằng chưa phải có cơ sở thật khoa học để khẳng định rằng là phải là 4.000 đồng chứ không phải là 5.000 mà không phải là 3.000 hay 2.000 đồng. Trong lúc khó khăn chúng ta giải quyết như vậy để cấp bách giảm giá, để cứu được kinh tế, hỗ trợ được người dân. Còn trong tương lai, tôi đồng ý cần phải nghiên cứu cho phù hợp", ông Diên nói.
Ông Diên cũng cho biết, mô hình của chúng ta kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là những mặt hàng này phải có sự quản lý của nhà nước.
"Mọi động thái cấp bách phải vì người dân chứ không phải mang lại gì cho bộ này, bộ kia mà là giải quyết bài toán trước mắt, chứ chờ Quốc hội sửa luật và thông qua thì phải tháng 6 tháng 7, lúc đó đã hết quỹ bình ổn mà giá thế giới tăng hàng ngày hiện tại thì công tác điều hành vô cùng khó khăn", Bộ trưởng Bộ Công thương nói.
Buôn lậu, làm giả xăng dầu phức tạp, nguy cơ xe bốc cháy giữa đường
Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an đã thông tin thêm về tình hình đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan đến kinh doanh, buôn lậu, làm giả xăng dầu trong thời gian vừa qua.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng cấm gia tăng, có xu hướng diễn biến phức tạp. Hoạt động đầu cơ, buôn lậu, kinh doanh trái phép sản xuất, buôn bán hàng giả, nhất là các loại vật tư, trang thiết bị y tế và các mặt hàng thiết yếu phục vụ trong phòng chống dịch xảy ra ở nhiều các địa phương.
Bên cạnh đó là hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng qua biên giới diễn biến phức tạp do giá vàng trong nước và thế giới cũng tăng mạnh và chênh lệch ở mức cao.
Ngoài ra, xuất hiện tình trạng các đối tượng tập trung hoạt động đầu cơ xăng dầu găm hàng chờ lên giá; xuất lậu, nhập lậu, pha chế, làm giả xăng dầu, tuồn ra thị trường để tiêu thụ.
"Buôn lậu ảnh hưởng rất lớn khi trốn được thuế, chênh lệch với hàng chính thức rất nhiều, gây thiệt hại cho sản xuất, nhập khẩu chính thức. Càng chênh lệch càng kích thích các đối tượng buôn lậu. Sản xuất xăng giả làm xảy ra tình trạng ô tô xe máy đang tự nhiên đi trên đường thì bốc cháy", Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Làm rõ thêm về đại án buôn lậu xăng dầu ở Đồng Nai, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, cơ quan chức năng đã kết thúc điều tra giai đoạn 1 để chuẩn bị đưa ra xét xử và tiếp tục mở rộng giai đoạn 2.