Căng thẳng Ukraine gia tăng thách thức đối với Ngân hàng Trung ương, lạm phát lộ rõ?
Giám đốc bộ phận kinh tế và tiền tệ tại Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho rằng, thách thức của các ngân hàng trung ương ngày càng trở nên phức tạp hơn khi căng thẳng Nga-Ukraine leo thang, khiến áp lực lạm phát gia tăng.
Áp lực lạm phát gia tăng
Giám đốc bộ phận kinh tế và tiền tệ tại Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), được mệnh danh là ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương, ông Claudio Borio cho biết "căng thẳng Nga-Ukraine leo thang đã làm gia tăng mạnh những bất ổn kinh tế” và diễn tiến của nó sẽ trở thành nhân tố chi phối, ảnh hưởng đến các thị trường.
“Trong bối cảnh đó, thách thức của các ngân hàng trung ương ngày càng trở nên phức tạp hơn khi áp lực lạm phát gia tăng ngay cả khi triển vọng tăng trưởng đã yếu đi”, ông Claudio Borio nhấn mạnh.
Lạm phát tăng vọt đã đặt ra nhiều vấn đề đối với các ngân hàng trung ương về việc có nên tăng lãi suất hay không và tăng đến mức nào khi các nền kinh tế mở cửa trở lại sau khi các biện pháp hạn chế để chống đại dịch COVID-19 được dỡ bỏ.
Mặc dù BIS không bình luận về các lệnh trừng phạt quốc tế áp đặt đối với Nga liên quan đến tình trạng căng thẳng gia tăng với Ukraine, phát ngôn viên của ngân hàng hoạt động như tổ chức trung lập, có trụ sở tại Thụy Sĩ này, bà Jill Forden cho biết BIS sẽ tuân theo các lệnh trừng phạt Nga.
Anh sẽ "đóng băng toàn bộ tài sản" đối với tất cả ngân hàng Nga
Vương quốc Anh ngày 28/2 cho biết nước này sẽ áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga, tuyên bố sẽ "đóng băng toàn bộ tài sản" đối với tất cả các ngân hàng Nga.
Phát biểu trước Quốc hội, Ngoại trưởng Liz Truss cho biết việc đóng băng sẽ có hiệu lực "trong vài ngày tới" như một phần của một luật mới nhằm siết chặt kinh tế Nga do hành động làm gia tăng căng thẳng với Ukraine.
Việc đóng băng tài sản các ngân hàng Nga sẽ ngăn cản Điện Kremlin huy động vốn ở Anh và khiến hơn 3 triệu doanh nghiệp không thể tiếp cận thị trường vốn nước này.
Ngoại trưởng Truss nói "Ngay sau khi luật này có hiệu lực, chúng tôi sẽ áp dụng cho Sberbank, ngân hàng lớn nhất của Nga. Những "gã khổng lồ" toàn cầu như Gazprom cũng sẽ không thể phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu ở London.”
Bà Truss cho biết Anh muốn "một tình huống mà Nga không thể tiếp cận vốn của mình, thương mại không thể hoạt động suôn sẻ, tàu không thể cập cảng và máy bay không thể hạ cánh." Bà Truss cũng cam kết sẽ cấm "thiết bị công nghệ cao cấp như thiết bị điện tử vi mô, và thiết bị hàng hải và định vị."
Trong khi đó, Bộ Tài chính Anh cũng tuyên bố đóng băng tài sản đối với ngân hàng phát triển do nhà nước sở hữu VEB và hai ngân hàng thương mại Otkritie và Sovcombank của Nga
Nước này cũng loại một số ngân hàng của Nga chọn khỏi hệ thống chuyển tiền quốc tế SWIFT, mà theo bà Truss chỉ là bước đầu tiên trong "lệnh cấm toàn bộ" các ngân hàng Nga khỏi hệ thống này.