Bắc Kạn: Nức tiếng đặc sản hồng không hạt
Tại tỉnh Bắc Kạn, hồng không hạt được xác định là một trong 5 sản phẩm nâng cao năng lực cạnh tranh cùng với cam, mơ, chè, quýt.
Nổi tiếng ngọt thơm vị hồng
Hồng không hạt Bắc Kạn là một loại quả không có hạt, vỏ quả màu vàng đỏ khi chín; tai quả to, quả không cứng và không chát, vị ngọt dịu đến ngọt đậm sau khi ngâm, nhiều cát đường và rất giòn. Hồng không hạt chín vào thời điểm khoảng cuối tháng 7, 8 âm lịch. Đây là giống hồng đã có trên 100 năm tuổi.
Cây hồng không hạt đã trở thành cây làm giàu cho nhiều nông hộ ở Bắc Kạn
Cách gọi Hồng “không hạt” là nói tới điểm đặc biệt của loại quả này là không có hạt do nhân của hạt bị thoái hóa, trong như thạch, vì vậy, không như các giống hồng khác, khi ăn, hồng không hạt Bắc Kạn có độ giòn. Cũng theo tiếng của dân tộc Tày, hồng không hạt còn được gọi là mác hồng, còn chúng ta hay gọi là hồng ngâm do trước khi ăn, phải ngâm hồng qua nước để khử chát.
Tại Bắc Kạn, huyện Ba Bể có diện tích trồng hồng trên 261ha. Trước đó, huyện tìm các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng quả hồng không hạt. Phòng Nông nghiệp huyện đã cung cấp 4.000 cây giống hồng không hạt cho xã Địa Linh và tiến hành trồng mới 54ha ở các xã trên địa bàn. Huyện ủy Ba Bể cũng ban hành nghị quyết tiếp tục phát triển cây hồng không hạt giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025.
Huyện quy hoạch vùng trồng hồng với quy mô 500ha tại 5 xã: Khang Ninh, Địa Linh, Đồng Phúc, Quảng Khê, Bành Trạch. Đồng thời, phát triển hợp tác xã để xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm hồng không hạt.
Hồng không hạt Bắc Kạn vỏ màu vàng đỏ khi chín, tai to, không cứng và có vị ngọt dịu đến ngọt đậm sau khi ngâm
Còn tại huyện Chợ Đồn, chính quyền khuyến khích bà con nông dân chọn giống tốt, cải tạo vườn tạp, ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng quả. Đến nay, huyện có gần 300ha diện tích trồng cây hồng không hạt, diện tích cho thu hoạch trên 100ha.
Hiện người dân trồng hồng không hạt trên địa phương bảo đảm nguyên tắc sản xuất theo hướng sạch và an toàn. Trong đó bảo đảm nguồn nước sạch, vùng đất trồng, đặc biệt không sử dụng các thuốc hóa học không cho phép.
Đối với những giống cây, người dân thông thường tách và vun gốc để nảy nầm hoặc mua những giống cây được sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo.
Năm 2010, hồng không hạt Bắc Kạn đã được cấp giấy chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý, năm 2013, được công nhận là sản phẩm nằm trong top 100 nhãn hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam. Để giúp hồng không hạt tiếp tục phát triển thương hiệu, tỉnh Bắc Kạn đã và đang có thêm nhiều định hướng để thúc đẩy phát triển hồng không hạt.
Nỗ lực đưa trái hồng không hạt vươn xa
Sau 3 năm (2016 - 2019) theo dõi sinh trưởng của cây hồng không hạt cổ thụ tại thôn Khau Bút, xã Cao Thượng (Ba Bể), Hội đồng bình tuyển cây hồng không hạt đầu dòng- Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Kạn vừa tiến hành bình tuyển, công nhận 18 cây đạt tiêu chuẩn đầu dòng.
Để giúp hồng không hạt tiếp tục phát triển thương hiệu, tỉnh Bắc Kạn đã và đang có thêm nhiều định hướng để thúc đẩy phát triển giống cây này
Dựa trên báo cáo kết quả theo dõi, kiểm tra, thẩm định tại thực địa đối với 23 cây hồng không hạt của hộ bà Vương Thị Hà, tại thôn Khau Bút, xã Cao Thượng và đề nghị bình tuyển của tổ thẩm định, Hội đồng bình tuyển đã tiến hành bình tuyển và thống nhất công nhận 18/23 cây đạt tiêu chuẩn cây đầu dòng. Tất cả các cây hồng không hạt đầu dòng này sẽ được phép khai thác mắt ghép và chiết cành, cung cấp giống cây hồng không hạt phục vụ sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn, nhằm khuyến khích phát triển loài cây quý này, tỉnh đã triển khai một số đề tài, dự án nhằm đánh giá, tuyển chọn cây đầu dòng, nhân giống, xây dựng mô hình thâm canh, cải tạo, phục tráng hồng. Qua đó bình tuyển được 44 cây hồng đầu dòng có năng suất cao, chất lượng tốt, xây dựng được các vườn ươm, hằng năm cung cấp khoảng 20.000 cây giống tốt cho người dân.
Để cây hồng không hạt thực sự giúp người dân xóa nghèo, ngoài việc khuyến khích người dân trồng loại cây ăn quả này, các ngành chức năng còn quan tâm ứng dụng khoa học công nghệ vào việc nhân giống, trồng, chăm sóc và bảo quản quả để nâng cao năng suất, chất lượng quả nhằm mang lại thu nhập ổn định cho người dân; đồng thời, tạo đầu ra ổn định, tránh tình trạng được mùa mất giá.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tổ chức các tuần lễ giới thiệu sản phẩm tại các thị trường lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… đặc biệt là liên kết với các hệ thống siêu thị lớn như Big C, CoopMart… để đưa sản phẩm hồng không hạt nói riêng và các nông sản đặc sản địa phương nói chung vào hệ thống siêu thị trên toàn quốc.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm