0915 15 67 76 [email protected]
Thứ năm, 04/11/2021 11:38 (GMT+7)

Cần phải làm gì để thu hút đầu tư tư nhân trong chiến lược tăng trưởng xanh?

Nếu không có nguồn lực đầu tư tư nhân cho tăng trưởng xanh, Giám đốc quốc gia GIZ tại Việt Nam cho biết, sẽ rất khó đạt được các mục tiêu tham vọng đã đề ra giai đoạn 2021-2030.

Nhiều chính sách, mục tiêu để thực hiện tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã được đưa ra và áp dụng vào thực tiễn kể từ khi Chính phủ Việt Nam phê duyệt chiến lược tăng trưởng xanh lần đầu vào tháng 9/2012.

tm-img-alt
Thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, môi trường để hoàn thiện chính sách.

Ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký phê duyệt chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Trong đó bao gồm một số mục tiêu cụ thể như: giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên đơn vị GDP khoảng 15% so với năm 2014, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 95% đến năm 2030, tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định trên 50% đối với đô thị loại II trở lên và 20% đối với các loại đô thị còn lại.

Chiến lược này cũng đặt ra những tỷ lệ tham vọng như nền kinh tế số đạt quy mô tương đương 30% GDP, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp đạt 15-20%, duy trì độ che phủ rừng mỗi tỉnh ở mức 42%, ít nhất 30% diện tích đất nông nghiệp được tưới tiêu sẽ được áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm và tiên tiến.

Nhưng "không có nguồn lực đầu tư tư nhân thì khó đạt"

Theo ông Jasper Abramowski, Giám đốc quốc gia GIZ tại Việt Nam, để đạt được các mục tiêu tham vọng mà chiến lược tăng trưởng xanh đề ra, , Chính phủ cần ban hành các chính sách phù hợp để thu hút nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư tư nhân để tạo ra một kênh thực hiện đầu tư kinh doanh hướng tới tăng trưởng xanh.

“Mặc dù Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua đã có những nỗ lực to lớn nhưng quá trình thúc đẩy tăng trưởng xanh vẫn chưa đạt kỳ vọng mong muốn, đặc biệt là việc huy động nguồn lực đầu tư tư nhân cho tăng trưởng xanh”, ông Jasper Abramowski nhận định: Nếu không có nguồn lực đầu tư tư nhân cho tăng trưởng xanh thì rất khó đạt được các mục tiêu tham vọng đã đề ra và việc không đủ nguồn lực tài chính sẽ là trở ngại nghiêm trọng.

tm-img-alt

“Định hướng chung trong là cụ thể hóa các kế hoạch hành động của ngành, kế hoạch hành động quốc gia, bao gồm các bước thực hiện chính sách cụ thể để thúc đẩy tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, không có đủ nguồn lực tài chính sẽ là trở ngại nghiêm trọng”.

Ông Jasper Abramowski, Giám đốc quốc gia GIZ tại Việt Nam

Sáng 03/11 vừa qua, Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) về “Nâng cao vai trò của đầu tư tư nhân đối với tăng trưởng xanh trong giai đoạn 2021-2030” được công bố tại Hội thảo về Nâng cao vai trò của đầu tư tư nhân đối với tăng trưởng xanh giai đoạn 2021–2030, chỉ ra rằng doanh nghiệp vừa là chủ thể, vừa là đối tác trong vấn đề nóng lên toàn cầu và ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên thiên nhiên.

Trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, doanh nghiệp ngoài Nhà nước ngày càng chiếm tỷ trọng lớn

Các hoạt động hướng tới tăng trưởng xanh của doanh nghiệp theo nghiên cứu của CIEM được thể hiện chủ yếu ở hai khía cạnh: đầu tư kinh doanh (tập trung vào năng lượng sạch, công nghệ bảo vệ môi trường) và thực hiện trách nhiệm xã hội (tuân thủ đúng Hiến pháp, pháp luật về môi trường, đầu tư hệ thống xử lý đảm bảo chuẩn đầu ra nước và khí thải, bồi thường thiệt hại hay đánh giá tác động môi trường từ hoạt động sản xuất kinh doanh…).

tm-img-alt
Sự tuân thủ phát luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp đang tốt lên, thể hiện qua tỷ lệ phát hiện và xử lý các sai phạm có xu hướng giảm trong giai đoạn 2015-2019

Số lượng tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng và môi trường tăng mạnh trong giai đoạn 2010-2019, chủ yếu là doanh nghiệp ngoài Nhà nước (DNNNN). Tổng vốn đầu tư của DNNNN tăng đều. Đặc biệt, đầu tư vào điện mặt trời và điện gió có sự tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2019 nhờ chính sách giá FIT.

Cụ thể, trong cơ cấu doanh nghiệp tham gia cung cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải ở Việt Nam vào năm 2010: DNNN chiếm 21,9% và DNNNN chiếm 78,1%. Đến năm 2019, tổng số doanh nghiệp tham gia vào ngành đã tăng gấp 3 lần so với năm 2010, trung bình tăng 12,9%/năm, trong đó DNNNN chiếm phần lớn với 94,7% và DNNN giảm mạnh chỉ còn 5,3%.

Hay trong cơ cấu doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực rác thải, DNNNN không những tăng về số lượng mà còn cả về thị phần. Năm 2010, DNNN chiếm 63,8% và DNNN là 36,2% thị phần ngành, đến năm 2019, tỷ trọng DNNNN tăng lên 87,2%, DNNN giảm còn 12,8%.

Tuy nhiên, có thực tế DNNNN mặc dù đóng vai trò ngày càng tăng trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, lớn về số lượng nhưng quy mô còn rất khiêm tốn.

Cần phải làm gì để thu hút đầu tư tư nhân?

Nhằm thu hút mọi nguồn lực đầu tư tư nhân tham gia đầu tư cho tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 nói chung, lĩnh vực năng lượng tái tạo, dịch vụ môi trường nói riêng, các tác giả nghiên cứu bao gồm TS.Hồ Công Hòa, ThS.Lưu Đức Khải, ThS.Nguyễn Thị Huy và TS.Đinh Khánh Lê đề xuất cần thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, nâng cao chất lượng khung pháp lý và năng lực thực hiện hiệu quả trong thực hiện chính sách.

Trước mắt, biện pháp cụ thể là nâng cao trách nhiệm “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, ví dụ nâng mức phí bảo vệ môi trường nước thải hiện nay (10% giá nước sạch), đẩy nhanh thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng tạo sự công bằng theo đúng tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường.

Chiến lược về lâu dài, cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng và môi trường, từng bước tạo dựng thị trường năng lượng đầy đủ theo cơ chế thị trường, đảm bảo thông thoáng, minh bạch, công bằng giữa mọi thành phần kinh tế.

Áp dụng các công cụ kinh tế như phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh giúp các doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn tài chính xanh, thúc đẩy quá trình triển khai chính sách mua sắm công xanh, nghiên cứu khả năng áp dụng thuế các-bon theo lộ trình phù hợp nhằm định hướng sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của xã hội trong tương lai.

Cũng cần Chính phủ xây dựng một hành lang pháp lý, cơ chế chính sách vừa bắt buộc, vừa khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho tăng trưởng xanh, thực thi trách nhiệm xã hội đối với môi trường, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Cùng với đó cần nghiên cứu ban hành các cơ chế thí điểm triển khai các dự án PPP (như thu gom và xử lý chất thải, cấp nước sạch,...) có quy mô nhỏ hơn 200 tỷ đồng ở các vùng nông thôn, đô thị nhỏ làm cơ sở cho việc điều chỉnh bổ sung Luật PPP.

Các tác giả của bản nghiên cứu cũng khuyến cáo cần đẩy nhanh chương trình cải cách hành chính, đổi mới hình thức lập kế hoạch theo kế hoạch trung và dài hạn, đẩy nhanh chương trình cổ phần hóa DNNN, sớm ban hành các hướng dẫn về cơ chế mua bán nợ, đặc biệt là hướng dẫn cụ thể về định giá, đấu thầu, đấu giá các khoản nợ để bán, và mở rộng thị trường mua bán nợ cho các công ty ngoài nhà nước.

Công tác đào tạo chuyên môn cần đẩy mạnh, đặc biệt là kỹ năng thẩm định, đàm phán hợp đồng dự án PPP cho các bộ ngành và địa phương. Xây dựng các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức về PPP cho toàn xã hội về vai trò của người dân trong việc chia sẻ gánh nặng tài chính cho dịch vụ chất thải với nhà nước. Công khai các quy hoạch năng lượng, ngành nước thải và chất thải rắn, bao gồm các dự báo lượng thải, hệ thống đấu nối...

Biện pháp cụ thể trước mắt là nâng cao trách nhiệm “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, ví dụ nâng mức phí bảo vệ môi trường nước thải hiện nay (10% giá nước sạch), đẩy nhanh thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng tạo sự công bằng theo đúng tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường.

Bạn đang đọc bài viết Cần phải làm gì để thu hút đầu tư tư nhân trong chiến lược tăng trưởng xanh?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023