0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ năm, 07/07/2022 16:00 (GMT+7)

Cảnh báo một số mặt hàng nông sản chưa đạt chuẩn của EU

Các cảnh báo tập trung vào vi phạm mức dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá quy định của EU, chỉ có 1 cảnh báo vi phạm cảm quan, 1 cảnh báo vi phạm aflatoxin… trong quá trình sơ chế, chế biến.

Phát biểu tại diễn đàn trực tuyến "Đa dạng hóa sản phẩm rau quả chế biến, bảo quản gắn với yêu cầu của thị trường tiêu thụ”, TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) thông tin, 6 tháng đầu năm 2022, trên toàn thế giới có 2.251 cảnh báo từ hệ thống cảnh báo nhanh đối với mặt hàng nông sản thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của EU. Trong đó chỉ có 40 (chiếm 1,77% cảnh báo) đối với hàng nông sản thực phẩm của Việt Nam.

Riêng mặt hàng rau quả có 9 cảnh báo (chiếm 22,5% tổng số cảnh báo) đối với Việt Nam. Các cảnh báo tập trung vào vi phạm mức dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá quy định của EU, chỉ có 1 cảnh báo vi phạm cảm quan, 1 cảnh báo vi phạm aflatoxin… trong quá trình sơ chế, chế biến.

Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam nhận 504 thông báo liên quan đến an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, bao gồm thay đổi các biện pháp thay đổi mức dư lượng, phương pháp kiểm dịch. So với cùng kỳ năm 2021, số thông báo tăng khoảng 9%. Nhật Bản là quốc gia có nhiều thông báo nhất, với 83 thông báo, chiếm 16,47%. Tiếp sau là Brazil, EU, Canada, Mỹ.

Ông Nam cho biết, mỗi thị trường sẽ có một bộ tiêu chuẩn cũng như đối tượng quan tâm khác nhau. Ví dụ, Nhật Bản có 5 bộ luật, 3 quy định về chất lượng an toàn thực phẩm, Mỹ có 4 quy định khung, còn ASEAN lại chủ yếu quan tâm đến các vấn đề kiểm dịch động vật.

Tại Hà Lan, quả chôm chôm nhập khẩu bị dư lượng thuốc trừ sâu chlorpyrifos ở mức 0.022 mg/kg, mức dư lượng tối đa cho phép 0.01 mg/kg buộc phải tiêu hủy; ớt đỏ đông lạnh nhập khẩu Hà Lan dư lượng cadmium ở mức 0,28 mg/kg, thuốc trừ sâu chlorpyrifos ở mức 0,14 mg/kg, chlorfenapyr ở mức 0,23 mg/kg, chất cấm permethrin ở mức 0,22 mg/kg. Cộng hòa Síp cũng tiêu hủy sản phẩm tương ớt thương hiệu Chin-su do chứa chất cấm E 110 - Sunset Yellow FCF và E124 - Ponceau 4R/cochineal red A.

Cảnh báo một số mặt hàng nông sản chưa đạt chuẩn của EU
Ảnh minh hoạ

Quả thanh long tiêu hủy tại Pháp do dư lượng Dithiocarbamates ở mức 0,16+-0,080 mg/kg, mức độ tối đa cho phép 0,05 mg/kg. Tại Italy, vải thiều dư lượng permethrin ở mức 1,14+-0,057 mg/kg, mức độ tối đa cho phép 0,05 mg/kg; hạt điều mối nguy với Aflatoxin ở mức 9,6 ± 2,7 µg/kg, mức độ tối đa cho phép 4,0 µg/kg.

Hai thị trường được ông Nam chú trọng là EU và Trung Quốc. Trong đó, EU đặc biệt lưu tâm đến các mức dư lượng tại cả sản phẩm quả tươi lẫn sản phẩm chế biến, đồ khô.

Với Trung Quốc, khoảng 2 năm Trung Quốc sẽ cập nhật các chính sách liên quan đến kiểm dịch một lần và gửi thông báo cho WTO. Tin vui cho doanh nghiệp là vừa qua Trung Quốc hứa sẽ phối hợp Việt Nam để xây dựng và phổ biến những quy định liên quan đến Lệnh 248, Lệnh 249 dưới dạng video clip, nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam đảm bảo thời hạn hoàn thiện hồ sơ đăng ký trước tháng 6/2023.

Cùng phát biểu tại diễn đàn, PGS. TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch cho rằng, đối tượng quy mô nhỏ, vừa chiếm 97% trong đối tượng doanh nghiệp, do vậy định hướng cho phát triển công nghệ hiện đại, phù hợp với quy mô nhỏ, vừa là điều cần thiết.

“Nếu chúng ta quan tâm đến khối doanh nghiệp nhỏ, vừa và HTX, chúng ta có thể nâng cao tỷ lệ chế biến và có thể đáp ứng nhu cầu về đa dạng hóa sản phẩm rau quả chế biến”, ông Tuấn cho biết.

Hiện tại năng lực chế biến của khối này đạt trên 1,1 triệu tấn nhưng để nâng lên gấp đôi trong những năm tới, quy mô nhỏ, vừa có đóng góp lớn lại cần đầu tư và công nghệ phù hợp. Bên cạnh đó, cần phát triển nhiều thị trường đầu ra cho bà con nông dân, có công nghệ, thiết bị phù hợp và giải pháp thúc đẩy thị trường khoa học công nghệ.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, ngành nông nghiệp đã nỗ lực cùng với cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân để góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9%. Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vẫn đang tiếp tục đàm phán để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào thị trường lớn và tiềm năng.

“Mục tiêu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là trong năm nay xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 55 tỷ USD, so với năm trước là 48,6 tỷ USD”, ông Toản khẳng định.

Bảo Lâm

Bạn đang đọc bài viết Cảnh báo một số mặt hàng nông sản chưa đạt chuẩn của EU. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới