Dầu mỏ và khí tự nhiên: 'Át chủ bài' giúp Nga chống đỡ lệnh trừng phạt từ phương Tây
Việc trừng phạt ngành dầu mỏ và khí đốt của Nga có thể đẩy giá các mặt hàng này tăng phi mã và gây ra hiệu ứng ngược lại với phương Tây.
Các nước phương Tây tiếp tục cân nhắc và đưa ra biện pháp trừng phạt Moskva vì căng thẳng Ukraine, nhưng họ vẫn còn dè dặt với các công ty dầu mỏ của Nga.
Các quốc gia thực hiện lệnh trừng phạt vẫn tiếp tục nhập khẩu một phần lớn năng lượng từ Nga mỗi ngày. Điều này khiến họ phải “bó tay” trong việc ra những đòn trừng phạt nặng nề nhất với Moskva.
AP dẫn lời các chuyên gia cho biết, gói trừng phạt mà Mỹ hiện đang áp lên Nga vì chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine có một lỗ hổng quan trọng: Dầu mỏ và khí tự nhiên từ Nga vẫn đang tiếp tục di chuyển tự do khắp thế giới và tiền vẫn đổ về Nga.
Bản thân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng về quyết định chưa tung biện pháp trừng phạt nhằm vào ngành dầu mỏ và khí đốt của Nga. Người đứng đầu chính phủ Mỹ lý giải rằng, chính quyền của ông đang muốn "hạn chế sự tổn thương mà người dân Mỹ có thể gặp phải".
Việc trừng phạt ngành dầu mỏ và khí đốt của Nga có thể đẩy giá các mặt hàng này tăng phi mã và gây ra hiệu ứng ngược lại với phương Tây.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc Mỹ vẫn chưa trừng phạt ngành công nghiệp là "trái tim" của nền kinh tế Nga sẽ làm cho các biện pháp này bị hạn chế. Giới quan sát cho rằng, vị thế của Nga trong ngành công nghiệp "vàng đen" thế giới đang góp phần giúp họ chống đỡ giữa lệnh trừng phạt của phương Tây.
Tuần trước, ông Biden đã công bố các lệnh trừng phạt nhằm vào các ngân hàng Nga và giới tinh hoa của Moscow, đồng thời hạn chế xuất khẩu các công nghệ quan trọng, then chốt cho sự phát triển kinh tế và quân sự Nga. Mỹ và các đồng minh châu Âu sau đó công bố kế hoạch có thể đóng băng dự trữ của ngân hàng trung ương Nga và chặn một số tổ chức tài chính nhất định khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của Mỹ hiện vẫn chưa thực sự tác động tới ngành dầu mỏ và khí đốt của Nga, động thái mà họ giải thích là để "giảm thiểu bất cứ sự gián đoạn nào đối với thị trường năng lượng toàn cầu".
Các chuyên gia nhận định, tình hình lạm phát ở Mỹ đang cao kỷ lục trong 40 năm qua và con số này bị ảnh hưởng một phần lớn là do giá nhiên liệu. Trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ diễn ra vào tháng 11, Tổng thống Biden dường như không thể đưa ra những nước đi mạo hiểm có thể ảnh hưởng tới đảng Dân chủ trong 2 năm tới.
Theo AP, tại một số nước châu Âu, các lãnh đạo cũng có những lo ngại tương tự. Nga là bên cung cấp 1/3 khí đốt và nhiên liệu cho châu Âu trong hàng chục năm qua. Bản thân châu Âu cũng đang trải qua cuộc khủng hoảng giá khí đốt tăng vọt. Chính vì vậy, các biện pháp hạn chế nhằm vào nhà xuất khẩu khí tự nhiên lớn nhất thế giới và xuất khẩu dầu thứ nhì thế giới, chỉ sau Ả rập Xê út, có thể gây tác động ngược.