0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ sáu, 03/07/2020 07:07 (GMT+7)

Cho vay ‘chui’ qua ứng dụng Zalo Bank chưa được cấp phép, tiềm ẩn nhiều rủi ro

Zalo không được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động cho vay tiêu dùng, cung cấp dịch vụ tài chính trên nền tảng trực tuyến.

Nở rộ cho vay tiêu dùng qua Zalo Bank

Mới đây, người dùng ứng dụng nhắn tin Zalo do Công ty Cổ phần VNG (VNG) phát triển, bất ngờ được chào mời vay từ vài chục triệu tới hàng trăm triệu đồng một cách dễ dàng thông qua “Zalo Bank” (Ngân hàng Zalo) trên ứng dụng Zalo.

Zalo Bank được giới thiệu là một tính năng vay tiền mặt nhanh trên Zalo dưới dạng vay tín chấp, không cần tài sản bảo đảm, giải ngân nhanh từ 15-30 phút, lãi suất ưu đãi…

Thông qua Zalo Bank, người dùng có thể được vay tối đa 500 triệu đồng trong thời hạn tối đa đến 5 năm. Lãi suất vay tiền chỉ từ 1,5%/tháng, tương đương khoảng 18%/năm, giải ngân trong vòng 24 giờ...

Phương thức trả góp linh hoạt, số tiền trả nợ chia định kỳ bao gồm nợ gốc và lãi suất theo quy định từ các ngân hàng đối tác của Zalo, trong đó ngân hàng có 100% vốn Hàn Quốc.

Đặc biệt Zalo Bank cho phép người dùng tiếp cận khoản vay rất dễ dàng, chỉ cần chứng minh nguồn thu nhập ổn định hàng tháng là vay được tiền, mà không cần thế chấp tài sản hay sự xác nhận của chính quyền địa phương. Đây vốn là rào cản khó khăn nhất về điều kiện vay vốn đối với cá nhân khi cần vay tiền ở các ngân hàng.

Zalo Bank cũng đưa ra một bài tính dư nợ và phân kỳ trả nợ cho khoản vay 100 triệu đồng trong thời gian 12 tháng. Cụ thể, với lãi suất khoản vay là 15%/năm, số tiền trả nợ (gồm nợ gốc và lãi) cố định hàng tháng là hơn 9 triệu đồng/tháng.

Có thể thấy, mức lãi suất vay tiền qua Zalo Bank hiện hơn 15%/năm là ngang ngửa so với lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính như FE Credit, HD Saison…

Hiện có 4 tổ chức cung cấp khoản vay đang hợp tác với Zalo Bank trên ứng dụng này gồm: Ngân hàng Shinhan, Easy Credit, Shinhan Finance, FE Credit.

Trong đó, Ngân hàng Shinhan cung cấp khoản vay lớn nhất tới 500 triệu đồng hoặc gấp 12 lần lương, với lãi suất thấp nhất là 14%, áp dụng cho người dùng cư trú tại Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương. Còn Shinhan Finance duyệt khoản vay tối đa 100 triệu đồng với lãi suất thấp nhất là 18%.

Còn FE Credit chỉ cung cấp trên Zalo Bank khoản vay tối đa 50 triệu đồng, dành cho người có thu nhập 3 triệu đồng/tháng, số tiền trả góp chỉ từ 215.000 đồng/tháng.

Mặc dù đối tác Easy Credit chỉ cho vay tối đa 24 triệu đồng, yêu cầu người vay chỉ cần thu nhập chuyển khoản hoặc tiền mặt từ 4,5 triệu đồng/tháng, nhưng lãi suất vay thấp nhất lên tới 22%, cao gấp gần 3 lần lãi suất vay ở các ngân hàng thương mại.

Zalo bank chưa được cấp phép hoạt động tài chính cho vay tiêu dùng

Được biết, từ cuối tháng 10/2019, Zalo bắt đầu quảng bá, tiếp thị hình thức vay tiền mặt nhanh trên tiện ích mới “Zalo Bank” nhằm giải quyết ngay nhu cầu vay tiền “nóng” cho hàng triệu người dùng của mình.

Đến đầu năm 2020, Zalo cho biết đã bắt tay hợp tác với các ngân hàng, công ty tài chính để cung cấp các khoản vay trên Zalo Bank, bao gồm: cho vay mua xe, mua tivi, cho nhân viên Y tế và giáo dục vay tiền…

Mới đây, ngày 25/6, Zalo Bank tiếp thị gói vay “siêu tốc” hợp tác với Easy Credit dành cho mọi nhu cầu chi tiêu với số tiền vay từ 12-18 triệu đồng, thời hạn vay 24 tháng, không cần thế chấp, chỉ cần Chứng minh nhân dân/căn cước công dân. Khoản vay này được duyệt giải ngân siêu tốc trong 15 phút ngay tại quầy sau khi khách hàng kí hợp đồng điện tử, không cần mua bảo hiểm. Zalo Bank dành gói vay này cho các khách hàng ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Việc Zalo cung cấp các gói cho vay tiêu dùng trên Zalo Bank đang được thực hiện dưới dạng hợp tác kinh doanh với các ngân hàng, công ty tài chính thực chất là cách “lách” các quy định của Ngân hàng Nhà nước và pháp luật. Bởi hiện Zalo không được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động cho vay tiêu dùng, cung cấp dịch vụ tài chính trên nền tảng trực tuyến, vốn là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, chịu sự ràng buộc pháp lý rất chặt chẽ về mức vốn điều lệ, năng lực tài chính, nhân lực, cơ sở hạ tầng, công nghệ và bắt buộc tuân thủ quy trình cho vay, đảm bảo an toàn hoạt động cho vay, kiểm soát nợ xấu.

Đơn cử, công ty tài chính tiêu dùng phải có vốn pháp định tối thiểu 500 tỉ đồng, được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động tài chính tiêu dùng, đáp ứng đầy đủ các điều kiện nghiệp vụ đối với hoạt động ngân hàng, quy định về tỉ lệ dư nợ tín dụng tiêu dùng…

Thế nhưng, hơn nửa năm qua, Zalo vẫn bắt tay với Shinhan Bank, Shinhan Finance, FE Credit, Easy Credit… để cho vay tiêu dùng trên Zalo Bank, hoạt động dịch vụ tài chính “trá hình” với mức lãi suất rất cao, bất chấp các quy định cấm của Ngân hàng Nhà nước.

Đáng ngại nhất, việc “thả lỏng” điều kiện xét duyệt khoản vay, cấp hạn mức cho vay, không cần tài sản đảm… đối với hàng triệu khoản vay thông qua Zalo Bank không được cấp phép hoạt động, sẽ tiềm ẩn rủi ro nợ xấu có thể lên tới cả nghìn tỉ đồng cho các ngân hàng, công ty tài chính tham gia hệ thống cho vay “chui” này.

Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo

Bạn đang đọc bài viết Cho vay ‘chui’ qua ứng dụng Zalo Bank chưa được cấp phép, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới