0915 15 67 76 [email protected]
Thứ tư, 17/11/2021 10:04 (GMT+7)

Chiến lược tài chính 2021-2030: Chuyên gia hiến kế ổn định vĩ mô, cải thiện dư địa tài khóa

Giai đoạn 2021-2030, chiến lược Tài chính sẽ gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Việt Nam ghi nhận tăng trưởng GDP giảm sâu kỷ lục (-6,17%) ở quý III vừa qua. Theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF vào tháng 10/2021, tăng trưởng GDP Việt Nam cả năm nay ước đạt 3,8%. Một số tổ chức trong nước và quốc tế thậm chí đưa ra kịch bản bi quan hơn, chẳng hạn Maybank Kim Eng dự báo GDP Việt Nam năm nay có thể ghi nhận mức tăng trưởng chỉ 1%.

tm-img-alt
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Giai đoạn 2021-2030, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đặt ra mục tiêu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao.

Cùng với với chiến lược này, Chiến lược tài chính giai đoạn 2021-2030 được xây dựng hướng đến thiết lập nền tài chính quốc gia bền vững, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia, cải thiện dư địa chính sách tài khóa, tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội.

Tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2021 chủ đề Chiến lược Tài chính giai đoạn 2021-2030 và các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế Việt Nam do Bộ Tài chính phối hợp với Tổ chức hợp tác và phát triển Đức (GIZ) tổ chức ngày 16/11/2021, TS. Nguyễn Như Quỳnh, Phó Viện trưởng phụ trách, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính đã tổng kết các kết quả, hạn chế của Chiến lược tài chính giai đoạn 2011-2020 và đưa ra nhóm 11 giải pháp thực hiện Chiến lược Tài chính giai đoạn 2021-2030.

Nhiều kết quả nổi bật ở chiến lược tài chính 2011-2020

Nguyễn Như Quỳnh đã nhận định về chiến lược tài chính giai đoạn 2011-2020: chiến lược được thực hiện trong bối cảnh nhiều biến động bất lợi của tình hình kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế nhưng đã mang lại nhiều kết quả tích cực.

tm-img-alt
Bối cảnh quốc tế khi thực thi Chiến lược tài chính giai đoạn 2011-2020

Về tình hình quốc tế, đây là giai đoạn thế giới tiếp tục chứng kiến tác động kéo dài của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008-2009, kinh tế thế giới phục hồi chậm, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng. Kể từ năm 2018, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung góp phần làm chững lại hoạt động thương mại toàn cầu. Đặc biệt, năm 2020, dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các quốc gia và khu vực.

Về bối cảnh trong nước, đây là giai đoạn nền kinh tế phục hồi từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 với nền tảng lạm phát giai đoạn đầu tăng cao, nợ công tăng, tỷ lệ nợ xấu cao. Tuy vậy, tín hiệu sáng là kinh tế Việt Nam giai đoạn này vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá cao: bình quân 5,9% trong giai đoạn 2011-2015, bình quân 6% giai đoạn 2016-2020, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới.

tm-img-alt
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Một số kết quả nổi bật của Chiến lược tài chính đến năm 2020 có thể kể đến như sau:

Một là đẩy mạnh hoàn thiện thể chế tài chính, ngân sách Nhà nước (NSNN) theo nguyên tắc kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hỗ trợ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Trong giai đoạn dịch COVID-19 gây hệ lụy tiêu cực đến nền kinh tế, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành nhiều Nghị định hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân như Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân chịu thiệt hại do dịch COVID-19;

Nghị quyết số 116/2020/QH14 về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 ngày 02/6/2020 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân…

Hai là tăng cường, củng cố tiềm lực tài chính quốc gia. Điều này thể hiện qua quy mô thu NSNN giai đoạn 2011-2020 cao gấp 3,8 lần so với giai đoạn 2001-2010, tỷ lệ huy động vào NSNN bình quân giai đoạn 2011-2020 đạt khoảng 24,5% GDP, vượt mục tiêu đề ra.

Cơ cấu thu NSNN bền vững hơn, tăng dần tỷ trọng từ nguồn thu trong nước để bù đắp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu giảm do tham gia hội nhập quốc tế ngày càng sâu. Cụ thể, tỷ trọng thu nội địa giai đoạn 2011-2020 đạt 76,7%, riêng năm 2020 là 85,6%, vượt mục tiêu của chiến lược tài chính (trên 80%). Theo phân cấp thu NSNN, thu ngân sách địa phương có xu hướng tăng dần theo các giai đoạn cả về quy mô và tỷ trọng, số địa phương tự cân đối được thu - chi ngân sách tăng.

tm-img-alt
Cơ cấu thu NSNN ngày một bền vững, tỷ trọng thu nội địa tăng

Tổng quy mô dự trữ quốc gia tiếp tục được phát triển và củng cố. Đến cuối năm 2020, tổng mức dự trữ quốc gia đã tăng gấp 1,22 lần năm 2015 và gấp khoảng 1,47 lần so với năm 2010.

Tiềm lực tài chính doanh nghiệp cũng được phát triển. Xét về quy mô, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và vốn đăng ký tăng dần qua các năm. Trong năm 2020, do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 nên số doanh nghiệp thành lập mới chỉ đạt 134,9 nghìn doanh nghiệp, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tổng số vốn đăng ký năm 2020 đạt trên 2,2 triệu tỷ đồng, tăng 29,2%; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 16,6 tỷ đồng, tăng 32,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Xét về khu vực: ở khu vực công, quy mô vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước không ngừng được mở rộng. Cơ cấu lại DNNN được đẩy mạnh, DNNN giảm mạnh về số lượng, đặc biệt là những doanh nghiệp quy mô nhỏ, kém hiệu quả.

Khu vực tư nhân đạt được tốc độ tăng trưởng khá, đóng góp tỷ trọng 43% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động trong nền kinh tế.

Ba là đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ nợ công so với GDP khoảng 55,2%, nợ Chính phủ khoảng 49,1% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47,2% GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN nằm trong giới hạn Quốc hội phê duyệt (không quá 25%).

Bốn là cơ chế tự chủ tài chính đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được đẩy mạnh. Đến hết năm 2016 đã có 56.367 đơn vị được giao tự chủ tài chính, đạt tỷ lệ 98,5% tổng số đơn vị sự nghiệp công lập đang hoạt động.

Năm là đồng bộ các loại hình thị trường tài chính và dịch vụ tài chính. Điều này phản ánh trong quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu năm 2020 đạt 84,1% GDP, tăng trưởng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu niêm yết giai đoạn 2011-2020 đạt 29,5%. Tổng giá trị vốn huy động qua TTCK giai đoạn 2016-2020 đạt 1,53 triệu tỷ đồng, tăng gấp 1,2 lần với giai đoạn 2010-2015. Thị trường được điều hành linh hoạt ngay cả ở các tình huống khó khăn như giai đoạn diễn ra dịch COVID-19, qua đó giúp đảm bảo sự an toàn, bền vững thị trường tài sản nói chung.

tm-img-alt
Thị trường chứng khoán (TTCK) và thị trường bảo hiểm (TTBH) trong giai đoạn 2011-2020 có sự tăng trưởng ấn tượng.

Thị trường trái phiếu tăng trưởng bình quân 22%/năm trong giai đoạn 2011-2020. Thị trường bảo hiểm và dịch vụ tài chính tiếp tục mở rộng, tổng doanh thu ngành bảo hiểm tăng từ 84.506 tỷ đồng năm 2015 (khoảng 2% GDP) lên 220.705 tỷ đồng năm 2020 (khoảng 3,55% GDP).

Sáu là chủ động hội nhập quốc tế, đa dạng hóa nội dung, hình thức và các đối tác hợp tác quốc tế về tài chính. Chẳng hạn, Bộ Tài chính đã tích cực tham gia đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) trong các lĩnh vực thuế quan và dịch vụ tài chính, qua đó đóng góp quan trọng vào việc Việt Nam trở thành thành viên của 16 hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương với hơn 60 đối tác thương mại hàng đầu trên thế giới.

Bảy là đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính: cắt giảm các thủ tục hành chính thuế, hải quan, Kho bạc Nhà nước (KBNN), mở rộng áp dụng nộp thuế điện tử, thực hiện thủ tục hải quan điện tử, cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN. Ứng dụng CNTT, xây dựng và vận hành một số hệ thống CNTT hiện đại, theo chuẩn quốc tế lớn như hệ thống tích hợp thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS)...

Bên cạnh các kết quả đạt được, quá trình thực hiện Chiến lược tài chính đến năm 2020 cũng cho thấy một số tồn tại như bất cập về ưu đãi thuế, chuyển giá, trốn thuế, nợ thuế. Hiệu quả chi NSNN còn thấp, phân bổ vốn đầu tư công dàn trải, giải ngân chậm, đổi mới khu vực sự nghiệp công lập chậm. Công tác cổ phần hóa DNNN chậm, số doanh nghiệp thua lỗ lớn, có nguy cơ mất vốn còn cao...

Thị trường tài chính chưa thực sự cân đối, thị trường vốn quy mô còn nhỏ so với tiềm năng và quy mô thị trường. Hệ thống thanh tra, giám sát tài chính chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, sự phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng trong giám sát tài chính trong một số khâu yếu.

Cần sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính ở chiến lược tài chính giai đoạn 2021-2030

Chiến lược tài chính giai đoạn 2021-2030, để phục vụ các mục tiêu đã đặt ra trong bao gồm xây dựng nền tài chính quốc gia bền vững, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia, cải thiện dư địa chính sách tài khóa, TS. Nguyễn Như Quỳnh đề xuất nhóm 11 giải pháp quan trọng.

Một là chính sách huy động các nguồn lực tài chính quốc gia: đẩy mạnh huy động có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu NSNN, tiếp tục cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bền vững đồng thời tăng cường huy động các nguồn lực tài chính ngoài NSNN.

Hai là chính sách phân bổ, quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính: đảm bảo hiệu quả, gắn với việc thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế và phát triển bền vững, nâng cao vai trò định hướng của nguồn lực tài chính nhà nước trong đầu tư phát triển kinh tế xã hội, đổi mới cơ chế phân cấp, phân bổ và cơ cấu lại chi NSNN.

Ba là quản lý bội chi NSNN, nợ công phù hợp với các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, khả năng vay - trả nợ của nền kinh tế, từng bước cải thiện dư địa tài khóa, nâng cao khả năng chống chịu của nền tài chính quốc gia.

Bốn là cơ chế, chính sách tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập cần được đổi mới, trọng tâm hướng tới đẩy mạnh giao tự chủ tài chính cùng với đa dạng hóa nguồn lực xã hội phát triển dịch vụ công.

Năm là cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN: cần đổi mới quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN.

Sáu là phát triển thị trường tài chính và dịch vụ tài chính hiện đại, minh bạch và bền vững, đẩy nhanh việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin đảm bảo thị trường hoạt động thông suốt, an toàn và ổn định.

Bảy là hoàn thiện thể chế, tăng cường công tác quản lý giá theo cơ chế thị trường đối với giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Giá các dịch vụ công, dịch vụ chuyển từ cơ chế quản lý phí sang cơ chế giá thị trường.

Tám là tăng cường hiệu quả hợp tác tài chính:chủ động hội nhập quốc tế về tài chính.

Chín là tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý, giám sát tài chính, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Mười là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thiết lập nền tảng tài chính số, cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước

Mười một là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và kiện toàn bộ máy ngành Tài chính hiện đại, tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả.

Bạn đang đọc bài viết Chiến lược tài chính 2021-2030: Chuyên gia hiến kế ổn định vĩ mô, cải thiện dư địa tài khóa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023