Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh nhập khẩu thuốc điều trị COVID-19
Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh nhập khẩu thuốc điều trị COVID-19, rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để sớm xem xét, cấp phép sản xuất vaccine trong nước trong phiên họp thường kỳ tháng 10 vừa qua.
Văn phòng Chính phủ đã công bố Nghị quyết 138/NQ-CP trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2021.
Chiến lược tổng thể về phòng, chống COVID-19 cần hoàn thiện
Liên quan đến hoàn thiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống COVID-19, trong Nghị quyết 138, Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương hoàn thiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống COVID-19 trong tình hình mới, báo cáo Chính phủ cho ý kiến trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định.
Mặt khác, Chính phủ cũng giao cho Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các địa phương để điều hành phân bổ vaccine phù hợp. Đẩy mạnh tiêm vaccine bao phủ mũi 1, mũi 2 và cơ bản tiêm xong trong tháng 11/2021 cho người từ 18 tuổi trở lên. Tổ chức tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi phải bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả, cần tiêm tăng cường cho các đối tượng nguy cơ cao.
Rà soát, kịp thời điều chuyển vaccine tại những địa phương tiêm chậm để chuyển sang các địa phương khác đang có nhu cầu. Tiếp tục thúc đẩy đàm phán, mua nhập khẩu thuốc điều trị COVID-19. Xây dựng kế hoạch vaccine theo từng tháng đến cuối năm 2021 và cho cả năm 2022. Đẩy nhanh thử nghiệm vaccine, thuốc điều trị COVID-19, rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để sớm xem xét, cấp phép sản xuất trong nước.
Đối với thuốc mới điều trị COVID-19 sản xuất trong nước, Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thúc đẩy và xem xét cụ thể theo thẩm quyền và theo quy định hiện hành, bảo đảm đúng quy định, khoa học, hợp lý, hiệu quả.
Về việc thừa nhận kết quả cấp phép thuốc mới điều trị COVID-19 của các nước tiên tiến để sử dụng tại Việt Nam, Chính phủ giao Bộ Y tế triển khai thực hiện cụ thể theo quy định hiện hành, trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định về việc xã hội hóa, kết hợp công tư trong phòng, chống dịch bệnh. Công khai giá thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch trong tháng 11/2021. Phối hợp với Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn chung về giá xét nghiệm, bảo đảm công khai, minh bạch. Đề xuất kế hoạch mua sắm tập trung trang thiết bị, vật tư y tế, bảo đảm kit xét nghiệm và thuốc dự trữ tại các vùng và báo cáo cấp có thẩm quyền.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp
Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì về tình hình sản xuất nông nghiệp, phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung triển khai hiệu quả Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 21/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ nhằm thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, bảo đảm kế hoạch sản xuất đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, không để xảy ra đột biến, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp. Kịp thời xử lý bảo đảm cung ứng, tiêu thụ nông sản, khắc phục tình trạng ứ đọng, tăng giảm giá bất thường, trong đó có giá thịt lợn.
Tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai để chủ động, kịp thời tham mưu, chỉ đạo công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là tại khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên. Có các biện pháp ứng phó với phòng cháy, chữa cháy rừng, bố trí lực lượng thường trực ứng phó nguy cơ cháy rừng tại các vùng có nguy cơ cháy cao, nhất là trong những tháng mùa khô tới.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ, không để bùng phát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, nhất là dịch tả lợn Châu Phi, bệnh viêm da nổi cục... Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương theo dõi, đánh giá cụ thể tình hình nguồn nước tại từng vùng để chỉ đạo phương án sản xuất vụ Đông Xuân phù hợp, nhất là tại khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Tổng kết, đánh giá việc dạy và học trực tuyến
Nghị quyết 138 của Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương tổng kết, đánh giá việc dạy, học trực tuyến. Kịp thời hướng dẫn và có giải pháp phù hợp cho việc đi học trở lại của học sinh, sinh viên gắn với áp dụng các mô hình "lớp học xanh", bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Chủ động làm việc với Bộ Tài chính, cơ quan liên quan về nguồn kinh phí hỗ trợ xây dựng các chương trình dạy và học trên truyền hình. Các trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét theo quy định.
Đề xuất chính sách hỗ trợ cơ sở giáo dục đào tạo để thực hiện miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên. Khẩn trương rà soát, nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền các chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non ngoài công lập không có thu nhập trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Chủ động mở cao điểm tấn công trấn áp tội phạm
Cũng theo Nghị quyết 138 của Chính phủ, giao cho Bộ Quốc phòng chủ động bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia. Thực hiện tốt công tác cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả thiên tai trong mùa bão lũ. Đẩy mạnh quản lý chặt chẽ, bảo đảm an ninh khu vực biên giới gắn với phòng, chống dịch COVID-19 và khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội.
Ngoài ra Nghị quyết 138 của Chính phủ còn có các nội dung quan trọng khác như khẩn trương hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ có hiệu quả người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; hỗ trợ có hiệu quả người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19...
Bộ Công an cần nắm chắc tình hình, không để bị động, bất ngờ. Chủ động, kịp thời triển khai các biện pháp giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội, không để xảy ra điểm nóng. Ngoài ra cần thực hiện tốt công tác cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả thiên tai.
Chủ động mở cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, truy nã tội phạm tập trung vào các loại tội phạm cướp giật, trộm cắp, đánh bạc, hoạt động "tín dụng đen", siết nợ, đòi nợ thuê, cho vay lãi nặng, ma túy, buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, vệ sinh an toàn thực phẩm, mua bán, tàng trữ pháo, các loại tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch...