0915 15 67 76 [email protected]
Thứ ba, 05/07/2022 14:10 (GMT+7)

Chủ đầu tư KĐT nên được trao quyền kinh doanh các công trình dịch vụ

Hiệp hội BĐS TP.HCM vừa gửi Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng” liên quan đến các dự án BĐS.

Góp ý một số quy định trong “Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng” với Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng vào ngày 16/6 vừa qua, Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung Điều 35 Nghị định 11/2013/NĐ-CP quy định cho phép chủ đầu tư dự án khu đô thị, khu nhà ở có nhu cầu được đầu tư kinh doanh các công trình trên đất dịch vụ của dự án như đất y tế, đất giáo dục, đất công viên giải trí, công viên chuyên đề.

Chủ đầu tư KĐT nên được trao quyền kinh doanh các công trình dịch vụ - Ảnh 1
Công trình xã hội tại các dự án khu đô thị thường được đầu tư bài bản quản lý chặt chẽ - Ảnh: TĐ.

Về lý do đưa ra kiến nghị trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho biết, “bất cập” hiện nay là chủ đầu tư dự án khu đô thị, khu nhà ở đã bỏ ra nguồn vốn rất lớn, ít nhất cũng từ vài chục tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng.

Thậm chí, đã bỏ ra đến hàng nghìn tỷ đồng để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng nhằm tạo lập quỹ đất dự án đầu tư khu đô thị, khu nhà ở. Sau đó, chủ đầu tư còn phải thực hiện nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước với giá trị rất lớn, chiếm khoảng 70-80% chi phí giải phóng mặt bằng.

Rồi đến chi phí đầu tư xây dựng, san lấp mặt bằng, thi công các công trình kết cấu hạ tầng của dự án như đường giao thông, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, hệ thống cấp nước sạch, cấp điện, chiếu sáng công cộng, thông tin liên lạc, công viên cây xanh, kết nối hạ tầng đất y tế, giáo dục, vui chơi giải trí… nhưng chủ đầu tư dự án khu đô thị, khu nhà ở có nhu cầu lại không được phép đầu tư xây dựng, kinh doanh các công trình trên đất dịch vụ của dự án như đất y tế, đất giáo dục, đất công viên giải trí, công viên chuyên đề.

Theo ông Châu, quy định như vậy là không hợp lý và không đảm bảo được quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, cách nay nhiều năm, khi thị trường BĐS còn sơ khai, các chủ đầu tư dự án khu đô thị, khu nhà ở đều mong muốn bàn giao cho địa phương quản lý vận hành các công trình hạ tầng kỹ thuật và cả các công trình hạ tầng xã hội của dự án để “rảnh tay” vì khó quản lý vận hành và khó kinh doanh. Nhưng khoảng hơn 10 năm trở lại đây, nhiều chủ đầu tư dự án khu đô thị, khu nhà ở lại có nhu cầu đầu tư kinh doanh đất y tế, đất giáo dục, đất công viên vui chơi giải trí, công viên chuyên đề trong phạm vi dự án.

Chủ đầu tư KĐT nên được trao quyền kinh doanh các công trình dịch vụ - Ảnh 2
Với quy định hiện hành chưa đảm bảo được quyền lợi cho doanh nghiệp - Ảnh: TĐ.

Ông Châu cho rằng, đây là nhu cầu hợp pháp, chính đáng vừa phù hợp với chủ trương xã hội hoá đầu tư các công trình dịch vụ và tiện ích đô thị phục vụ lợi ích công cộng mà Nhà nước không phải bỏ ngân sách để đầu tư. Lại vừa đảm bảo có các dịch vụ, tiện ích đô thị phục vụ cư dân trong dự án, cho cả khu vực lân cận và khách vãng lai theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được phê duyệt.

“Nếu bàn giao các khu đất này cho địa phương thì không biết đến bao giờ mới bố trí được vốn ngân sách để đầu tư các công trình phúc lợi công cộng đồng bộ với dự án. Việc giao đất cho các chủ đầu tư làm hạ tầng công cộng trong các dự án cũng góp phần làm tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước”, ông Châu góp ý. Một lý do nữa được đại diện Hiệp hội BĐS Thành phố đề cập đến là xét về nguồn gốc tạo lập quỹ đất và kết cấu hạ tầng xã hội trong các dự án là do công sức đầu tư xây dựng của chủ đầu tư dự án khu đô thị, khu nhà ở.

Phân tích nội dung quy định tại Điều 33, Luật Đầu tư 2020; Điều 31, Nghị định 31/2021/NĐ-CP về thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư, Hiệp hội BĐS Thành phố cho rằng, Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, nên các quy định pháp luật về đầu tư trên được áp dụng cho các dự án mới. Song do quy định chuyển tiếp tại Điều 77, Luật Đầu tư 2020 và Mục 2 Chương IX Nghị định 31/2021/NĐ-CP không quy định trường hợp áp dụng hồi tố đối với các dự án khu đô thị, khu nhà ở đã được phê duyệt hoặc đang thực hiện.

Do đó, các chủ đầu tư dự án nếu có nhu cầu đầu tư vẫn chưa được đầu tư xây dựng kinh doanh các công trình trên đất y tế, đất giáo dục, đất công viên vui chơi giải trí, công viên chuyên đề trong phạm vi dự án khu đô thị, khu nhà ở của chính mình.

Từ đó Hiệp hội BĐS Thành phố đề nghị Điều 35, Nghị định 11/2013/NĐ-CP cần được bổ sung thêm một khoản mới quy định tương tự nội dung khoản 3, Điều 31, Nghị định 31/2021/NĐ-CP nhằm vừa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và cho phép chủ đầu tư dự án khu đô thị, khu nhà ở có nhu cầu thì được đầu tư xây dựng kinh doanh các công trình trên đất y tế, đất giáo dục, đất công viên vui chơi giải trí, công viên chuyên đề trong phạm vi dự án.

Minh Khang

Bạn đang đọc bài viết Chủ đầu tư KĐT nên được trao quyền kinh doanh các công trình dịch vụ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

OceanBank sắp về tay MB với giá 0 đồng
Sau gần 2 năm tham gia tái cơ cấu, MB đã hoàn tất thủ tục gửi lên Ngân hàng Nhà nước về việc nhận chuyển giao ngân hàng 0 đồng Oceanbank và đang chờ trình Chính phủ phê duyệt.
HoSE lên tiếng sau sự cố nghẽn lệnh
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho biết, hiện đang phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận hành hệ thống để kiểm tra, xác định nguyên nhân.
Lãi suất ngân hàng Agribank tháng 3/2024
Tháng 3/2024, Ngân hàng Agribank vừa có thông báo mức lãi suất huy động. Theo đó, mức lãi suất huy động cao nhất là 4,9% năm được áp dụng cho khách hàng cá nhân

Tin mới