Bộ GTVT ban hành một số giải pháp chống tăng giá vé vận tải dịp Tết
Bộ GTVT vừa ban hành Quyết định về kế hoạch công tác phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự ATGT, gắn với phòng chống dịch Covid trong dịp Tết Nhâm Dần 2022.
Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ nhằm từng bước khôi phục hoạt động vận tải phù hợp với phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành các hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực, tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.
Để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm an toàn giao thông gắn với phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp Tết, không để hành khách chậm về quê đón Tết do không có phương tiện vận chuyển và hạn chế các hiện tượng chèn "ép" giá, lợi dụng tăng giá không đúng quy định; chậm chuyến, hủy chuyến trong vận tải hàng không, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị liên quan thành lập Ban chỉ đạo vân tải trong dịp Tết của đơn vị; lập danh sách và phân công lãnh đạo, chuyên viên trực trong dịp Tết. Công bố số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp, thường trực 24/24 để tiếp nhận xử lý thông tin liên quan.
Các đơn vị vận tải xây dựng kế hoạch phục vụ vận tải, xây dựng và triển khai phương án tổ chức vận tải bảo đảm tuân thủ quy định về phòng chống dịch Covid-19, đồng thời đảm bảo đáp ứng kịp thời khi nhu cầu vận tải phát sinh tăng cao, đặc biệt tại các đầu mối giao thông, giải tỏa hành khách và hạn chế tối đa ùn tắc giao thông
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị vận tải cần chủ động bán vé trước cho hành khách bằng nhiều hình thức và ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho người dân có nhu cầu mua vé. Đồng thời, có biện pháp chống việc đầu cơ, buôn bán vé gây mất trật tự xã hội.
Đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe thực hiện công khai, minh bạch và đúng quy định về giá cước vận tải, các loại giá, phí dịch vụ tại bến xe.
Các đơn vị kinh doanh vận tải khách bảo đảm năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải và tuân thủ nghiêm quy định về phòng, chống dịch Covid-19; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm tại một số địa phương có hiện tượng nhiều “xe dù, bến cóc”, xe quá tải.
“Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải đảm bảo các điều kiện an toàn về hạ tầng, an ninh, trật tự tại các trạm thu phí, chống ùn tắc trên các tuyến quốc lộ, các đầu mối giao thông trọng điểm, các địa điểm du lịch, khu vui chơi giải trí, các bến xe, bến tàu, nhà ga, các trạm thu phí BOT; chỉ đạo nhà đầu tư BOT mở barie để giải tỏa phương tiện khi xảy ra ùn tắc tại trạm thu phí," Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu.
Đối với lĩnh vực hàng không, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo các cảng vụ hàng không tăng cường kiểm tra, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Cục chỉ đạo các hãng hàng không xây dựng kế hoạch tăng chuyến bay phục vụ trong các ngày cao điểm, bố trí các giờ bay đêm để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách trên cơ sở phù hợp với hạ tầng và bảo đảm an toàn bay; điều hành lịch bay hạn chế tối đa việc chậm chuyến, hủy chuyến đặc biệt trong dịp cao điểm Tết Nhâm Dần năm 2022.
Lý do các hãng hàng không chưa được phép mở bán vé Tết?
Liên quan đến kế hoạch bay dịp Tết sắp tới, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, do hiện nay vẫn đang thực hiện kế hoạch phục hồi đường bay nội địa áp dụng từ ngày 21/10 đến hết ngày 30/11/2021, nên các hãng hàng không gặp khó khăn trong việc lập kế hoạch khai thác lịch bay Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc mở đường bay đến đâu, tần suất như thế nào cần căn cứ vào thực tiễn thì mới mở bán để tránh trường hợp vé bán ra nhưng chuyến bay không thể thực hiện được nếu dịch diễn biến phức tạp.
Chính vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu chỉ mở bán với những chuyến bay đã được cấp phép. Điều này cũng đồng nghĩa với việc đến thời điểm hiện tại, các hãng mới chỉ mở bán cho các chuyến bay khởi hành trước ngày 1/12/2021.